Tân Hiệp Phát: Tham vọng 3 tỷ USD và những tai tiếng kim tiền
“Red Bull” tiếp theo trong khu vực
Năm 2019, đại gia Việt được xem là siêu giàu, có thể chỉ đứng thứ 2 trong top tỷ phú giàu nhất Việt Nam, đã lộ kế hoạch tìm kiếm 3 tỷ USD cho tham vọng chinh phục vị trí số 1 Đông Nam Á trong lĩnh vực đồ uống. Ông lớn Việt này từng từ chối thương vụ 2,5 tỷ USD.
Theo Bloomberg, ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) Trần Quý Thanh lúc ấy cho biết ông đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực.
Đối tác mới bên cạnh việc phải chịu chi còn cần có "bí quyết trong ngành" hoặc hệ thống phân phối, chứ không chỉ là một nhà đầu tư cổ phần.
Khi đó, Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD. Kế hoạch mới của THP diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đã rót 500 triệu USD cho 3 nhà máy, và dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD nữa cho giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, theo Forbes vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.
Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quý Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.
Với sự xuất hiện trong ForbesBooks từ năm 2018, ông Trần Quý Thanh được xem là gương mặt người Việt nữa sẽ nhanh chóng lọt danh sách tỷ phú USD.
Tân Hiệp Phát sau đó nổi lên với gương mặt ái nữ của ông Thanh - bà Trần Uyên Phương. Tuy nhiên, ái nữ nhà đại gia số 1 ngành nước giải khát Việt Nam thua đau trong thương vụ đầu tư vào một doanh nghiệp từng được kỳ vọng là kỳ lân của ngành truyền thông. Quyết định rút dần khỏi Yeah1 gây ra thua lỗ lớn.
Vào cuối năm 2021, theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, bà Trần Uyên Phương liên tục bán ra cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống làm Chủ tịch.
Mức giá không được công bố nhưng trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu YEG dao động quanh mức 15.000-16.000 đồng/cp. Nếu giao dịch ở mức giá nay, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát thua lỗ lớn bởi trước đó, bà Phương từng phải chi 50.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn của Yeah1.
Cổ phiếu Yeah1 giảm mạnh kể từ khi lên sàn hồi giữa 2018 với mức giá 300.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa của doanh nghiệp trên 9.000 tỷ đồng. Sau đó, Yeah1 xuống chỉ còn 15.500 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa thị trường chỉ khoảng 500 tỷ đồng.
Thuộc top tỷ USD, Tân Hiệp Phát mở rộng nhiều lĩnh vực
Cuốn sách có tên Competing with Giants (tạm dịch: Cạnh tranh với người khổng lồ) được Forbesbook xuất bản trong năm 2018 tiết lộ một tỷ phú Việt tầm cỡ thế giới chưa từng lọt vào một danh sách giàu có nào. Trong sách, ông Trần Quý Thanh từng từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD mà Coca Cola đã đề nghị mua cổ phần chi phối từ 7 năm trước.
Trong nhiều năm qua, tập đoàn của ông Trần Quý Thanh được cho là mở rộng sang mảng bất động sản, một dấu hiệu cho thấy đại gia này sắp "bùng nổ". Tân Hiệp Phát lập công ty mua bán nợ vốn 100 tỷ đồng, có thể là nhằm săn quỹ đất trong giai đoạn đầu làm bất động sản.
Tân Hiệp Phát được biết đến là một công ty gia đình nhưng có lợi nhuận rất lớn, có năm lợi nhuận công bố vượt qua cả các ông lớn nước ngoài như Pepsi và Coca-Cola. Tỷ suất lợi nhuận của Tân Hiệp Phát cũng rất cao.
Sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã định hình rõ nét nhóm doanh nghiệp thống lĩnh gồm 3 cái tên từ khối FDI là Suntory Pepsi, Coca-Cola, URC cùng 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.
Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát của ông Trần Quý Thanh cũng có rất nhiều tai tiếng sau vụ việc "con ruồi" đầy tranh cãi. Doanh thu của Tân Hiệp Phát giai đoạn 2014-2017 chững lại dù có thêm nhà máy mới Number One Hà Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên sau đó doanh nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2018 và duy trì trong năm 2019 khi có thêm nhà máy Number One Chu Lai mang về cho tập đoàn này gần 1.400 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh nước giải khát đem về một lượng tiền lớn cho nhà ông Thanh. Đây cũng có thể là lý do chính dẫn đến việc ông Trần Quý Thanh và những người liên quan có những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.
Năm 2019, gia đình ông Thanh gây bất ngờ khi thành lập cùng lúc một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến cả chục nghìn tỷ. Gia đình doanh nhân này cũng được cho là đã âm thầm mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa.
Ngày 9/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Công ty Kim Oanh Đồng Nai và Công ty Thuận Lợi là bị hại.
Đây là vụ án liên quan đến Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích - con gái ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Mạnh Hà