Tâm sự tài xế xe bus: Phải biết nhịn đủ thứ
Đi vệ sinh… phải tranh thủ
Một trong những nguyên tắc bắt buộc lái xe bus phải tuân thủ là đúng giờ. Xuất phát đúng giờ và về bến đúng thời gian quy định. Đằng sau nguyên tắc đúng giờ là biết bao câu chuyện bi hài cười ra nước mắt mà họa chăng chỉ có cánh tài xế mới hiểu.
Lái xe bus làm việc theo ca. Một ca trung bình chạy từ 8h đến 9h, chưa kể những hôm tăng chuyến. Như vậy, mỗi ngày tài xế xe bus phải lái từ 6 đến 8 lượt, giữa mỗi lượt được nghỉ 10 phút. Nghỉ lượt nào mất tiền lượt đó nên tài xế tranh thủ từng phút từng giây để hoàn thành đủ số lượt quy định.
Anh Đặng Văn Lợi, nhân viên xí nghiệp xe điện Hà Nội cười hóm hỉnh: “Tranh thủ có phải để làm việc gì to tát đâu, chỉ để đi vệ sinh thôi! Trung bình khoảng 2h là phải đi tiểu rồi, mà cứ phải đợi về bến mới giải quyết được “nỗi buồn”, nên nhiều khi anh em phải cố nhịn chờ xe cập bến. Rồi có khi muốn ăn, uống nhiều nước cũng phải hạn chế, không ngộ nhỡ đang giờ cao điểm mà… thì chỉ có nước khóc thôi”.
Nhưng khổ nỗi, không phải bến nào cũng có nhà vệ sinh, như bến Nhổn chẳng hạn. Nhiều tài xế buộc phải làm liều. “Không có nhà vệ sinh đành phải tìm chỗ khuất “bậy” thôi”, anh Lợi tủm tỉm kể.
Thời gian hạn hẹp nên bữa trưa của tài xế xe bus cũng chỉ qua loa, đại khái. Anh Nguyễn Tiến Hiệp (41 tuổi, Tài xế tuyến bus 22) chia sẻ: “Nghỉ được chục phút nên chúng tôi thường mua cơm hộp mang về xe ăn. Nhiều lúc tắc đường thì vừa ăn bánh mì vừa lái xe. Ăn nhanh còn tranh thủ chợp mắt vài phút, buồn ngủ lái xe rất nguy hiểm. Nếu ăn trưa lâu thì phải bù thời gian vào chuyến sau, thậm chí ảnh hưởng đến người ca sau, họ làm muộn phải về muộn”.
Anh Nguyễn Tiến Hiệp, tài xế bus 22. Ảnh Thu Miền |
Không chỉ căn giờ đi tiểu, tính giờ ăn, lái xe buýt còn phải biết tính phút đèn đỏ. Lái xe không tính đèn đỏ thường sẽ muộn giờ. Ban đầu mới vào lái xe, tài xế nào cũng phải mất ít nhất một lượt. Chỉ cần lái một thời gian, tài xế tự biết căn chỉnh khi nào đèn xanh, đèn đỏ để đi chậm, đi nhanh…
Lái xe bus - Nghề “khổ ải”
Trong suy nghĩ của nhiều người, xe bus Hà Nội chẳng khác nào “hung thần đường phố”, còn lái xe bus Thủ đô được nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm. Nhưng ít ai hiểu được rằng, họ có những nỗi khổ chẳng biết tỏ cùng ai.
Gần 10 năm gắn bó với nghề lái xe bus Hà Nội, biết bao nhiêu niềm vui nỗi buồn, có những lúc chán nản muốn từ bỏ vì áp lực công việc cùng gánh nặng cuộc sống mưu sinh, nhưng tình yêu, sự gắn bó với nghề, sự động viên của gia đình đã giúp anh Nguyễn Tiến Hiệp, lái xe bus tuyến 34 vượt qua tất cả.
“Mỗi ngày chúng tôi có 2 ca làm, nếu làm ca sáng lái xe phải dậy lúc 3h30 để chuẩn bị 5h xe xuất bến. Làm ca chiều thì luôn về muộn, thường 12h đêm mới có mặt ở nhà. Những hôm trời mưa gió đi làm vô cùng vất vả”, anh Hiệp ngậm ngùi chia sẻ.
Trong lúc mọi người vẫn đang say giấc, liệu có mấy ai biết được những tài xế xe buýt đã phải rời khỏi nhà trong màn đêm tĩnh mịch, dù rét buốt hay mưa bão để kịp đến bến cho chuyến xe đầu tiên xuất bến.
Suốt cả ngày đánh vật với cái vô-lăng trên những cung đường đông nghịt, chực chờ những hiểm nguy, nếu chỉ một chút lơ đễnh hậu quả sẽ khôn lường… Lái xe bus đằng trước vô-lăng là sự sống, đằng sau vô-lăng là hành khách. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và hành khách hài lòng là điều không hề đơn giản. Vì thế cánh tài xế xe bus Thủ đô thường ví von lái xe bus khó hơn cả lái xe tăng, là nghề làm dâu trăm họ.
Mỗi ngày phải đối mặt với vô vàn áp lực, nếu không giữ được bình tĩnh và đầu óc minh mẫn, lái xe bus khó có thể đảm bảo công việc. Nhiều người phàn nàn lái xe phanh gấp, nhưng bị xe máy tạt đầu buộc phải phanh chứ để xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm cho tài xế. Di chuyển chiếc xe kềnh càng giữa giờ cao điểm, bên trong xe chật kín người tưởng như không còn không khí để thở, đầu óc họ căng như dây đàn.
Nhìn những chiếc xe bus hiền lành đứng ở bến chờ khách, ai có thể hiểu những gì đang diễn ra sau vô-lăng. Ảnh Thu Miền |
Anh Vinh, lái xe bus tuyến 32 tâm sự: “Những giờ cao điểm, tập trung lái xe đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. Nhiều khách hỏi, tài xế chúng tôi chỉ trả lời được một câu, đến câu thứ hai là cáu rồi. Lái xe còn phải nhìn đường, nhìn khách lên xuống có an toàn hay không nên nhiều người hiểu thì thông cảm, không hiểu thì nói này nói nọ, có khi còn giở thói côn đồ chúng tôi cũng đành chịu, biết thanh minh cùng ai?”.
Không chỉ đau đầu về khách, tài xế xe bus Hà Nội còn đau đầu vì xe. Nay hỏng còi, mai hỏng xi nhan, cửa lên xuống bị kẹt, khổ nhất là xịt lốp. Trên quãng đường đến điểm đổi xe, tài xế không thể dừng lại đón khách vì lốp chỉ chịu được một lượng người nhất định. Khi đó, lái xe bus phải bỏ bến, khách trên xe thì hiểu, còn khách ở dưới bến thì chịu. Về đến công ty, nếu đến thời điểm thay lốp định kỳ xe sẽ được lốp mới, còn không đành dùng lốp cũ vá lại. Nhiều khi tài xế phải chịu phạt vì để lốp rách.
Cuộc sống mưu sinh đằng sau chiếc vô-lăng để lại cho lái xe bus biết bao chuyện vui buồn. Niềm vui là động lực giúp họ thăng hoa trong công việc còn những nỗi buồn, những vất vả mệt nhọc giúp họ thêm kiên nhẫn và cố gắng để gắn bó nhiều hơn với nghề mình đã chọn.