Tăng kịch trần, cổ phiếu Petrolimex đắt hàng trong ngày chào sàn
Ngay khi vừa lên sàn, Petrolimex đã lập tức nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Với mức giá tham chiếu 43.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa khi chào sàn của Petrolimex đạt 55.892 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,3% vốn hóa tại sàn HSX.
Mở đầu phiên chào sàn, cổ phiếu PLX đã được giao dịch với mức giá kịch trần, 51.800 đồng/cổ phiếu. Mức giá này khá “hời” cho các cổ đông, những người mua cổ phiếu kể từ khi Petrolimex cổ phần hóa vào năm 2011 với mức giá bình quân 15.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, về cuối phiên PLX đóng cửa ở mức giá 48.900 đồng/cổ phiếu, tăng 13% so với mức giá tham chiếu. Đã có 4.820.970 cổ phiếu PLX được chuyển nhượng trong phiên này, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 1 triệu cổ phiếu, bán ra 10.000 cổ phiếu.
Petrolimex có vốn điều lệ 12.939 tỷ đồng, là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất trong tổng số 29 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, chiếm 50% thị phần xăng dầu. Hai cổ đông lớn của Petrolimex bao gồm: Bộ Công Thương nắm 75,87% cổ phần; Đối tác Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy Corporation nắm 8% cổ phần trong tổng số 1.293,9 triệu cổ phiếu được niêm yết. Trong số 208,6 triệu cổ phần còn lại, Petrolimex nắm giữ 155 triệu là cổ phiếu quỹ. Do đó, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực tế sau niêm yết chỉ là 53,6 triệu đơn vị, tương đương 4,14% tổng số lượng cổ phiếu được niêm yết.
Năm 2016 được coi là năm kinh doanh thành công của Petrolimex khi “ông lớn” ngành xăng dầu này đạt mức doanh thu 123.127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.166 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2015. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Petrolimex chỉ xếp sau Vinamilk và Sabeco, đạt 4.254 đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2016 cho cổ đông với tỷ lệ hơn 32% bằng tiền mặt.
Trong năm 2017, Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu 143.208 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận hợp nhất trước thuế lại giảm còn 4.680 tỷ đồng. Mức lợi nhuận dự kiến này chỉ bằng 74,3% so với năm 2016.
Hội đồng quản trị Petrolimex lý giải, thị trường xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh gay gắt do có sự nhập cuộc của các doanh nghiệp đầu mối và phân phối. Mặc dù Petrolimex vẫn là doanh nghiệp đầu mối lớn nhất trong số 29 đơn vị (số liệu tính đến cuối năm 2016) và chiếm khoảng 50% thị phần trong nước, tuy nhiên các doanh nghiệp khác vẫn đang mở rộng đầu tư nhằm “lấn sân” những khu vực trước đây chỉ có Petrolimex kinh doanh.
Trong năm nay, Petrolimex tiếp tục định hướng phát triển phương thức bán lẻ, sửa chữa và nâng cấp hệ thống cửa hàng xăng dầu toàn quốc với tổng vốn 1,5 tỷ đồng. Kế hoạch 5 năm tới, tập đoàn sẽ mở rộng hệ thống bán lẽ với quy mô 150 cửa hàng/năm.