Tết xa quê của những bệnh nhân phong
Hàng chục năm trời không bước chân về quê hương, không biết người thân ở nơi nào, còn hay mất…, những cặp vợ chồng già “rổ rá cạp lại” lủi thủi nương tựa nhau đếm từng ngày trôi qua tại trại phong Bến Sắn.
Bỏ nhà đi biệt xứ
Dãy nhà dành cho bệnh nhân neo đơn ở Bệnh viện điều trị phong Bến Sắn (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có 5 gia đình, gồm 3 cặp vợ chồng già, một ông cụ mất vợ, một bà cụ mất chồng. Họ đều là những cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại”, đến với nhau khi tay chân đã “rụng” gần hết. Tuy khỏi bệnh đã lâu, nhưng nỗi ám ảnh bị xa lánh, bị gọi là “đồ hủi” khiến họ không bước chân ra khỏi trại phong suốt mấy chục năm trời, không còn biết quê hương và người thân ở nơi đâu.
Bà Nguyễn Thị Gái (75 tuổi) vốn là một cô gái xinh đẹp, hiền hậu ở Huế. Bà Gái cũng có chồng và một đứa con thơ quấn quýt bên mình. Năm 25 tuổi, khi tuổi xuân còn phơi phới, nét xinh đẹp còn rạng rỡ, trên mặt bà Gái bắt đầu xuất hiện những đốm đỏ. Rồi những đốm đó từ vành tai lan dần xuống gương mặt. Bà Gái nhỏ nhẹ kể lại: “Hồi đó, người ta sợ bệnh cùi này lắm. Gia đình nào có người bị bệnh là phải trốn, phải giấu ở một nơi thật xa. Tôi phải cất một căn chòi ở rất xa ngoài ruộng, vài ngày thì người nhà mới mang thức ăn vào một lần, mà cũng phải để thức ăn từ xa. Có những người bị bệnh giống tôi chết trong chòi mà không ai hay, người nhà chỉ phát hiện ra khi thấy thức ăn để mấy ngày mà không đến lấy”.
Chứng kiến những cảnh như vậy, bà Gái lẳng lặng bỏ quê đi biệt xứ, tìm đến trại phong dưới chân đèo Hải Vân, rồi chuyển ra trại phong Hòa Vân và cuối cùng “nhập khẩu” về trại phong Bến Sắn.
Ông Trần Văn Giới (đã sang tuổi 88) nhớ lại: “Quê tôi ở Điện Bàn, Quảng Nam. Hồi trẻ tôi đẹp trai lắm. Năm 16 tuổi, khi đang đi quân dịch thì bắt đầu thấy người nổi ban, thỉnh thoảng tay chân tê dại, nhưng khi đó còn trẻ nên cũng không để ý. Tôi lấy vợ, có được 3 đứa con, đến năm gần 30 tuổi thì bắt đầu phát bệnh nặng”. Ông kể, những người bị bệnh phong lúc mới phát bệnh, da lúc nào cũng hồng rực, sắc mặt đẹp rạng rỡ. Bước ra đường, ai cũng bảo ông “phát tướng”, da hồng hào và “đẹp trai như công tử”. Rồi từ thích thú, người ta sợ hãi và xa lánh khi những vết đỏ trên người ông bắt đầu lở loét. Đến bữa cơm, người nhà lại múc riêng cho ông một bát, một dĩa, dọn ra mâm riêng vì sợ lây “bệnh chết người”. Ông tủi thân, lẳng lặng lên tàu, một mình vào trại phong dưới chân đèo Hải Vân.
“Quê ai chẳng muốn về, nhất là những lúc Tết nhất thế này, nhưng mà không về được cũng đành chịu”. |
Ông Giới, bà Gái gặp nhau lần đầu tại trại phong dưới chân đèo Hải Vân. Bà Gái khi ấy mới 25 tuổi, có một con gái đã gửi cho bà nội nuôi. Hai người coi nhau như anh em. Rồi họ được chuyển đến trại phong Quy Hòa (Bình Định) để điều trị. Sau này, trại phong Quy Hòa lại phân bệnh nhân đi một số trại khác. Họ mất liên lạc vì những ngón tay “rụng” dần, không thể cầm bút viết thư cho nhau. Năm 1988, duyên số đưa đẩy hai con người gặp lại nhau tại trại phong Bến Sắn. Bà Gái chủ động nói với ông Giới: “Giờ anh bỏ quê, tôi cũng bị quê bỏ rồi. Trong này, tôi còn mỗi anh là thân thích. Rứa tôi về với anh”. Thế là họ thành vợ chồng “rổ rá cạp lại”.
“Có nhớ quê cũng không làm gì được”
Ông Mai Văn Duyện (80 tuổi) thơ thẩn ngồi tựa ghế đá giữa sân, ông bảo: “Ngồi phơi nắng cho sạch với lại nghe đài ké vợ chồng ông Giới”. Nghe người trong trại phong kể, vợ ông Duyện mới mất cách đây 3 tháng. Ngôi nhà nhỏ mà trại phong Bến Sắn cấp cho ông bỗng trở nên trống vắng. “Từ ngày biệt xứ Ninh Bình tới giờ, tôi còn đúng bà ấy là người thân. Bà ấy chết, tôi cũng chán”, ông Duyện nói.
Ông biết mình bị bệnh từ năm 12 tuổi. Khi ấy, da mặt ông trở nên hồng hào một cách lạ lùng. Đi học, bạn bè cùng lớp trêu ghẹo ông là “con gái”. Dần dà, người ta đồn ông bị “hủi”. Ông buộc phải nghỉ học dù có chú ruột là thầy giáo. Ông lủi thủi sống trong sự bao bọc của người bác ruột tốt bụng. Biết cháu bị bệnh, bà bán hẳn cặp bò và 3 sào ruộng để chạy chữa, mua thuốc cho cháu uống. Rồi sau, cậu bé Duyện được đi điều trị ở trại phong địa phương. Nhưng bệnh nhân đông quá, cứ điều trị 3 tháng, cậu lại phải xuất viện để có chỗ cho bệnh nhân khác nặng hơn. Lớn lên, ông được nhận vào làm trong trại phong ở tỉnh Ninh Bình. Với việc băng bó, thay băng cho những bệnh nhân phong nặng hơn, ông được trả lương bằng… thuốc.
Rồi ông lấy vợ. Vợ ông vốn đi ở đợ cho nhà chủ, lỡ để con địa chủ ngã chảy máu đầu, bị ông bà chủ đánh đuổi. Ông Duyện thấy thương cảm cho hoàn cảnh người con gái ấy nên nhờ bác qua hỏi cưới. “Bà ấy đồng ý theo tôi, ngay cả khi biết tôi bị bệnh”. Giông tố bắt đầu ập đến sau ngày vợ ông sinh hạ đứa con trai đầu lòng. Bà bị sót nhau sau sinh, bị nhiễm trùng phải cắt bỏ dạ con. Con trai mới chào đời được vài ngày thì chết vì suy hô hấp. Vài năm sau, vợ ông mất. Nghe nhiều người nói miền Nam có trại phong Bến Sắn, năm 1988, ông một mình lên tàu vào Nam.
Ở trại phong Bến Sắn, ông nên duyên với người vợ thứ hai, khi các ngón tay, ngón chân đã “rụng” gần hết. Hai vợ chồng cứ thế sống qua ngày. Ông chẳng nhớ nổi mình xa quê bao nhiêu năm, ông ngậm ngùi: “Quê ai chẳng muốn về, nhất là những lúc Tết nhất thế này, nhưng mà không về được cũng đành chịu”.
Không còn ngón tay nào để viết chữ, bà Gái chưa từng một lần bước chân về Huế từ sau ngày bỏ đi biệt xứ đó, không biết đứa con gái duy nhất của mình ở nơi đâu. Bà cười buồn: “Có nhớ quê cũng không làm gì được. Tui coi mình côi cút từ ngày bị xóm làng xa lánh, chừ chẳng còn biết người thân ở mô mà về”.