Thân phận ở rể
Ông bà xưa thường bảo “xa mỏi chân, gần mỏi miệng”, ở chung sao tránh được lời qua tiếng lại. Làm dâu thì thế nào cũng “lấn cấn” với má chồng, ở rể thế nào cũng có chuyện với má vợ, hai vị “gia gia” nắm quyền quyết định trong nhà nên việc lớn bé đều quản, khó ăn khó ở cũng là chuyện thường.
Cám cảnh thân phận ở rể... Ảnh minh họa |
N. ba mươi tuổi, lấy vợ xong chấp nhận về ở rể. Nhà vợ cất hẳn một căn nhà cho hai vợ chồng ở sát bên. Vợ N. hơn anh bốn tuổi nên mọi việc lớn bé trong nhà đều lo chu toàn. N. cũng vì vậy mà nhàn rỗi. Vốn là con trai duy nhất nên từ nhỏ N. được mẹ và chị em cưng chiều. Đến khi lấy vợ, vợ ra tay “dạy” chồng từ việc rửa chén đến giặt đồ, chăm con. N. làm việc nhà ngăn nắp, chăm con lại có phần khéo hơn vợ.
Vốn là người tự ái nên N. thay đổi chỗ làm liên tục vì không chịu được những lời trách mắng của cấp trên. Khi có con đầu lòng, thấy vợ làm kinh tế giỏi hơn, N. nghỉ làm ở nhà chăm con. Đến khi con lớn vẫn chẳng chịu đi làm vì cho rằng vợ làm đủ lo kinh tế thì N. ở nhà lo công việc nhà, đưa đón con cái là được. Thời gian rảnh rỗi, N. theo bạn bè trong xóm tụ tập ăn nhậu.
Vợ N. thời gian đầu còn chiều chồng, sau do công việc làm ăn gặp khó khăn nên đâm cáu bẳn với chồng. Vợ chồng gây nhau thường xuyên. N. luôn to tiếng trấn áp vợ, nhiều lần không kiềm chế được, N. còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.
Cha mẹ vợ thấy vậy lên tiếng chỉ trích con rể không lo làm ăn, chỉ lo chơi bời, còn đánh vợ. Bực bội, N. đóng cửa “dạy vợ” một trận nên thân. Hai cậu em vợ thấy vậy, cũng lao vào “dạy” anh rể. Hậu quả là tình cảm gia đình sứt mẻ, vợ N. đâm đơn ra tòa.
Cũng ở rể như N. nhưng D. lại được lòng nhà vợ. Vốn sinh ra trong gia đình chẳng mấy khá giả nên D. đã tự lập từ sớm. Hết lớp Chín, D. nghỉ học đi làm hồ phụ gia đình. Ngày gặp chị T. và nên duyên, anh quyết định theo về quê vợ, vì gia đình anh vốn đông con, đất đai lại không có, trong khi gia đình vợ có điều kiện kinh tế hơn.
Vốn tự lập từ nhỏ, lại vào đời bươn chải sớm nên việc gì D. cũng biết làm. Vợ làm công nhân may, D. làm hồ. Công việc làm hồ bấp bênh, bữa có bữa không, D. mạnh dạn mượn hai sào ruộng của cha mẹ vợ để trồng thanh long.
Vậy là ngoài việc làm hồ, bốn giờ sáng D. đã dậy tưới thanh long, chiều đi làm về lại lao vào chăm sóc khu vườn tới tối mịt mới nghỉ, chẳng mấy chốc vườn thanh long đã sum suê.
Mùa đầu tiên, vợ chồng D. thu được mấy chục triệu tiền lời. Có vốn, D. lại tính tiếp đường làm ăn, anh mua hai con bò cái, tận dụng nguồn cỏ trong vườn thanh long để nuôi kiếm thêm thu nhập.
Công việc nhiều, nhưng D. không bao giờ cho vợ đụng tay phụ việc gì. Thấy con rể siêng năng, tốt tính, cha mẹ vợ chuyển quyền sở hữu đất cho hai vợ chồng đứng tên. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ sau vài năm, hai vợ chồng D. đã có số vốn kha khá, cộng thêm số tiền cha mẹ vợ cho mượn, họ cất một căn nhà khang trang rồi dọn ra ở riêng.
Ai cũng bảo chị T. tốt số, lấy được người chồng siêng năng giỏi giang, lại chẳng bao giờ nhậu nhẹt, la vợ mắng con. Bản thân D. thì bảo nhờ gia đình vợ thương mà anh mới có được ngày hôm nay, nên bên vợ có việc nhờ đến, anh đều ra sức giúp, chẳng nề hà nặng nhọc.
Qua hai trường hợp của N. và D., có thể thấy không phải ai ở rể cũng bị lép vế trước gia đình vợ. Chỉ cần bản thân siêng năng, chăm chỉ làm ăn, thì dù “chó chui gầm chạn”, vẫn được thương yêu.