Tây Nguyên: Nhức nhối tai nạn
|
Xe công nông vi phạm vẫn vô tư đi qua chốt CSGT trên QL14 |
Nhức nhối tai nạn
Năm 2013, TNGT liên quan đến xe công nông trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Những vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người tăng cao. Đơn cử, vụ TNGT sáng ngày 9/9, Trần Hoàng Lân lái xe công nông chở 10 công nhân của Công ty TNHH Sơn Hy đi trồng cao su, lao xuống vực và chỉ dừng lại khi đâm và mắc kẹt giữa hai cây cổ thụ ven rừng. Hậu quả, vụ TNGT đã làm 2 người chết và 7 người bị thương. Mới đây nhất vào sáng ngày 8/12, một chiếc xe công nông tự chế chở hơn 30 người thuộc “đại gia đình” ở làng Plei Bông và Ta Đum (xã A Yun, Mang Yang, Gia Lai) bị lật làm 25 người bị thương phải nhập viện.
Trên địa bàn Đắk Lắk, có khoảng 70.000 xe công nông. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, tại tỉnh này, xe công nông đã gây ra 13 vụ TNGT làm 6 người chết, 6 người bị thương, tăng gấp đôi so với năm 2012. Là tỉnh có nhiều xe công nông nhất khu vực Tây Nguyên, nhưng hiện Đắk Lắk mới chỉ có 46.394 phương tiện (chiếm phân nửa số xe hiện có) được đăng ký, đăng kiểm. Qua khảo sát có tới 97% số người điều khiển máy kéo nhỏ chưa qua đào tạo cấp GPLX hạng A4.
Tại Lâm Đồng, TS. Phạm Văn Lan (Viện Cơ điện) cho biết, toàn tỉnh cũng có 10.910 xe công nông. Tuy nhiên, những trường hợp được đăng ký, đăng kiểm không đáng kể. Đơn cử như huyện Bảo Lộc có 486 xe công nông, nhưng chỉ có 7 trường hợp đăng ký và có giấy phép điều khiển phương tiện.
Các địa phương khác cũng ở tình trạng tương tự. Đắk Nông, hiện có 11.596 xe, Gia Lai có khoảng 10.000 xe và Kon Tum có khoảng 6.000 xe. Tuy nhiên, số lượng xe đã đăng ký, đăng kiểm chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Xử phạt không xong, mời học lái xe càng khó
Đại tá Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Việc xóa bỏ xe công nông tham gia giao thông rất khó, bởi nhu cầu làm nương rẫy, vận chuyển nông sản của người dân rất lớn. Nếu xử lý mạnh tay sẽ gây khó khăn cho sản xuất, trồng trọt của bà con, không khéo lại tạo hiệu ứng không tốt”.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó trưởng Công an huyện Buôn Đôn, cho biết, xử lý vi phạm xe công nông với đồng bào Tây Nguyên phải rất linh hoạt, mềm mỏng, chứ không thể nguyên tắc cứng nhắc. Ông Dũng kể, có lần một chiếc máy cày chở nông sản gây TNGT trong buôn hẻo lánh. Khi CSGT đến hiện trường thì cả lái xe và chiếc máy cày đã mất tích. Theo thông tin phản ánh từ người dân, CSGT lần đến tận nơi cư trú của người điều khiển phương tiện gây ra vụ TNGT này nhưng cũng phải mất nhiều ngày mới xác định danh tính và mời được chủ xe gây tai nạn lên trụ sở công an giải quyết. Ngoài việc xử lý hành chính, công an yêu cầu lái xe phải đi học thi lấy GPLX. Tuy nhiên, người này viện đủ lý do như: Không biết chữ, phải đi làm kiếm sống,… nên nhất quyết không chịu học.
Việc người dân không chịu đi học GPLX là thực trạng diễn ra phổ biến tại tất cả các tỉnh Tây Nguyên. Trong năm 2013, Sở GTVT Đắk Lắk chỉ đào tạo được 1 lớp cho 34 học viên. Mới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia đồng ý cho tỉnh Đắk Lắk tổ chức thí điểm đào tạo GPLX hạng A4 cho các đối tượng lái xe công nông với kinh phí hỗ trợ lên tới 500 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí của Ủy ban ATGT Quốc gia. Tuy nhiên, theo đại diện của Ban ATGT tỉnh Đắk Lắk, lúc đầu các địa phương sắp xếp người học đầy đủ. Đến khi bắt đầu vào học, nhiều người không biết đọc, biết viết nên đành chịu thua. Các địa phương lập danh sách yêu cầu học lại nhưng chỉ được vài ngày, một số học viên lại bỏ học giữa chừng.