Tết buồn của người đàn ông 2 đời vợ vẫn cô độc giữa phố phường Hà Nội
Đã từ lâu đối với ông Lê Gia Út (sinh năm 1946, Nga Sơn, Thanh Hóa) gầm cầu Chương Dương như là ngôi nhà thứ hai, là nơi ông ngả lưng sau mỗi ngày lao động vất vả. Nói là nhà nhưng thực ra chỗ ông nằm chỉ là một chiếc chiếu đơn trải bên cạnh chiếc xích lô thân thuộc, vài tấm ni lông dùng để che chắn mỗi khi có gió lùa. Thấy có khách đến thăm, ông Út đang nằm nghe đài bỗng ngồi dậy và vui vẻ mời khách vào “nhà”.
Chỗ ngủ của ông được che chắn bằng những tấm ni lông, vài manh chiếu rách để tránh những cơn gió lùa vào |
Trò chuyện hồi lâu, tôi không khỏi thấy chạnh lòng khi nghe ông kể về cuộc đời mình. Dù đã bước vào tuổi đáng ra phải được nương tựa, sống nhờ con cháu nhưng hiện nay ông Út vẫn phải đi làm từ khi gà gáy để mưu sinh. Tài sản duy nhất đối với ông là chiếc xích lô cũ từ lâu đã trở thành người bạn luôn đồng hành cùng ông trên những cung đường.
Ông Út cho biết: “Dạo này già rồi không ngủ được lâu, cứ 2, 3 giờ sáng là tỉnh giấc nên 4 giờ sáng tôi thường đạp xe ra khu vực vườn hoa con cóc để tắm, giặt rồi lại cùng người bạn của mình rong ruổi khắp các con phố Hà Nội”.
Ông không còn nhớ chính xác mình làm nghề đạp xích lô được bao nhiêu năm chỉ biết rằng từ năm 1976, sau khi từ bỏ nghề lái xe tải ông chuyển sang mưu sinh bằng nghề bốc vác và đạp xích lô.
Hàng ngày, cứ tầm 5 giờ sáng ông ra chợ Long Biên chở rau thuê sau đó đi lang thang đạp xích lô đến khi trời nhá nhem tối mới về ngả lưng tại gầm cầu Chương Dương. Đi làm cả ngày nhưng buổi sáng ông chỉ lót dạ nắm xôi nhân tiện mua thêm một nắm để dành buổi trưa, cũng có hôm ông ăn bánh mì, hôm nào sang lắm ông mua một suất cơm với giá 15 nghìn đồng. Tối đến ông mua 5 nghìn cơm và 5 nghìn lạc rang là xong bữa. Cứ như thế ông sống xung quanh khu vực bờ Hồ, gầm cầu Chương Dương tính đến nay đã gần 20 năm.
Ông kể, may mà trời thương cho sức khỏe nên ăn ngủ như vậy mà không có bệnh tật gì nặng. Ông chỉ bị thấp khớp, cứ trở trời là lại đau nhưng cũng chỉ thoa dầu gió qua loa chứ không phải thuốc thang gì nhiều.
Mấy năm nay, công việc ít dần nên ông không còn chở rau ở chợ Long Biên nữa mà đứng đợi khách ở ngã tư hàng Buồm – Đào Duy Từ từ tờ mờ sáng cho đến khi sẩm tối. Vất vả là thế nhưng thu thập hàng ngày của ông cũng chỉ vài chục nghìn, có những hôm đứng cả ngày không có một người khách nào. “Dạo này người ta đi xe ôm hoặc đi taxi vừa nhanh lại vừa rẻ chứ ít người đi xích lô lắm. Hai ngày nay tôi chỉ kiếm được 20 nghìn đồng mỗi ngày”, ông Út tâm sự.
Tết đối với ông cũng không khác ngày thường dù có về quê hay ở trên Hà Nộiông cũng chỉ có một mình |
Kể về gia đình của mình, ông Út không giấu nổi nỗi buồn u uất. Có hai người vợ và 3 người con trai nhưng đến cuối đời ông phải tá túc nơi gầm cầu Chương Dương sống qua ngày.
Thời còn thanh niên, ông công tác tại Công ty vận tải ô tô Hà Nội. Năm 1970, ông lấy vợ người Nam Định rồi có với nhau một người con trai. Tuy nhiên, cuộc tình với người vợ đầu cũng nhanh chóng đi đến hồi kết mà cho đến nay ông cũng không hiểu lý do vì sao. Người vợ thứ hai là người Hà Nội hiện đang sinh sống trên phố Tạ Hiền. Cưới nhau từ năm 1989, có với nhau 2 người con trai tuy nhiên cũng chỉ chung sống với nhau được vài năm rồi đường ai nấy đi. Từ đó ông chuyển ra ngoài sống nay đây mai đó lấy vỉa hè làm chốn ngả lưng mỗi ngày.
Hai người con trai với người vợ sau của ông hiện nay một người đã chết còn một người lâm vào con đường nghiện ngập.
Cuộc sống một thân một mình nên ngày Tết với ông Út có về quê hay ở lại Hà Nội cũng như nhau, cũng chỉ lủi thủi một mình. “Mấy năm vừa rồi người con trai cả ở Thanh Hóa gọi tôi về trông nhà giúp nó để nó sang Nam Định ăn tết với mẹ. Năm nay, tôi vừa thay số điện thoại để nó không gọi tôi về được nữa. Tôi chỉ có một mình, có về quê hay ở lại Hà Nội cũng như nhau cả thôi”, nói rồi ông Út thở dài.
Chia sẻ về hoàn cảnh của ông Út, bà Khánh (71 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình), sống dưới gầm cầu Chương Dương 11 năm cho biết: “Hoàn cảnh của ông Út rất đáng thương, già cả chỉ có một mình, con cái thì nghiện ngập. Cả ngày quần quật như vậy nhưng có khi thu nhập không bằng những người nhặp ve chai chúng tôi. Mấy hôm vừa rồi chân ông ấy sưng to lắm thoa hết 4 chai dầu gió mà chưa khỏi”.
Chào từ biệt ra về, nhìn gương mặt ông Út rồi lại ngước nhìn bà Khánh bất giác trong tôi có cảm giác tê tái. Tết đến rồi, nhưng đâu đó ở Hà Nội vẫn còn những người như ông Út, bà Khánh vất vả mưu sinh. Tết đối với họ có chăng chỉ cần cơm đủ ăn và có việc để làm.