Tham vọng vượt quá khả năng nhà xe
Giám sát tốt 9 chỉ tiêu đã đủ đưa hoạt động vận tải hành khách vào nề nếp - Ảnh Duy Nguyên |
Chiều 23/10, Sở GTVT TP.HCM họp lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và vận tải hành khách trên địa bàn thành phố về Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải”. Đa số các doanh nghiệp đều nhận định, mục tiêu của Đề án quá tham vọng, vượt xa khả năng hiện tại.
Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, để quản lý tốt hoạt động vận tải đường bộ, nên tập trung vào công tác giám sát thực hiện những quy định đã có.
Theo Tổng Cục đường bộ Việt Nam, vận tải đường bộ hiện còn nhiều yếu kém tác động tiêu cực đến chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông. Cụ thể, tình trạng chở quá tải, “xe dù”, “bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định, tranh giành khách, bán khách… vẫn tràn lan. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về vận tải còn nhiều yếu kém, các quy định pháp luật chưa chặt chẽ.
Dựa trên nhu cầu thực tế đó, Bộ GTVT đang xây dựng Đề án “Đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải” để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và quản lý tốt hơn hoạt động vận tải đường bộ.
Sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử để giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp ký một hợp đồng xe thì cung cấp thông tin lên website để Sở GTVT giám sát. Việc giám sát hiện đại hoạt động vận tải đường bộ có ý nghĩa giám sát chặt chẽ hành trình từng đầu xe.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng xem xét, điều chỉnh nhiều quy định còn thiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành đối với hoạt động vận tải đường bộ. Định kỳ 3 năm một lần, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thanh kiểm tra hoạt động các Sở GTVT. Định kỳ mỗi năm một lần, các Sở GTVT sẽ thanh kiểm tra các đơn vị vận tải hành khách và vận tải hàng hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến xe miền Đông nhận định: “Đề án mong muốn làm được nhiều trong việc quản lý hoạt động vận tải, trong khi phần đánh giá thực trạng chưa cụ thể. Giải pháp đặt ra cũng rất chung chung, mơ hồ”.
Một đại diện doanh nghiệp (không nêu tên) nghi ngại: “Bộ GTVT cho lập Đề án với rất nhiều việc phải làm. Nhưng liệu có đạt được không? Chẳng hạn như, khi nhận được hợp đồng xe, doanh nghiệp phải đưa lên website để báo cáo về Sở. Sở lại có thêm một bộ phận theo dõi hành trình các đầu xe của doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng “xe dù”. Điều này có tham vọng quá không?”.
Vị này còn nói thêm: “Chỉ riêng chuyện quản lý hộp đen (thiết bị giám sát hành trình), mà cho đến nay còn không làm nổi thì đừng tham vọng giám sát từng đầu xe đi đâu, về đâu thông qua hệ thống mạng”.
Chất lượng dịch vụ vận tải gắn liền với chất lượng cầu đường - Ảnh Duy Nguyên |
Theo các doanh nghiệp vận tải, mục tiêu của đề án chung quy là muốn khắc phục tình trạng “xe dù”, “xe cốc” và đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó, có thể tập trung thực hiện các mục tiêu này mà không cần phải xây dựng Đề án.
Đại diện Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Phương Trang cho biết, hiện Nhà nước đang quản lý hoạt động của các doanh nghiệp vận tải bằng 9 chỉ tiêu như: Con người, lái xe, tiếp viên phải được đào tạo, giấy tờ, phù hiệu xe, bến bãi đỗ xe, tổ an toàn giao thông… Với 9 chỉ tiêu đã là quá nhiều. Chỉ cần tập trung kiểm tra, giám sát 9 chỉ tiêu này thì đã có thể đưa hoạt động vận tải đi vào nề nếp.
Về việc xét cấp tiêu chuẩn “sao” về chất lượng dịch vụ cho các doanh nghiệp vận tải hành khách, đại diện công ty Phương Trang cho rằng, chất lượng dịch vụ phải do hành khách đánh giá thì mới chính xác. Còn nếu để các Sở GTVT xét cấp thì chắc chắn sẽ sinh ra nhiều bất cập, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn như, lo lót để được chuẩn 5 sao, được vận tải sang Lào, Campuchia, trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 1 – 2 sao thì không được cấp phép đi nước ngoài…
Theo đại diện Hợp tác xã vận tải số 9, muốn chất lượng, muốn hiện đại thì trước hết, hạ tầng giao thông phải hiện đại. Đề án chỉ tập trung vào các văn bản quy định, sẽ không thể nào đạt được mục tiêu quản lý hiện đại và chất lượng vận tải.
“Đường xấu thì làm sao mà dịch vụ vận tải có chất lượng được. Thứ nữa là phải thay đổi lái xe. Đội ngũ lái xe hiện tại rất kém chất lượng. Ngoài biết lái xe ra thì văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp rất kém”, vị này nói.
Đại diện Tập đoàn Mai Linh cho rằng, cần xem xét kỹ nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông để từ đó có biện pháp khắc phục cho phù hợp.
Hơn nữa, Đề án quy định, xe chạy hợp đồng và xe chạy tuyến cố định không được dừng đón và trả khách dọc đường. Điều này không hợp lý. Bởi người dân vẫn có nhu cầu đón hoặc xuống xe dọc đường thuận tiện theo vị trí nhà ở, nơi công tác.
Để khắc phục tình trạng này, Mai Linh kiến nghị, Bộ GTVT nên xem xét lập thêm các trạm dừng trả khách, nhất là trên quốc lộ để vừa tiện lợi cho nhà xe vừa tăng cường khả năng giám sát của cơ quan chức năng.