Thai phụ chạy thận sinh con an toàn
Bế cô con gái Mạc Bảo Ngọc được 2 tuần tuổi trên tay, chị Yến vẫn chưa tin hạnh phúc với mình là có thật. “Việc có con thật sự là điều không tưởng với vợ chồng em. Thế nhưng các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đã biến niềm khao khát đó thành hiện thực”.
Niềm vui của bà nội cháu Bảo Ngọc đón cháu ra viện. |
Theo lời chị Yến, chị lập gia đình năm 2014 và sau đó vài tháng, chị phát hiện mình bị suy thận. Cũng từ đó, cuộc sống của chị gắn liền với bệnh viện, sống nhờ chiếc máy chạy thận chu kỳ 2 lần/tuần. Qua các tài liệu và kiến thức có được, chị Yến biết việc có con đối với một người như chị là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Thế nên, năm 2015, khi phát hiện có thai, niềm hạnh phúc của anh chị ngay lập tức bị nỗi lo lắng nhấn chìm.
Chị thổ lộ, cũng thật may mắn, đúng lúc đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, em được biết Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công một sản phụ chạy thận 7 năm sinh con thành công. Như sắp chết đuối vớ được chiếc phao, gia đình em đã ngay lập tức xin chuyển xuống Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai để nhờ các y bác sĩ chăm sóc và theo dõi cho hai mẹ con.
ThS.BS. Nguyễn Thị Thu Hải - người được phân công theo dõi, điều trị cho chị Yến từ những ngày đầu vào khoa đến khi sinh hạ an toàn - cho biết: Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ giữ thai khó khăn hơn cả trăm lần.
Vì vậy, một quy trình đặc biệt do một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng dành riêng cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ mang thai sinh con. Với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu cao hơn người bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn. Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: thuốc huyết áp, thuốc chống đông…
Khoa Thận nhân tạo đã phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ Khoa Sản theo dõi từng ngày, điều chỉnh cân nặng, theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của bánh rau, của thai nhi.
Đối với trường hợp bệnh nhân suy thận, phải lọc máu chu kỳ có thai đã sinh con, theo TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, đây thực sự là kỳ tích bởi đối với bệnh nhân suy thận, tỷ lệ có thai chỉ đạt 1-7%.
“Lịch sử 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai đến nay mới ghi nhận 6 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai, trong đó có 4 trường hợp không giữ được thai và có 2 trường hợp thành công.
Đầu tiên là trường hợp của chị Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hà Nội bị suy thận từ năm 2008 và đã sinh con an toàn vào tháng 9/2015. Chị Lê Thị Yến, 26 tuổi, ở Phú Bình, Thái Nguyên là trường hợp hiếm gặp thứ hai tại khoa chúng tôi”.
TS. Nguyễn Hữu Dũng cũng khuyến cá trường hợp của chị Yến thực sự là một kỳ tích! Có thai và sinh con ở bệnh nhân suy thận chứa đựng nhiều nguy cơ, đòi hỏi một quy trình phối hợp, theo dõi rất nghiêm ngặt và chuyên nghiệp của nhiều chuyên khoa.
Vì sự an toàn của người bệnh, chúng tôi không có chủ trương quảng bá, khuyến khích cho những bệnh nhân nữ suy thận có thai và sinh con trong những điều kiện không an toàn.
Tuy nhiên, thành công này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân suy thận khác có mong muốn được làm mẹ nếu được theo dõi tại các cơ sở y tế lớn đủ điều kiện chuyên môn, được các thầy thuốc hỗ trợ và theo dõi chặt chẽ.
Và những nỗ lực của các thầy thuốc, khao khát làm mẹ của chị Yến đã được đền đáp, ngày 26/2 vừa qua, bé gái Mạc Bảo Ngọc đã chào đời trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc Khoa Thận nhân tạo, Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai. Cháu bé được sinh mổ ở tuần thai thứ 31 với trọng lượng 1.200g. Sau 2 tuần được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, ngày 11/3, cháu Bảo Ngọc đã được ra viện khỏe mạnh với trọng lượng 1.500 g.
Theo Mai Thanh/Báo Sức Khỏe Đời Sống