Thải độc bằng sắn dây sau khỏi Covid-19 có tốt không?
Nhiều người mách nhau sau Covid-19 uống nước sắn dây để thải hết độc tố do virus gây ra, giảm tình trạng hậu Covid-19.
Chị Hà Thị Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết sau khi cả nhà mắc Covid-19, ai cũng chán ăn, mệt mỏi nên chị có cách thải độc đường tiêu hoá để virus được thải hết qua bài tiết bằng cách uống nước sắn dây pha đường phèn.
Chị Thu kể, hàng ngày chị lấy nước ấm khoảng 40 độ C và cho bột sắn dây và đường phèn khuấy đều cho tan. Cắt 1- 2 lát chanh và chia ra cốc cho các thành viên trong nhà uống ngày 2 lần để thải độc, tốt cho tiêu hoá, làm sạch virus trong cơ quan tiêu hoá giúp ăn ngon miệng hơn.
Trên nhóm Tư vấn F0 tại nhà, nhiều cựu F0 cũng chia sẻ sử dụng bài thuốc nước sắn dây với đường phèn giúp giảm các triệu chứng mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19, thải độc virus ra khỏi cơ thể, nhanh bình phục hơn.
Anh Nguyễn Thao (Văn Khê, Hà Đông) cũng chia sẻ trong 10 ngày cách ly vì Covid-19, mỗi ngày anh đều đặn uống hai cốc nước sắn dây với chanh để giúp thanh nhiệt tốt hơn. Đây cũng là thói quen anh Thao hay dùng khi người mệt mỏi, chán không muốn ăn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đàn - Phó Khoa y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM cho biết quan điểm sau khi khỏi Covid-19 cơ thể tích tụ độc tố là không đúng, theo bác sĩ Đàn khi nhiễm Covid-19 người bệnh sẽ trải qua giai đoạn cấp tính với các triệu chứng như ho, đau họng, sốt…
Sau giai đoạn cấp tính, người bệnh có thể bị các triệu chứng mệt mỏi, khí huyết, nhiệt độc từ bên ngoài xâm nhập vào thì sử dụng nước sắn dây để thanh nhiệt chứ không phải thải độc.
Từ trước đến nay, thông thường người dân luôn hiểu sai về các vấn đề được gọi là thải độc trong cơ thể. Việc này dẫn đến vấn đề sử dụng các vị thuốc hoặc các loại thực phẩm một cách liên tục và ồ ạt để “thải độc”.
Đối với bệnh lý Covid-19, nhiều quan niệm sai lầm được hình thành và truyền miệng gây nên nhiều sự cố đáng tiếc.
Ảnh minh hoạ. |
Sau giai đoạn cấp, tùy theo thể trạng của từng người bệnh mà có tổn thương hay không. Tùy vào từng tình trạng mà các bác sĩ có chuyên môn sẽ lựa chọn phương thuốc thích hợp cho người bệnh.
Không nên tự ý sử dụng các vị thuốc Y học cổ truyền mà chưa có khuyến cáo từ các chuyên gia để tránh các tác dụng không mong muốn.
Còn đối với sẵn dây, bác sĩ Đàn cho biết sắn dây hay còn gọi là cát căn. Theo Đông y, cát căn vị ngọt, mát, tính bình; vào các kinh tỳ, vị, phế, bàng quang. Có tác dụng thanh nhiệt, giải cơ, thấu chẩn, chỉ khát, sinh tân chỉ tả.
Trị cảm sốt đau đầu, đau cứng vùng đầu cổ vai, sốt nóng khát nước, lỵ, tiêu chảy, ban sởi mọc chậm không đều. Hằng ngày dùng 6 - 16g cát căn bằng cách sắc, luộc, chưng hầm, vắt lấy nước; cát hoa dùng 6 - 12g.
Trong y học cổ truyền, sắn dây như một vị thuốc quý mà bạn có thể biến tấu, sử dụng chúng đơn giản nhưng mang lại tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Căn cức theo sở thích của bản thân mà bạn có thể áp dụng một trong những bài thuốc y học cổ truyền trên để có thể mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh.
Trong đời sống hàng ngày, người dân có thể sử dụng hoà nước uống hoặc nấu lên thành dạng sệt sệt để ăn.
Nếu bạn dùng bột sẵn dây hoà nước uống thì giúp thanh nhạt, sinh tâm, chỉ khát, giải khử trể trị cảm nắng, khát nước, ban chẩn chưa nổi.
Nhưng khi bột sẵn dây nấu lên lại có tác dụng kiện tì, dưỡng vị giúp người bệnh ăn uống ngon miệng hơn, tốt cho cơ quan tiêu hoá.
Theo quan điểm của đông y, sau khi khỏi Covid-19 người bệnh có thể bị tổn thương khí huyết. Mức độ tổn thương tuỳ vào từng người và tuỳ thể trạng.
Nếu bạn có sức đề kháng tốt thì việc ảnh hưởng ít hơn, cơ thể tự phục hồi. Ngược lại, người nào thể trạng kém thì khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn, khí huyết tổn thương nhiều. Có thể người bệnh bị đầy bụng, tiêu hoá kém có thể nấu bột sẵn dây lên ăn.
'Còn có hiện tượng phiền khát thì sử dụng nước sắn dây tươi. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng' – BS Đàn lưu ý.
Khánh Chi