Tết cổ truyền là "quốc hồn, quốc túy" của người Việt
Hiện nay, trong khi giới trẻ Việt thích được hưởng thụ những ngày nghỉ Tết bằng việc đi du lịch, nghỉ dưỡng ở đâu đó thì những người làm ăn, bôn ba ở xa quê hương lại muốn được trở về quê hương trong những ngày Tết để được quây quần bên gia đình mình. Bà con người Việt ở nước ngoài cũng vậy, cứ Tết đến họ lại thèm được trở về quê nhà đón Tết.
Chủ tịch tập đoàn Delta E&C Steve Bui mặc dù sinh sống lâu năm ở nước ngoài nhưng ông luôn hướng đến cái Tết cổ truyền của Việt Nam bởi với những người con xa quê hương như ông thì nhắc đến Tết là như có một điều thiêng liêng thôi thúc, cho nên dù có ở tận bốn phương trời xa, nếu có điều kiện đều trở về quê hương để được đón Tết.
Ông Steve Bui – Chủ tịch tập đoàn Delta E&C |
* PV: Thưa ông, được biết ông là một Kiều bào đã có nhiều năm sinh sống tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Xin ông có thể cho biết, Tết ở một số quốc gia khác Tết cổ truyền của người Việt như thế nào?
Ông Steve Bui: Là lãnh đạo tập đoàn kinh doanh nước ngoài nên tôi không có quá nhiều thời gian ở Việt Nam. Tôi thường ăn Tết ở Nhật và cũng đã từng đón Tết âm lịch ở Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Ở Nhật, mọi người ăn Tết rất đơn giản, với họ đêm giao thừa là khoảnh khắc quan trọng nhất và gần như tất cả mọi người đều ra chùa rung chuông cầu mong sự may mắn và bình an.
Như năm vừa rồi, khi đón Tết ở Nhật tôi phải xếp hàng từ 17h30 đến 0h30 ngày hôm sau mới đến lượt vào để rung chuông. Đối với người Nhật, họ cho rằng trong đêm giao thừa nếu mỗi người rung được tiếng chuông ở chùa thì cả năm đó sẽ rất may mắn.
Trong ngày mùng 1 Tết, các gia đình gặp gỡ nhau và hầu hết những người thân thiết sẽ dành hết thời gian nghỉ lễ cho nhau. Nhìn chung, Tết ở Nhật là cái Tết đoàn tụ thực sự.
Ở đất nước mặt trời mọc cũng có một vài điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam trong việc đón Tết cổ truyền.
* Vậy trong 2 quan điểm: Ăn Tết và chơi Tết thì ông ủng hộ quan điểm nào?
Ông Steve Bui: Tôi nghĩ rằng, không chỉ người Việt mà cả người Hoa, dù có khó khăn đến mấy nhưng Tết vẫn là biểu trưng của sự thịnh vượng nên ai cũng muốn dồn mọi thứ để có một cái Tết được thực sự chu toàn.
Ở Việt Nam hiện nay, nhất là giới trẻ có xu hướng thích chơi Tết hơn ăn Tết. Đơn giản là vì, thế hệ người trẻ của Việt Nam ở những thế kỷ trước quan niệm ngày Tết là thời điểm chuyển giao của năm cũ với những cảm xúc tuyệt vời nhất mang tên Tết đoàn viên.
Mùa Xuân cũng là mùa trở về, mùa đoàn tụ, chính vì thế bà con kiều bào ở nước ngoài dù có bận đến mấy thì cũng sắp xếp thời gian về ăn Tết với người thân và rủ nhau đi du Xuân. Tôi nghĩ, chúng ta nên dùng khái niệm du Xuân hơn là chơi Tết.
Bởi lẽ, du Xuân người ta luôn trong hạnh phúc và hoan hỷ. Mọi người cũng sẽ dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất của năm mới, có thêm tình yêu thương và sự gắn kết trong gia đình, truyền cho nhau năng lượng để cùng nhau vượt qua những bão táp…
Đối với chúng tôi thế hệ đi trước luôn sống bằng ký ức về cái Tết đoàn viên đầy tươi đẹp. Cảm giác mình cùng người thân vào chùa thắp những nén nhang cầu bình an cho một năm mới, chúc sức khỏe cho mọi người, mọi nhà là điều rất tuyệt vời.
Tôi bảo vệ quan điểm về ăn Tết hơn là chơi Tết. Bởi lẽ, chúng ta cần nghĩ cho nhiều người họ chưa thực sự có cuộc sống dư giả vì thế với họ bữa ăn mang tính cổ truyền cùng người thân trong ngày Tết vẫn là điều gì đó vô cùng ý nghĩa.
* Nếu ai cũng chơi Tết thì liệu Tết cổ truyền của người Việt có nguy cơ bị biến mất không thưa ông?
Ông Steve Bui: Cho đến thời điểm hiện tại, một số gia đình có điều kiện sẽ chọn cho mình việc đi du Xuân đến một số quốc gia nổi tiếng trên thế giới để tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau, còn nhìn chung với những người lao động thì Tết là thời gian giành cho gia đình, tự tay làm những món ăn ngon dâng lên cha mẹ.
Tết có thể mai một nhưng tôi tin nó sẽ là quốc hồn, quốc túy của người Việt Nam và không bao giờ biến mất.
* Được biết, ông có rất nhiều bạn bè là Việt kiều đang sinh sống tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Vậy ngày Tết cổ truyền những người bạn này của ông có về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình không thưa ông?
Ông Steve Bui: Bạn bè tôi là kiều bào thì có tới 90% đều bay về Việt Nam đón Tết cổ truyền khoảng 2 tuần và họ dành trọn thời gian này bên gia đình.
Với những người con xa quê hương như chúng tôi, gần tới Tết như có một cái gì thiêng liêng thôi thúc, cho nên dù có ở tận bốn phương trời xa, chúng tôi cũng sẽ tìm về quê hương.
* Là lãnh đạo của một tập đoàn lớn tại nước ngoài chắc hẳn ông cũng rất bận rộn. Vậy ông sắp xếp như thế nào để có thể đón Tết Nguyên đán năm 2018?
Ông Steve Bui: Năm nay tôi sẽ ăn Tết ở Việt Nam đến hết ngày mùng 2, đến ngày mùng 3 tôi sẽ chọn Bhutan là địa điểm du xuân đầu tiên vì đây là đất nước của Phật, đất nước của hạnh phúc. Tôi muốn đến đất nước của hạnh phúc để mang hạnh phúc về với tất cả mọi người trong năm mới 2018.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!