Tâm sự của một người Việt “nghiện” ăn cắp ở Nhật
Hình ảnh siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh minh họa.
Hình ảnh siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh minh họa.
LTS:
Bấy lâu nay, câu chuyện "Người Việt xấu xí ở nước ngoài" vốn đã âm ỉ và tạo ra những luồng quan điểm khá trái ngược nhau. Tuy nhiên, có một thực trạng là chuyện "hình ảnh người Việt" ngày càng trở nên quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Có thể nói, hình ảnh, hành động, cách cư xử... của mỗi cá nhân người Việt khi ra nước ngoài có phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Báo điện tử Infonet bắt đầu cho đăng tải loạt bài "Người Việt xấu xí ở nước ngoài" không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tạo ra cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại "điểm xấu" của chính mình và cùng nhau tìm ra giải pháp hạn chế, thay đổi, với tinh thần xây dựng hình ảnh chung.
Mọi thắc mắc, góp ý, tham gia đóng góp bài viết của quý độc giả xin vui lòng gửi về địa chỉ thư điện tử: toasoan@infonet.vn
------------------------------
Lấy cả tủ lạnh trong siêu thị
Anh Vũ Văn H. trú tại Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội kể anh từng có thời gian 2 năm sống ở Nhật Bản và khi cộng động mạng chia sẻ về hình ảnh người Việt ăn cắp ở nước ngoài, anh H. cho rằng nếu ai đã đi Nhật Bản mới thấy việc “cầm nhầm” này hoàn toàn là điều bình thường, thậm chí có người còn nghiện ăn cắp vì quá dễ lấy.
Anh H. kể vào năm 2006 -2008 anh sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh vừa học vừa làm ba năm. Đây là khoảng thời gian anh H. cảm nhận được cuộc sống văn minh ở nước này và thực sự khiến anh khâm phục.
Anh thích không khí giao thông ở nước bạn và thèm một ngày nào đó nước mình được như thế. Khi anh sang đường, tất cả các xe ô tô dừng lại cho anh sang dù lúc đó là đèn đỏ. Một số lái xe không phanh kịp, họ xuống xe cúi đầu ra hiệu xin lỗi anh.
Ở nước văn minh như thế, siêu thị của họ không có bảo vệ và không phải gửi túi xách. Có lẽ đây là “cơ hội” cho những người có tính tắt mắt ăn trộm.
Anh H. kể một đôi giày ở Nhật có giá 10 đến 20 triệu đồng (đã quy đổi) thì người nào có tiền để mua? Thay vì phải trả tiền, họ cứ thể bỏ vào túi rồi ra về như không có gì. Bản thân anh H. nhiều lần đi siêu thị không phải trả tiền rất thành công. Anh kể có lần phòng của anh không có tủ lạnh, sau nhiều lần trộm các đồ lặt vặt thành công, anh và bạn vào siêu thị ôm hẳn cái tủ lạnh hơn 200 lít lên xe đẩy và ra về như không có gì và việc "mua đồ không trả tiền" lần nào cũng trót lọt.
Ham đồ Nhật Bản, anh H. kể nói đến quần áo thì không phải bàn đặc biệt là đồ lót hầu như các anh vào siêu thị mặc thích là mang về, không có ai kiểm tra đòi hóa đơn hay xem mã hàng như ở Việt Nam.
Không chỉ lấy đồ quỵt tiền cho bản thân mình dùng, anh H. còn lấy cả cho người thân gửi về Việt Nam. Cho đến nay, một số đồ anh mang từ Nhật về vẫn sử dụng rất tốt. Anh bao biện cho thói quen mua đồ không trả tiền của mình ở Nhật Bản là thu nhập của mình thấp còn hàng ở đó chất lượng, đắt đỏ nên đành trở thành "tên trộm bất đắc dĩ".
“Bần cùng sinh đạo tặc”
Với nhiều người Việt ở Nhật nhất là công nhân xuất khẩu lao động, hay những những nghiên cứu sinh họ không có tiền, mua đôi dép, chiếc quần lót cũng là một khoản phí mới sinh ra trộm cắp vặt như thế. Mặc dù biết việc lấy hàng quên trả tiền là xấu nhưng vì không có tiền mua nên anh và các bạn coi đó là điều bình thường và nó thực sự gây nghiện.
Trầm ngâm một hồi, anh kể các cụ bảo “bần cùng sinh đạo tặc” cũng không sai, ở hoàn cảnh ấy nếu mình không lấy có khi còn bị bạn bè gọi là thằng ngu. Anh H. kể người bạn thân của anh còn thường xuyên vào các shop thời trang lấy quần áo sau đó gửi về Việt Nam qua đường xách tay hàng không để về Việt Nam bán hàng xách tay. Đồ Nhật thực sự đẹp và rất đắt nên đành phải lấy trộm.
Anh H. cũng từng sang các nước khác như Singapore, Đài Loan nhưng anh cho biết thực sự đồ Nhật hút người ta và khiến người ta muốn lấy trộm chứ đồ của các nước khác, không ai thích như đồ Nhật Bản.
Không chỉ ăn cắp đồ dùng sinh hoạt, anh H. kể xe đạp, xe máy ở Nhật người ta không khóa, họ để ở đường rất bình thường và người ta có thể lấy đi lại thoải mái và quên không trả lại. Anh H. còn khoe anh quen một nhóm người Việt chuyên lấy trộm xe đạp Nhật của các bà nội trợ rồi gom lại, chuyển về Việt Nam bằng đường biển và bán lại cho những người có nhu cầu. Mười năm về trước, xe đạp Nhật bãi luôn là lựa chọn của các gia đình đặc biệt ở nông thôn.