"Tay ngang" kiếm bộn dịp Tết: Bán cả tấn giò me, "ôm" cả vườn cam quê
Với tâm lý “thức ngon dành cho Tết” và nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng thích ăn đồ “nhà”, thực phẩm sạch, dân văn phòng thường lựa chọn các mặt hàng đặc sản quê để kiếm thêm nhờ nghề tay trái.
Chị Phương làm việc tại một tòa soạn báo ở Hà Nội có thâm niên kinh doanh đặc sản quê được 2 năm. Năm ngoái Phương “buôn” đồ đặc sản giò me (giò bê) của người quen ở Nghệ An ra bán tại Hà Nội dịp cận Tết không ngờ lại được người thân, bạn bè hưởng ứng nhiệt tình.
"Chốt vụ năm ngoái em bán được 900 kg, tới 28 Tháng Chạp vẫn còn khách gọi điện ời ời mua thêm nhưng hàng hết nhẵn từ lâu và giờ đó thì cũng không chuyển kịp từ Nghệ An ra được nên đành chịu"- Phương nhớ lại và bật mí, “vụ” kinh doanh năm ngoái cô “bỏ lợn” được 20 triệu đồng sau khi tất toán dù ngay từ lúc bắt đầu nhen nhóm ý tưởng buôn bán cô không đặt nặng vấn đề lời lãi.
“Món giò me ngon lạ miệng, lại do chính tay người nhà em làm nên đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Bạn bè đã từng mua ai cũng khen nức nở, rồi giới thiệu người nọ, người kia, thành ra mình biết nhiều thêm mối khách quen”- Phương chia sẻ.
Giò me (giò bê Nghệ An) là một trong những món ngon đặc sản được dân văn phòng "chuộng" kinh doanh mỗi dịp cận Tết Ảnh: Internet |
Nhưng năm nay do quá nhiều người cùng buôn mặt hàng giò me nên số lượng đơn đặt hàng cũng giảm đi chút ít buộc Phương phải tính toán mở rộng thêm các mặt hàng đặc sản quê khác như thịt trâu gác bếp (Lai Châu), lạp xưởng hun khói Lạng Sơn… Phương nhẩm tính và hy vọng, với đa dạng chủng loại mặt hàng hơn so với năm ngoái, số tiền lời cô thu về cũng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba.
Chưa có kinh nghiệm kinh doanh nhưng Nhiên - làm việc tại một công ty truyền thông ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng mạnh tay đầu tư hẳn một số vốn lớn “ôm” hẳn 3 vườn cam lớn tại Cao Phong (Hòa Bình) để buôn về Hà Nội bán. “Lúc đầu ông xã mình phản đối vì thấy mình chưa kinh doanh bao giờ, lại liều quá, nhỡ bỏ vốn lớn thế nhưng không thu được về thì chết dở. Nhưng vốn quê gốc Hòa Bình, mình cất công về tận nơi để lựa chọn hàng chuẩn nên được mọi người tin tưởng”- Nhiên tự tin sau hơn 1 tháng “tập dượt” làm kinh doanh.
Giá bán mỗi kg cam Cao Phong được Nhiên “giao” tận tay khách hàng là 50.000 đồng, sau khi trừ chi phí số lãi mà “bà chủ” thu được chỉ 2.000 -3.000 đồng/kg. Bù lại, số lượng mỗi ngày, mỗi tuần cô bán ra ai nghe qua cũng mơ ước.
“Cao điểm có ngày mình bán được tới 2 tạ, còn trung bình thì khoảng 50kg ”- cô tiết lộ. Tính ra mỗi tháng, nhờ nghề tay trái Nhiên kiếm thêm được từ 10-12 triệu đồng.
Bên cạnh việc bán đặc sản quê, nhiều dân văn phòng năm nay cũng đang rủ nhau kinh doanh hoa quả, đồ uống... Bưởi Diễn nổi tiếng là loại quả thơm ngon, lại để được lâu nên Tết năm nay Hạnh cũng lặn lội xuống tận “thủ phủ” để tìm nguồn hàng bưởi ngon về bán. “Mục sở thị” Hạnh mới vỡ lẽ, bưởi Diễn “xịn” thì ít, mà giống bưởi na ná thì nhiều.
“Mình thấy trên các trang mạng xã hội nhiều bạn chỉ giao bán 30.000 - 40.000 đồng/quả, nhưng xuống tận vườn mua buôn cũng không có giá đó, chắc chắn là bưởi lai chứ không phải bưởi “xịn””- cô nói và cho biết, giá gốc tận vườn với bưởi Diễn xịn giờ đã là 50.000 – 60.000 đồng/quả, nên với dân buôn ít nhất cũng bán từ 60.000 - 70.000 đồng/quả mới có lãi chút ít. Tiếng là “đi buôn” nhưng Hạnh quan niệm, hầu hết khách hàng đều là bạn bè thân quen vì thế tiêu chí đầu tiên mà Hạnh hướng tới trong kinh doanh là tìm được nguồn hàng chuẩn để giữ chữ Tín.
Để tiết kiệm chi phí, kinh doanh nghề tay trái dân văn phòng đều tận dụng bán hàng qua mạng xã hội, facebook… và đều tự mình trang thủ thời gian hoặc nhờ người nhà làm "shipper" (giao hàng).