Tháng 9/2015, khởi công xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, hiện Công ty CPĐT Đèo Cả đang hoàn chỉnh thiết kế hầm đường bộ qua đèo Cù Mông (ranh giới giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên), bắt đầu thực hiện việc giải phóng mặt bằng. Dự kiến tháng 9/2015, đơn vị sẽ khởi công xây dựng đường hầm này cùng với việc khánh thành hầm đường bộ qua đèo Cổ Mã (thuộc dự án hầm Đèo Cả).
Dự kiến tháng 9/2015, hầm Cổ Mã (thuộc dự án hầm Đèo Cả) sẽ được khánh thành cùng với việc khởi công dự án hầm Cù Mông (Ảnh: HC) |
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, với kinh nghiệm có được trong thời gian thực hiện dự án hầm Đèo Cả (nằm trên địa bàn hai huyện Đông Hòa, Phú Yên và Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng như phần vốn dư do điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án hầm Đèo Cả, tháng 7/2014, Công ty CPĐT Đèo Cả đã chủ động nghiên cứu và đề xuất với Bộ GTVT về việc xây dựng hầm Cù Mông.
Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT chấp thuận cho phép bổ sung hầm Cù Mông vào dự án hầm Đèo Cả và sử dụng nguồn vốn dành cho dự án hầm Đèo Cả còn dư để đầu tư xây dựng hầm Cù Mông. Theo thiết kế, hầm Cù Mông dài khoảng 2.500m, đường dẫn 2 bên dài khoảng 4km, dự kiến thi công trong 30 tháng, hoàn thành vào tháng 3/2018. Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 4.000 tỉ đồng.
Đối với dự án hầm Đèo Cả (có tổng chiều dài toàn dự án là 13,19km, gồm hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m, tổng chiều dài đường dẫn và các cầu trên tuyến chính là 8.565m, trong đó có 1.200m cầu), ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho hay, dự án được thực hiện theo hình thức BOT và BT do Công ty CPĐT Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra trên đèo Cả (Ảnh: HC) |
Đến nay, toàn bộ các cầu đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ, các đoạn đường dẫn vào hầm đã triển khai trên toàn tuyến. Hầm Cổ Mã đã thông hầm từ tháng 11/2014, hầm Đèo Cả đã đào được khoảng 2.435m/8.250m, tốc độ đào hầm đạt khoảng 100m – 120m/tháng. Đến tháng 9/2015 sẽ hoàn thành hầm Cổ Mã và 2km đường dẫn phía nam nối hầm Cổ Mã với QL1.
Để đảm bảo tiến độ thi công hầm, chủ đầu tư cùng các bên đã tổ chức thi công liên tục 3 ca không nghỉ ngày lễ tết, tổng kết kinh nghiệm thi công thực tế để nâng cao năng suất lao động; từ tháng 2/2015 đã nâng chiều dài bước đào hầm tối đa từ 2m lên 4m, qua đó đẩy nhanh được tiến độ thi công, đáp ứng yêu cầu khắt khe của Bộ GTVT.
Theo kế hoạch, đến tháng 7/2017 dự án hầm Đèo Cả sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi dự án hoàn thành, thay vì phải đi đoạn đường dài 21,4km qua đèo Cả, hầu hết các phương tiện giao thông sẽ qua hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, đoạn đường được rút ngắn lại còn 13,19km, giảm được 38% quãng đường. Nếu xét theo thời gian, hiện nay để đi qua đèo Cả mất khoảng 45 phút, sau khi dự án hoàn thành, thời gian di chuyển giảm xuống còn khoảng 10 phút, tiết kiệm được 78% thời gian.
Từ tháng 2/2015, Công ty CPĐT Đèo Cả đã nâng chiều dài bước đào hầm Đèo Cả tối đa từ 2m lên 4m, hiện đạt 100 - 120m/tháng (Ảnh: HC) |
“Các thông số này cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng cái được lớn nhất chính là đảm bảo an toàn giao thông trong mọi điều kiện thời tiết cho xe qua khu vực đèo Cả khi dự án hoàn thành, chấm dứt các vụ tai nạn thường xuyên trên đèo. Đồng thời mang ý nghĩa khẳng định năng lực quản lý và thi công đối với dự án lớn, phức tạp của nhà đầu tư và nhà thầu trong nước!” – ông Nguyễn Ngọc Cảnh nói.
Ông cho hay, trong quá trình thực hiện dự án, dựa vào tình hình thực tế, chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế trên nguyên tắc đảm bảo quy mô kỹ thuật không thay đổi. Qua đó đã giảm tổng mức đầu tư của dự án từ 15.603 tỉ đồng xuống còn 11.378 tỉ đồng (giảm 27%). Các hạng mục chính được điều chỉnh gồm không cho xe chở chất dễ cháy nổ độc hại qua hầm (giúp thay đổi kết cấu hầm), thay cầu thép bằng cầu BTCT, áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc mới.
Trao đổi với PV Infonet, ông Hidefumi EZAWA, Giám đốc dự án Tư vấn giám sát dự án hầm Đèo Cả của Liên danh Tư vấn Apave - Dohwa - TEDI South và Liên danh Tư vấn Nippon Koei – Apave – A2Z cho hay, ông từng làm tư vấn giám sát tại dự án hầm đường bộ Hải Vân cách đây hơn 10 năm nên nhận thấy sự tiến bộ rất rõ của nhà thầu cùng các kỹ sư, công nhân Việt Nam.
Dự kiến hầm Đèo Cả sẽ hoàn thành vào tháng 7/2017 (Ảnh: HC) |
“Có thể nói trình độ tay nghề của họ phát triển hơn trước rất nhiều. Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở dự án này là các kỹ sư, công nhân Việt Nam nắm bắt rất nhanh cách thức làm việc trong hầm và các kỹ năng thi công của họ ngày càng trở nên chuyên nghiệp!” – ông Hidefumi EZAWA nói.
Được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2005, hầm Hải Vân hiện đang khai thác chỉ 01 ống hầm với 2 làn xe và thực tế cho thấy không đáp ứng được yêu cầu giao thông, tốc độ dòng xe chỉ đạt khoảng 60% so với thiết kế. Do đó việc nâng cấp mở rộng hầm Hải Vân là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho hay, Công ty CPĐT Đèo Cả cùng với tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) đã thực hiện việc nghiên cứu mở rộng hầm Hải Vân từ cuối năm 2014, đến nay đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi và đã đề xuất lên Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép triển khai mở rộng hầm Hải Vân.
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 6.000 tỉ đồng và sẽ triển khai thi công trong 48 tháng. Biện pháp thi công đã được tư vấn Nhật Bản nghiên cứu và khẳng định đảm bảo an toàn cho việc khai thác liên tục ống hầm hiện nay trong suốt quá trình thi công ống hầm thứ hai.