Tập trung hết sức cứu người là nguyên tắc tiên quyết khi chữa cháy
Thiếu tướng Đoàn Việt Manh trả lời tại buổi giao lưu. |
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc tăng cường công tác PCCC. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao như: khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nhà liền kề, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí… nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2017. Thực hiện nhiệm vụ này, sáng nay (10/11), Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đã có buổi giao lưu trực tuyến tại báo điện tử Tổ Quốc về chủ đề “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?”.
Trả lời các câu hỏi của báo chí và người dân, đại diện Cục CS PCCC chỉ rõ những khó khăn mà lực lượng gặp phải khi tham gia chữa cháy, cứu hộ. Theo đó, khó khăn nhất là công tác tiếp cận hiện trường. Thiếu tá Vũ Công Hoà cho biết: “Hiện nay, các thành phố lớn có hệ thống giao thông đi lại khó khăn nên khi xảy ra cháy rất khó để các xe chữa cháy tiếp cận hiện trường, đặc biệt vào giờ cao điểm. Mỗi khi xảy ra cháy chúng tôi thường huy động nhiều đội xung quanh hiện trường đến để nếu hướng này bị tắc đường thì hướng khác sẽ tiếp cận được. Bên cạnh đó, việc nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô cũng là cản trở không nhỏ đối với lực lượng PCCC”.
Thiếu tá Hoà cũng chia sẻ thêm, tại những khu dân cư cũ, hệ thống mạng lưới cấp nước chữa cháy gần như không có, hoặc xuống cấp không được đầu tư nâng cấp, cải tạo không sử dụng được, nên khi có cháy xảy ra việc triển khai tổ chức chữa cháy tại những nơi này gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đang chữa cháy, khi phải đi lấy nước xa sẽ rất dễ tạo điều kiện cho đám cháy bùng phát trở lại. Ngoài khó khăn về công tác chữa cháy, cứu hộ, trang thiết bị chữa cháy của lực lượng PCCC cũng còn thiếu. Theo Thiếu tá Hoà, hiện chỉ có khoảng 30% trang thiết bị chữa cháy đạt tiêu chuẩn còn lại hầu hết là quá thời hạn sử dụng.
Trước tình trạng một số đám cháy gần đây có thiệt hại lớn, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) cho biết: “Về nguyên tắc, khi xảy ra, chúng tôi phải truy xét đám cháy, phải truy xét nguồn gốc lửa ở đâu và xem có người trong đám cháy hay không. Nếu phát hiện có người mắc kẹt trong đám cháy thì việc đầu tiên là phải cứu người và tập trung hết sức cho vấn đề này. Đây là nguyên tắc tiên quyết. Song song đó là công tác chữa cháy, chống cháy lan sang những công trình lân cận để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, nếu cháy lớn thì kiểu gì cũng thiệt hại”. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, khi xảy ra cháy, Thiếu tướng Mạnh nhấn mạnh vào việc người dân phải nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy, phải biết chữa cháy khi ngọn lửa chưa kịp lan rộng. “Chỉ cần phát hiện ra cháy và dập tắt trong thời gian dưới 10 phút thì sẽ khống chế được thiệt hại. Nếu cháy quá 10 phút thì ngọn lửa sẽ bùng lớn và thiệt hại sẽ không lường trước được” – Thiếu tướng Mạnh khẳng định.
Về giải pháp thời gian tới, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh chia sẻ, hiện nay, kinh phí Nhà nước và việc để Nhà nước gánh như hiện nay là không đảm bảo cho công tác PCCC, cần phải thực hiện xã hội hoá để các cơ sở phải tự lo, đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo lực lượng, con người để ứng phó với các sự cố xảy ra. Phải trang bị phương tiện tùy theo nhu cầu của cơ sở mình. Ví dụ với cơ sở xăng dầu phải chuẩn bị bọt chứ không thể dùng nước được. Lực lượng phương tiện phải thường trực. “Mong muốn giảm tải cho ngân sách và đảm bảo phản ứng nhanh thì PCCC phải từ cơ sở, đó là cái gốc. Tới đây sẽ triển khai mạnh mẽ điều này và mong người dân nhận thức rõ hơn về công tác PCCC. Riêng lực lượng CS PCCC phải chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, kịp thời giải quyết nhưng tình huống lớn xảy ra” – Cục trưởng Cục CSPCCC nhấn mạnh.
Về công tác kiểm tra, Thiếu tướng Mạnh cho biết, Cục đã trao đổi với các nhà quản lý ở nước ngoài như như tại Hàn Quốc, người ta cũng quản lý bằng pháp luật. Bên đó cán bộ quản lý thanh tra, kiểm tra, lập biên bản lần một là nhắc nhở và đến lần thứ ba là lập hồ sơ truy tố. Như vậy, bên Hàn Quốc chỉ cần ba lần nhắc nhở sẽ bị truy tố bởi khi cam kết mà không thực hiện được thì có nghĩa là vi phạm luật và lập hồ sơ truy tố ngay.
Kết thúc buổi toạ đàm, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh khẳng định: “Chúng tôi chỉ mong người dân nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của PCCC được nâng cao. Khoảng cách giữa nhận thức, hành động phải thu hẹp lại và bằng hành động thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải có kiến thức, trải nghiệm để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người. Tôi cũng rất mong phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển thật là sâu rộng và có nhiều mô hình tự quản, các gương điển hình tiên tiến trong phong trào này và cuối cùng: an toàn là hạnh phúc của mọi gia đình, mọi người và của chúng ta”.