Thải độc đại tràng dưới góc nhìn khác của bác sĩ
Những người theo trường phái thải độc đại tràng cho rằng đại tràng là nơi chứa phân, tích tụ chất độc, nên cần thụt tháo đại tràng để thải độc giúp cho cơ thể khỏe mạnh.
Theo TS BS Quan Thế Dân – Nguyên bác sĩ Bệnh viện Thống nhất, thải độc đại tràng hiện nhiều người vẫn tin rằng nó hiệu quả cho việc làm sạch đại tràng nhưng cũng có người lại cho rằng thải độc đại tràng sẽ phá vỡ cân bằng tự nhiên của cơ thể, sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
TS Dân cho biết bình thường thức ăn vào dạ dày sau đó được dạ dày nhào bóp thành dạng dưỡng chấp. Sau đó dịch dưỡng chấp được dạ dày bóp phun xuống ruột non. Ở ruột non dịch dưỡng chấp trộn tiếp với dịch mật, dịch ruột non để chuyển hóa thức ăn và ruột non hấp thu dinh dưỡng. Dịch ở ruột non vẫn còn thơm và khi xuống tới đại tràng hay gọi ruột già thì sẽ khác.
Dịch tiêu hóa xuống đến đại tràng thì rất lỏng, chứa nhiều phần tử thức ăn chưa tiêu hóa hết, cùng nhiều thành phần hòa tan trong đó là các chất muối và vitamin.
Đại tràng làm nhiệm vụ hấp thu lại nước và muối khoáng có trong dịch tiêu hóa. Từ một lượng dịch tiêu hóa khoảng 10 lít/ngày, dịch tiêu hóa từ từ đi qua đại tràng và bị hút kiệt nước, trở nên khô, thành thỏi phân thải ra ngoài. Như vậy vai trò của đại tràng rất quan trọng, nếu không có đại tràng người ta sẽ chết vì mất nước và muối.
Ảnh minh hoạ. |
BS Dân cho biết phân chứa các chất không tiêu hoá được của thức ăn, các muối khoáng, sắc tố mật, các tế bào biểu mô của ruột bị bong ra, các chất độc của gan thải qua đường mật, các loại vi khuẩn.... Như vậy câu chuyện phân chứa chất độc là có thật nhưng không phải là chủ yếu.
Cái độc của phân đến từ chỗ khác, đó là do đám vi khuẩn cộng sinh trong đại tràng. Trong đại tràng có một hệ vi khuẩn cộng sinh rất phong phú, chúng sống bằng các chất dinh dưỡng còn sót lại trong dịch ruột xuống đến đại tràng. Chúng cũng có ích nhất định cho cơ thể khi chúng tổng hợp ra vitamin K, vitamin nhóm B, axít folic cho cơ thể con người.
Nếu chúng ta cứ nhất quyết muốn làm sạch đám vi khuẩn này thì chúng ta sẽ bị thiếu các chất kể trên. Tuy nhiên đám vi khuẩn này sinh ra các chất độc do phân giải các chất đạm còn sót này thành các cấu trúc ni tơ dở dang, gây độc cho thần kinh, như các chất bay hơi: amoniac NH3, indol, scatol, mercaptan, sulfua hydro... tạo nên cho phân có mùi khó ngửi.
Các chất độc của phân này cũng ngấm vào máu và được máu đưa quay về gan để khử độc. Khi gan bị suy yếu, ví dụ như trong xơ gan, thì các chất độc này ngấm lên não gây hôn mê gan và người bệnh tử vong. Như vậy câu chuyện phân chứa chất độc là có thật.
Cái này các bác sĩ đều biết, vì thế khi bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối các bác sĩ luôn phải cho người bệnh uống kháng sinh đường ruột để diệt bớt vi khuẩn ở đại tràng, đồng thời luôn cho người bệnh uống thuốc nhuận tràng để tránh ứ đọng phân, từ đó giảm bớt nguy cơ ngấm chất độc lên não.
Khi tháo thụt đại tràng thì vừa có lợi lại vừa có hại. Bởi vì, thụt tháo sẽ lấy các chất độc bay hơi đó khỏi đại tràng, giảm mật độ vi khuẩn ruột xuống, giúp giải độc tạm thời cho não. Nhưng trong chuyên môn thụt tháo sẽ có lợi khi bệnh nhân đang có bệnh lý, nhất là đang bị táo bón.
Còn trên người vẫn đại tiện bình thường, một tuần hay một tháng thụt tháo vài lần thì chẳng có tác dụng chống độc gì, vì chất độc kia cơ thể vẫn sinh ra hàng ngày. Vì vậy, BS Dân nhấn mạnh không nên tháo thụt mà để cho đại tràng làm nhiệm vụ thải độc của nó. Bạn chỉ có thể giúp đại tràng bằng cách uống đủ nước cho phân mềm dễ di chuyển, tập vận động nhẹ nhàng cho đại tràng có sức co bóp.
Ngoài ra, thụt tháo hàng ngày sẽ làm mất đi các vitamin K, B… có ích, lâu ngày cơ thể sẽ sinh ra thiếu chất. Trên những bệnh nhân già yếu, nằm lâu do tai biến thì thường có táo bón mạn tính, có thể phải thụt tháo thường xuyên dài ngày, thì cần uống bổ xung các vitamin.
Khánh Chi