Thái Lan: Phạt tù 5 năm nếu chụp ảnh tự sướng... khoe ngực trần
(Ảnh minh họa) |
Việc chụp ngực trần rồi tung lên mạng đang trở thành trào lưu tiêu khiển rất phổ biến ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, ngày 16/3, chính phủ quân sự Thái Lan đã tuyên bố sẵn sàng khởi tố bất kỳ ai đăng các bức ảnh kiểu đó lên mạng, cho rằng việc này là “không thích hợp” và sẽ truy tố theo luật chống tội phạm máy tính nghiêm khắc của đất nước.
Luật Tội phạm máy tính của Thái Lan năm 2007 cấm bất kỳ thông tin nào làm “thiệt hại cho an ninh quốc gia hay gây hoang mang trong cộng đồng” hoặc “bất kỳ tài liệu khiêu dâm nào trên máy tính có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng”.
Bộ Văn hóa nước này cho biết, những người vi phạm sẽ phải đối diện với án phạt 5 năm tù giam, nhưng không nói họ sẽ dùng cách gì để nhận diện được tội phạm.
Ảnh minh họa |
Phát ngôn viên Bộ Văn hóa Thái Lan Anandha Chouchoti trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters: “Khi mọi người chụp những tấm hình tự sướng với bầu ngực như vậy, không ai có thể thấy được mặt của họ. Vì thế, chúng ta không thể biết được ‘chủ nhân’ là ai, như vậy sẽ khuyến khích những người khác hành động tương tự. Chúng ta chỉ có thể cảnh báo mọi người không được làm như vậy nữa vì đây là việc làm không thích hợp”.
Bộ này từ lâu đã bị chỉ trích vì kiểm duyệt quá gắt gao các loại phim ảnh, ca nhạc, truyền hình và một số tập quán văn hóa phương Tây trong nỗ lực nhằm duy trì các giá trị truyền thống của một đất nước đã quá tai tiếng với nạn mại dâm.
Nếu lệnh cấm này nghe có vẻ hài hước, thì thực chất đây chỉ là một trong số nhiều động thái mới nhất của chính phủ quân sự Thái Lan lên nắm quyền từ tháng 5/2014 về kiểm duyệt truyền thông.
Tại thời điểm diễn ra đảo chính quân sự năm ngoái, nhà khoa học chính trị Aim Sinpeng đã nói với tờ Washington Post rằng: “Khi so sánh với những lần tiếp quản quân sự vào năm 2006 và 1991 trước đó, chính quyền này đã áp dụng các biện pháp quyệt liệt hơn để hạn chế tự do báo chí. Cuộc bạo động không chỉ nhằm mục đích kiểm soát chính quyền, mà còn kiểm soát cả truyền thông”.
Theo hãng truyền thông Mỹ Al Jazeera, hồi tháng 1, chính phủ Thái Lan đã “ép một tổ chức của Đức phải đóng cửa một diễn đàn thảo luận về các nội quy truyền thông mới”.
Cựu cảnh sát trưởng Thái Lan nói với tờ Reuters rằng “cảnh sát sẽ không dùng luật pháp nhằm vào truyền thông, miễn là các nhà báo hợp tác và giúp đỡ chia sẻ thông tin mang tính xây dựng và xác thực. Còn những tin lan truyền nội dung không phù hợp sẽ phải đối diện với các án phạt hình sự”.
Một nguồn tin khác của Reuters cho biết, chính quyền quân chủ này đã tuyên bố “đóng cửa 112 website không phù hợp, 250 đài phát thanh và 20 kênh truyền hình kể từ sau cuộc đảo chính”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Daily Mail - nhật báo của Anh, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1896 và Business Insider - một trang tin công nghệ lớn của Mỹ.