Tết này con không về!
Tết này con không về!
Ghé ký túc xá đại học Sư Phạm TP.HCM trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM) những ngày này, không khí đượm buồn. Sinh viên về quê ăn Tết gần như hết. Ban quản lý ký túc xá cho biết, Tết năm nay ký túc xá có khoảng 50 sinh viên ở lại.
Phòng 8 người giờ chỉ còn Hoa (trái), Ngân ở lại Tết. |
Vào thăm căn phòng ký túc xá của một nhóm sinh viên Hà Tĩnh, hay tin, có hai trong tám thành viên năm nay không về quê. Đó là Phan Thị Ngân, sinh viên khoa Địa năm thứ tư và Phan Thị Ngọc Hoa, sinh viên khoa Sử quốc phòng năm thứ 2. Ngân dáng người gầy, ít nói, hay cười, là người có “thâm niên” ở lại Tết tại ký túc xá. Cô bạn chia sẻ: “Cũng được ba cái Tết rồi mình không về nhà. Bố mẹ gọi điện vào hỏi có về không. Trả lời “con không về”, biết bố mẹ buồn lắm. Phải ở lại mình cũng buồn. Nhưng về bây giờ, tiền đâu mà về!”.
Ngân nói thêm: “Năm đầu tiên ở lại là năm buồn nhất. Dần dần rồi cũng quen, mấy năm nay lo làm Tết nên cũng không có thời gian để suy nghĩ buồn nữa. Nhưng năm nào cũng thế, hễ cứ có người trong phòng xách va li ra về là mình ngồi khóc nức nở. Thấy tủi thân lắm. Còn đêm giao thừa, đi làm về là mấy anh chị em sinh viên rủ nhau lên tầng bốn xem bắn pháo hoa rồi ôm nhau khóc. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ”.
Hoa xếp hai tờ lịch gửi về cho gia đình |
“Vé xe ngày thường đã gần tám trăm ngàn đồng. Tết này còn đội lên đến hơn một triệu. Bây giờ mà về thì tốn kém quá. Vừa lo vé về, vé đi, tiền tiêu dọc đường, tiền tiêu Tết, quà Tết rồi cả tiền mua áo ấm nữa. Ở quê mấy ngày này mưa phùn lạnh lắm chị ạ”, Hoa tiếp lời.
Nghĩ đến ngày Tết, Hoa nhớ lại: “Tết ngoài quê em vui lắm. Không đi làm cả, mọi người đi thăm họ hàng, láng giềng, lì xì, chúc Tết… Tết náo nhiệt và vui vẻ chứ ở đây, ngày Tết các cửa hàng, hàng quán vẫn buôn bán như ngày thường, không khí Tết không vui như ở quê em”.
Vừa kể, Hoa vừa xếp cất mấy cái khăn len. “Em vừa đan xong mấy cái khăn len, định gửi về quê nhưng mà hành lý của các chị đã đầy cả rồi. Nên đành để lại. Chỉ gửi được hai tấm lịch cho gia đình”.
Còn mấy tấm khăn len chưa thể gửi về |
Ngân, Hoa cũng như nhiều sinh viên ở lại Tết năm nay, gạt đi nỗi buồn xa gia đình trong ngày Tết để tất bật với những việc làm thời vụ kiếm tiền. Mùa Tết là mùa dễ kiếm việc part-time, lương lại cao. Nếu như ngày thường chỉ kiếm được từ 70.000 – 80.000 đồng thì ngày Tết, làm với cùng thời gian đó, sẽ kiếm được từ 110.000 – 120.000 đồng. Số tiền này dùng đóng học phí khi vào học kỳ và trang trải cuộc sống.
Phan Hồng Nhựt, sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng, quê An Giang, năm nay cũng ở lại Tết. Cậu sinh viên này cho biết: “Tết không về được thì ở lại tìm việc làm. Mấy ngày nay, mình tranh thủ tìm việc để kiếm thêm tiền tiêu và đóng học phí. Việc làm thời vụ trong Tết nhiều lắm, nên dễ xin việc mà lương lại cao. Mấy đứa bạn mình cũng thế, đứa nào ở lại đều kiếm việc làm trong Tết”.
Năm nay, nhiều chương trình vui chơi, giải trí cho “Sinh viên ăn Tết xa nhà” sẽ được tổ chức tại nhiều trường đại học và tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để sinh viên không về quê ăn tết được họp mặt, đón Tết cổ truyền ấm áp nghĩa tình bên bạn bè. Tại ký túc xá các trường đại học, vào những ngày 24 – 25 Tết hằng năm đều tổ chức gói bánh chưng, bánh tét và tổ chức họp mặt tất niên, giao thừa cho sinh viên ở lại Tết...
Ngoài ra, ngày 17/1 (tức 24 tháng Chạp), Trung tâm hỗ trợ sinh viên cũng đã đến thăm và tặng quà Tết cho những sinh viên ở lại tại các ký túc xá trên địa bàn TP.
Tết xa quê, vì nhiều lẽ, nhưng lý do chung là nghèo, mong rằng những sinh viên ở lại sẽ được cùng nhau đón một cái Tết vui tươi và hạnh phúc.
Duy Nguyên