Thầy giáo dạy tiếng Anh online kể "chiêu độc" quản lý gần 400 học trò
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thời kỳ 4.0, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh được kết nối Internet, học sinh có thể ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu để truy cập kho dữ liệu học tập khổng lồ với các bài giảng phong phú, tra cứu kiến thức từ hàng trăm nguồn tài liệu.
Tương tự, giáo viên thời nay cũng có thể gửi và giảng dạy những bài học trực tiếp đến hàng trăm ngàn học sinh của mình, tất cả chỉ qua chiếc màn hình vi tính.
Chính vì những lẽ đó, việc dạy và học trực tuyến (còn gọi là học online) của cả thầy và trò đang là phương thức hữu hiệu nhất trong tình cảnh học sinh nghỉ học phòng dịch bệnh hiện nay. Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh này đến chương trình giáo dục của học sinh trên toàn quốc, và việc áp dụng phương pháp học online đã thực sự đem lại nhiều thuận lợi cho các em học sinh.
Thế nhưng, giáo viên cũng gặp không ít khó khăn, gặp những tình huống “dở khóc, dở cười” trong quá trình dạy online.
Thầy giáo Đỗ Minh Trung |
Thầy Đỗ Minh Trung – một giáo viên dạy Tiếng Anh nổi tiếng ở Hà Nội chia sẻ: "Có những buổi tối tôi phải dành 3-4 tiếng để nhắn tin, gọi điện “đòi” bài cũng như trả lời các thắc mắc của học sinh. Nhiều khi mọi người hay gọi tôi là “thần tượng đá” vì ngày nào cũng mỏi mòn chờ bài tập từ học sinh gửi để chấm đáp án”.
Thầy Trung thường chia lớp học của mình thành các nhóm nhỏ để có thể sát sao hơn với các em. Vì đặc thù môn tiếng Anh, khi giao bài tập cho học sinh, ngoài việc yêu cầu học sinh khoanh đáp án đúng, các em còn phải chép lại hoặc đánh máy lại đáp án đó gửi lại cho thầy.
"Việc cho học sinh chép lại đáp án để đảm bảo các con có trách nhiệm hơn với câu trả lời của mình mà không “khoanh liều” cho xong nhiệm vụ”, thầy Trung cho hay.
Thầy Trung đích thân nhắn tin cho học sinh nhắc làm bài. |
Thầy Trung kể, có những học sinh qua giờ nộp bài tập rồi nhưng vẫn không thấy đâu. Vậy là thầy phải đích thân nhắn tin, gọi điện. Nhưng lại có những học sinh “cù nhây” thấy số máy thầy liền không nghe máy. Vậy là thầy Trung phải thay đổi cách thức là gọi cho phụ huynh học sinh nhờ vào cuộc cùng giáo viên.
Giáo viên nhờ phụ huynh vào cuộc |
“Để xử lý được những học sinh “cù nhây” tôi phải áp dụng những phương pháp khác nhau. Học sinh thường chơi thân với nhau trong một nhóm, vì thế, nếu có 1 bạn làm “mật báo” cho mình thì sẽ dễ xử lý hơn.
Có học sinh của tôi thường không làm bài tập mà bắt bạn thân làm hộ, chép hộ. Ngay lập tức tôi phải nói chuyện với học sinh chép bài hộ bạn đó và yêu cầu học sinh dừng ngay điều đó lại, tất nhiên phải nói chuyện mềm dẻo.
Về phía học sinh chuyên nhờ bạn đi chép bài giúp, lười không làm mình cũng gián tiếp cảnh cáo. Có thể nói “con còn tiếp tục làm thế bạn của con sẽ bị thầy mắng”. Nếu con không muốn bạn bị mắng thì sẽ học hành nghiêm túc hơn” - thầy Trung chia sẻ.
Thầy Trung cho biết, có những học sinh nhạy cảm, dễ xấu hổ thì mình lại không nhắc chuyện con không làm bài tập mà nên tiếp cận theo cách khác.
Một trong những cuộc hội thoại tế nhị của thầy Trung với học sinh lười làm bài tập như sau: “Con bỏ thầy rồi à? Không học thầy nữa à mà không thấy con nộp bài tập. Ơn giời nếu vẫn đi học thì gửi bài tập cho thầy nhé”.
Vì có gần 400 học sinh và phải dạy online, chấm bài và quán xuyến việc học cho học sinh nên thầy Trung dường như ngày nào cũng lọ mọ từ sáng đến tối với học sinh, với bài tập.
“Đông học sinh quá và các em nộp bài tập dưới dạng online qua facebook, email nên nhiều khi có em nộp rồi mình lại nhầm thành em đó chưa nộp. Nhắn tin nhắc nhở lại bị học sinh kiện lại và mình sai nên mình vui vẻ xin lỗi các em. Thầy trò cứ như vậy nỗ lực trong mùa dịch, hi vọng các em sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức phục vụ tốt cho kỳ thi sắp tới”, thầy Trung tâm sự.