Tết cổ truyền: Nên làm mới nhưng đừng quên giữ nét truyền thống
Với Thạc sĩ Lê Anh, Tết được phục vụ người dân đều là Tết có ý nghĩa. |
Hiện nay, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt thường có 2 xu hướng: sum họp gia đình và đi du lịch ngày Tết. Theo đó, đa phần cho rằng Tết là dịp để sum họp gia đình khi chiều 30 Tết, cả nhà cùng ăn uống quây quần, chờ đến giao thừa, bày biện mâm cỗ cúng gia tiên và cùng đón năm mới, với những lời chúc tốt lành trong gia đình và lì xì cho nhau năm mới… đây là dịp "ăn Tết". Tuy nhiên, không ít người cho rằng, Tết Âm lịch của người Việt đã biến đổi theo xu hướng hiện đại, sau một năm làm việc vất vả thì Tết không còn là dịp chỉ để gia đình sum vầy nữa mà phải biết tận dụng thời gian này để ăn chơi và hưởng thụ như đi du lịch, nghỉ dưỡng...
Về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Trịnh Lê Anh - giảng viên Du lịch và Sự kiện, Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một giảng viên chuyên ngành du lịch nhưng Thạc sỹ Lê Anh vẫn giữ quan điểm gìn giữ giá trị truyền thống.
"Đối với tôi, Tết cổ truyền là một hiếm có để cho những người đương đại cảm nhận được quá khứ đang ở bên cạnh mình, cảm nhận được cha ông, tổ tiên mình ngày xưa ăn Tết thế nào. Tôi thường tò mò trong cái Tết của gia đình mình cũng như bạn bè xung quanh có những gì sẽ gợi lại Tết cổ truyền" - Thạc sĩ Lê Anh chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Lê Anh, thời khắc giao thừa rất cần sự sum vầy, rất cần những thứ gợi lại Tết cổ truyền đơn giản như: một vài cành hoa, mâm cỗ cúng gia tiên, chuẩn bị sắc phục đi chúc Tết hay đặc biệt là nghi thức cúng lễ tâm linh trong ngày Tết... Đấy là những thứ làm nên diện mạo Tết cổ truyền trong xã hội đương đại. Đây cũng là điều mà người Việt Nam có thể tự hào vì chắc chắn rằng những giá trị cổ truyền đó không bao giờ bị mất đi.
Thạc sĩLê Anh chúc Tết thầy giáo của mình. |
Là một người của công chúng với tư cách một MC nổi tiếng, Thạc sĩ Lê Anh lại mong muốn được đi làm vào thời khắc giao thừa. "Đối với tôi, Tết đặc biệt nhất là được làm việc, tôi luôn mong muốn được phục vụ người dân vào ngày Tết. Tôi nhớ nhất năm được đi làm việc vào ngày Tết, lúc đó tôi được chia sẻ cảm xúc về ngày Tết với những người xa lạ, những người ở vùng đất mà tôi không sinh sống như điểm đầu Tổ quốc hay những vùng hẻo lánh" - Thạc sĩ Lê Anh cho hay.
Về quan điểm đi chơi ngày Tết, Thạc sĩ Lê Anh nhận định: "Những giá trị truyền thống thì phải giữ nhưng sau nhiều năm thì người trẻ cũng nên thay đổi để tránh nhàm chán. Cũng nên biết cách làm cho cái Tết của mình khác biệt, ấn tượng một chút". Thạc sĩ Lê Anh cũng gợi ý một vài cách để vừa tạo được khác biệt ngày Tết và cũng vừa giữ được nét truyền thống. Theo đó, thời khắc giao thừa và sáng mùng 1 Tết mọi người nên sum vầy với gia đình, sau đó khởi hành du Xuân vài ngày tiếp theo. Tết này phần lễ nghi có thể không chu toàn nhưng mình có thể bù lại vào những dịp khác trong năm. Trong chu kỳ 5 năm mọi người cũng nên thử đón một cái Tết xa nhà để giúp chúng ta khám phá được giá trị những người thân của mình mà lâu nay mình không phát hiện ra. "Những chuyến đi xa sẽ giúp các bạn nhận ra người thân của mình đáng yêu hơn rất nhiều!" - Thạc sĩ Lê Anh gợi ý.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, Thạc sĩ Lê Anh cho rằng việc nhắn tin chúc mừng qua các phần mềm như facebook, zalo, viber... cũng cần hết sức lưu ý. "Nếu mỗi người chúng ta nhận được khoảng 500 tin nhắn chúc mừng vào đêm giao thừa hay sáng mùng 1 Tết thì đấy quả là một cực hình bởi khi đó chúng ta sẽ phải nhắn lại đáp trả. Nếu bỏ qua người nào mà không nhắn trả thì sẽ là sự khiếm nhã", Thạc sĩ Lê Anh cho hay.
Như vậy, việc nhắn tin chúc mừng cũng nên cân nhắc, chọn thời điểm nhắn để không gây áp lực cho người nhận cũng như tránh để người nhận bỏ qua tin nhắn đó. "Của cho không bằng cách cho! Việc nhắn tin chúc mừng cũng là cách chúng ta cho bạn bè, người thân niềm vui vậy thì nên chọn cách cho thật hợp lý" - Thạc sĩ Lê Anh chia sẻ.
Như vậy, qua cuộc trò chuyện ngắn có thể thấy Thạc sĩ Lê Anh cũng khuyên người trẻ nên có những thay đổi để làm mới Tết cổ truyền nhưng cũng đừng quên giá trị truyền thống vẫn đang được lưu giữ trong xã hội hiện đại ngày nay.