Thấy gì từ kết quả lợi nhuận của các ngân hàng?
Bất chấp những tác động nặng nề của dịch Covid, trong nửa đầu năm nay, một số ngân hàng vẫn công bố số lợi nhuận cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động của ngành ngân hàng năm nay chịu tác động đáng ngạitừ rủi ro nợ xấu. Ảnh: Gia Khoa |
Một trong những nguyên nhân được cho là nhờ việc chưa chuyển nhóm nợ, giảm trích lập dự phòng. Tuy nhiên, điều này cũng gây hoài nghi về tình trạng lợi nhuận ảo và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn rất cao.
Kết quả không tương đồng
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với kết quả hoạt động kinh doanh khả quan. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.356 tỷ đồng, tương đương hơn 52% kế hoạch năm và tăng hơn 29% so với con số 1.820 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, kết quả kinh doanh bán niên 2020 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.034 tỷ đồng, tăng khoảng 25,5% so với mức 1.620 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019. Đại diện TPBank cho biết, mặc dù thu nhập từ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và Ngân hàng giảm thu do miễn phí giao dịch cho khách hàng, nhưng nhờ đẩy mạnh các hoạt động bảo lãnh, tài trợ thương mại, bảo hiểm, thẻ… kết hợp cùng việc cắt giảm chi phí quản lý nên lợi nhuận của Ngân hàng vẫn được đảm bảo.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng dự kiến mức lợi nhuận trước thuế đến cuối tháng 6/2020 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm 2020. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NCB tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, kết quả lợi nhuận của một số ngân hàng khác lại giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020, ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 10.981 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng vừa công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2020. Kết thúc ngày 30/6/2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 1.004 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo kết quả khảo sát vừa được công bố của Vụ Dự báo, Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng cho biết kết quả hoạt động kinh doanh quý II tiếp tục suy giảm. Cụ thể, 26,4% số tổ chức tín dụng cho biết kết quả kinh doanh “suy giảm”, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định kết quả hoạt động kinh doanh trong quý này “cải thiện” hơn so với quý trước giảm mạnh từ mức 65,7% tại thời điểm tháng 12/2019 và 47% tại thời điểm tháng 3/2020 xuống còn 32% tại kỳ khảo sát này.
Hoài nghi lợi nhuận ảo
Nhận xét về diễn biến lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, với mức tăng trưởng tín dụng 3,26% trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ đạt non nửa của cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa đầu năm nay là không sát thực tế.
Đáng chú ý, hoạt động của ngành ngân hàng năm nay còn chịu tác động đáng ngại từ rủi ro nợ xấu, đặc biệt nợ xấu có khả năng mất vốn tăng làm tăng chi phí trích lập dự phòng và từ đó làm giảm lợi nhuận. Tác động này bắt đầu hiện rõ trong quý II và sẽ càng lớn hơn trong nửa còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, một số ngân hàng có thể có những hoạt động kinh doanh “né” được đáng kể tác động của dịch Covid, hoặc thu nhập từ các khách hàng hiện hữu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Dù vậy, vị chuyên gia này lưu ý, một yếu tố có thể khiến lợi nhuận của ngân hàng không sát thực tế là việc cho phép các ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Như vậy, nợ xấu chưa hiện rõ do ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng nên lợi nhuận vẫn cao.
“Nếu việc này tiếp tục được thực hiện thì nhiều khả năng lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn “ảo” và nợ xấu đang tiềm ẩn ở mức cao. Chẳng hạn, một món nợ xấu là 100 đồng, nếu ở nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro 100%, tức là trên bảng cân đối tài sản là 0 đồng nhưng do vẫn được giữ ở nhóm 4 (nợ nghi ngờ) thì trích lập dự phòng chỉ là 50% khoản nợ, hay nói cách khác là trên sổ sách vẫn còn 50 đồng nhưng thực tế là 50 đồng ảo”, ông Hiếu phân tích.
Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc một số ngân hàng có kết quả kinh doanh 6 tháng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, về cơ bản là do chưa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Số liệu về lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm không hẳn là ảo mà chủ yếu là do chu kỳ hạch toán thông thường. Mặt khác, theo ông Lực, tác động bất lợi của dịch Covid có độ trễ với lợi nhuận các ngân hàng, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng ở những quý sau sẽ xấu hơn nhiều.
Ngân hàng giảm mạnh dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay
Tuy các hoạt động kinh tế trong nước hoạt động trở lại nhưng các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng bất lợi tới triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng.
Theo baodauthau.vn