Thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại Đà Nẵng
Theo đó, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được đặt tại số 48 đường Sư Vạn Hạnh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), do ông Thái Văn Tịnh (tức Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm) quản lý.
Tháng 8/2013, lần đầu tiên tại Đà Nẵng diễn ra cuộc triển lãm "Tinh hoacổ vật Phật giáo"... (Ảnh: HC) |
Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tự chịu trách nhiệm về tổ chức, trưng bày, bảo quản hiện vật và hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành. Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm giúp UBND TP Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo.
Theo ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, di sản văn hoá Phật giáo chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trong đợt đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân "bảo vật quốc gia" vào tháng 10/2012, trong số 30 bảo vật quốc gia được công nhận đã có 6 bảo vật thuộc di sản văn hoá Phật giáo.
Hiện các chùa trên địa bàn Đà Nẵng đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập đồ sộ các cổ vật trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua các đợt điền dã khảo sát cùng với Bảo tàng Đà Nẵng, các chuyên gia hàng đầu về di sản văn hoá ở TƯ đánh giá sưu tập di sản văn hoá Phật giáo ở Đà Nẵng thừa khả năng xây dựng được cả một Bảo tàng Phật giáo độc đáo và hấp dẫn để khách thập phương chiêm ngưỡng.
Tháng 8/2013, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo", giới thiệu hơn 80 cổ vật là các tuyệt tác được chọn lọc trong hàng nghìn cổ vật trong kho tàng di sản văn hoá Phật giáo đang lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập ở các chùa và các nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng trên địa bàn.
Đây cũng là lần đầu tiên cổ vật đặc trưng, có giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo hiện lưu giữ tại Đà Nẵng được đưa ra giới thiệu rộng rãi với công chúng trong một cuộc triển lãm chính thức nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trên địa bàn TP. Các cổ vật đưa ra trưng bày lần này có giá trị lịch sử, khoa học và tính thẩm mỹ rất cao, gồm: tranh vẽ, tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XX.
trưng bày nhiều cổ vật đặc trưng, có giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo hiện được lưu giữ tại các chùa ở Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Tại đây, Thượng tọa Thích Huệ Vinh đã tham dự 13 hiện vật trong bộ sưu tập của mình, trong đó có nhiều cổ vật độc đáo như tượng "Phật Quán Thế Âm" chất liệu đồng có niên đại từ thế kỷ 7 - 8; tượng "Đức Thích Ca nhập niết bàn" hay tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo ở pho tượng "Quan Âm nghìn mắt nghìn tay". Chùa Linh Ứng giới thiệu bộ tượng "Thập Bát la Hán" bằng chất liệu đá Non Nước xưa với tay nghề điêu luyện của nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn.
“Phong phú nhất là bộ sưu tập của Thượng toạ Thích Từ Nghiêm (chùa Phổ Đà). Ngoài nhiệm vụ Phật sự, thầy đã bỏ nhiều công sức sưu tầm cổ vật, góp phần giữ gìn, tôn vinh di sản văn hoá của đất nước. Đáng trân trọng hơn nữa là thầy cũng đã phát tâm tặng nhiều cổ vật quý cho Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai thầy tham gia triển lãm cổ vật ở bảo tàng chúng tôi với 14 cổ vật, hầu hết là tượng Phật, Bồ Tát điêu khắc gỗ có niên đại rất sớm và rất quý hiếm!" - ông Hà Phước Mai cho hay.
Bên cạnh đó, chùa An Long (hay còn gọi là chùa Long Thủ, nơi có bia đá được công nhân Di sản Văn hoá quốc gia, dựng ngày 1/4 năm Thịnh Đức thứ 5, đời vua Lê Thần Tông (1657), mang ý nghĩa là chứng cứ quan trọng đối với lịch sử Đà Nẵng và là một trong những bia đá cổ nhất còn lại ở Đà Nẵng hiện nay) đưa đến cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo" hồi tháng 8/2013 một chiếc chuông đồng lớn, có niên đại từ thế kỷ 18, trên đó chạm khắc nhiều hoạ tiết, minh văn rất có giá trị.
Độc đáo hơn nữa là một hiện vật từ Tam Thai Quốc Tự ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đó là "Quả Tim Lửa" bằng đồng, quý hiếm, linh thiêng mà cách đây 178 năm, vua Minh Mạng ban cho sau khi chùa được xây dựng lại. Trên đó có thủ bút minh văn của vị vua được cho là anh minh nhất triều Nguyễn. Khi tiễn cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng cung thỉnh hiện vật về tham dự cuộc triển lãm hồi tháng 8/2013, Thượng toạ Thích Huệ Mãn trụ trì chùa Tam Thai có nói vui: "Sau gần 2 thế kỷ, đây là lần đầu tiên "Quả Tim Lửa" hạ sơn!"
“Đáng tiếc vì hạn hẹp về không gian trưng bày và thời gian chuẩn bị nên chúng tôi chỉ có thể đưa về cuộc triển lãm lúc đó một phần nhỏ trong các bộ sưu tập đồ sộ ở các chùa trên địa bàn TP. Việc thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo chắc chắn sẽ giúp các cổ vật đặc trưng, có giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo còn lưu giữ ở Đà Nẵng càng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong thời gian tới – ông Hà Phước Mai nhận định.