Tết Trung thu, về nơi làm đầu lân xuất khẩu ra thế giới
Anh Bùi Viết Tưởng (thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) là người giữ lửa cho nghề làm đầu lân tại Hà Nội. |
Anh Tưởng đã có thời gian hơn 10 năm theo đuổi nghề làm đầu lân-sư-rồng. Hiện gia đình anh Tưởng là cơ sở làm đầu lân duy nhất ở xã Quảng Bị, cũng là một trong những cơ sở hiếm hoi còn làm đầu lân tại Hà Nội. |
Anh Tưởng cho biết, gia đình anh làm đầu lân quanh năm, nhưng việc dồn nhiều nhất là vào tháng 8 Âm lịch do nhiều cơ sở đặt mua phục vụ Tết Trung thu. "Những ngày này, tôi gần như chỉ được ngủ 1-2 tiếng mỗi ngày mới đủ kịp trả hàng cho khách" - anh Tưởng cho biết. |
Để sản xuất đầu lân phải trải qua các công đoạn như: Làm khung, cắt vải, may, gắn vải, vẽ mắt… thời gian trung bình để hoàn thiện một đầu lân mất khoảng 4-5 ngày. |
Trước đây, gia đình anh Tưởng phải tự làm hết các công đoạn nhưng nhiều năm gần đây anh chuyển hướng sang dạy nghề rồi nhập lại sản phẩm để hoàn thiện những công đoạn cuối. |
Chi tiết khó thực hiện nhất của đầu lân-sư-rồng nằm ở bộ khung, bởi nó mang một kết cấu phức tạp của các mối nối từ tre, trúc. |
Nhưng công đoạn mà anh Tưởng cho là khó hơn nữa đó là việc vẽ mắt cho lân. Phải là người làm có kinh nghiệm nhiều năm và khéo tay mới có thể thổi hồn được cho đôi mắt của lân. |
Phần lông trang trí được sử dụng chủ yếu từ lông thỏ và lông cừu. |
Dương Trọng Quyết, một công nhân trong xưởng sản xuất đầu lân đã theo nghề được 4 năm nay. Quyết cho biết, anh theo nghề vì đam mê với nghệ thuật truyền thống chứ không vì lí do kinh tế bởi nghề làm đầu lân thu nhập không thực sự cao. |
Mỗi năm cứ vào dịp Trung thu, cơ sở của nhà anh Tưởng đã cho xuất ra thị trường hơn 100 đầu lân mỗi loại. |
Giá của đầu lân khá đa dạng, phổ biến từ 2,5 triệu – 5 triệu đồng/chiếc tùy theo yêu cầu của khách hàng. |
Đầu lân mang thương hiệu Bùi Viết Tưởng được mang đi khắp nơi trong nước và xuất khẩu ra một số nước ngoài như Úc, Malaysia, Ba Lan... |