"Thầy cô phải hạnh phúc khi vào lớp, học sinh mới vui học"
Ảnh minh họa |
Tại hội nghị, đại diện Phòng Chính trị Tư tưởng Sở GDĐT TPHCM đã báo cáo kết quả và nhiệm vụ trọng tâm việc thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong trường học giai đoạn 2015-2019.
Có 95% cơ sở được công nhận môi trường giáo dục đảm bảo an toàn. Trong những năm qua, các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đã chủ động tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào các hoạt động giáo dục, chương trình giảng dạy;
Triển khai thực hiện và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non dựa vào cộng đồng; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho các cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục…
Hội thảo cũng đã dành thời gian để đại diện các trường thảo luận chia sẻ một số phương pháp kỹ năng thiết yếu nhằm hỗ trợ học sinh có nhu cầu cần trợ giúp. Bởi trên thực tế cho thấy trẻ em hiện nay không nhiều hạnh phúc như người lớn nghĩ, do các em có khá nhiều căng thẳng thúc đẩy từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi trẻ cần sự chăm sóc, yêu thương từ người thân để phát triển và kết nối tốt với xã hội thì do nhiều nguyên nhân, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít...
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sự căng thẳng thường thúc đẩy đứa trẻ tìm đến bạo lực nhằm giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Để ngăn ngừa, người lớn thường trách mắng, xử phạt, điều này đôi khi lại càng dẫn đến hậu quả xấu hơn dưới dạng tiềm thức của trẻ. Vì vậy, phụ huynh, giáo viên không nên phê phán mà cần quan tâm trẻ nhiều hơn, đặt mình vào vị trí các em để tìm hiểu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích nhấn mạnh, một đứa trẻ hạnh phúc khi người lớn hạnh phúc. Do đó thầy cô khi đến lớp, muốn học sinh vào trường vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày thì bản thân phải học cách làm cho mình vui trước, làm cho mình hạnh phúc trước. Một thầy cô hạnh phúc, hàng ngàn học sinh sẽ dễ dàng thành công.
Theo lãnh đạo Phòng Chính trị tư tưởng, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025 là tăng cường trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và kỹ năng phòng vệ cho học sinh các bậc học. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng tăng cường thực hiện nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ và đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập và tư thục.