Tám cách giúp trẻ xây dựng kỹ năng tự giác
1. Xây dựng lịch trình
Cha mẹ hãy tạo lịch trình hoạt động mỗi ngày cho trẻ để rèn luyện thành thói quen. Khi biết mình phải làm gì, trẻ sẽ tập trung thực hiện, tránh việc bị xao nhãng bởi các việc khác.
Một lịch trình cụ thể vào buổi sáng sẽ giúp trẻ biết khi nào cần đánh răng, ăn sáng hay thay quần áo. Tương tự, lịch trình sau khi đi học về sẽ dạy trẻ cách phân bổ thời gian giữa việc nhà, làm bài tập và vui chơi.
Điều quan trọng, phụ huynh nên xây dựng lịch trình đơn giản và cần kiên nhẫn để trẻ có thời gian thực hành, dần dần chúng sẽ không cần đến bố mẹ trợ giúp.
2. Giải thích lý do khi yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ
Khi trẻ chưa học được kỹ năng tự giác, phụ huynh có thể giao nhiệm vụ, hoạt động để trẻ thực hiện. Nhưng thay vì yêu cầu hãy làm theo ý của mình, bạn nên giúp trẻ hiểu lý do tại sao phải làm việc đó.
Thay vì nói "Con hãy làm bài tập về nhà trước khi chơi", bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu làm bài tập trước thì thời gian vui chơi sẽ thoải mái hơn, không phải canh cánh lo lắng về bài tập. Điều này giúp trẻ hiểu mỗi nhiệm vụ phải làm đều có mục đích.
Khi áp dụng phương pháp này, cha mẹ cần lưu ý không đưa ra lời giải thích, bài giảng dài dòng.
3. Đưa ra hậu quả
Đôi khi, hậu quả có thể dạy trẻ những bài học lớn trong cuộc sống. Khi trẻ không chịu thực hiện công việc bạn yêu cầu, hãy nêu ra hậu quả cụ thể, ngay trước mắt để con lựa chọn giữa việc thực hiện hay không.
Ngay cả khi trẻ vẫn lựa chọn không làm theo, phụ huynh không nên la hét, ép buộc con mà để trẻ tự nếm trải thất bại để rút ra bài học cho lần sau.
Ảnh: Femalefirst |
4. Định hình hành vi tại từng thời điểm cụ thể
Hình thành tính tự giác cho trẻ là quá trình phải mất nhiều năm, phụ huynh nên sử dụng các chiến thuật trong từng giai đoạn phát triển cụ thể để định hình từng bước một.
Thay vì mong đợi một đứa trẻ 6 tuổi đột nhiên có thể thực hiện toàn bộ thói quen buổi sáng mà không cần bất kỳ lời nhắc nhở nào, bạn hãy sử dụng biểu đồ hình ảnh treo tường để mô tả ai đó chải tóc, đánh răng và mặc quần áo. Bạn có thể chụp ảnh con thực hiện các hoạt động này và tạo biểu đồ cho riêng trẻ.
Khi trẻ không thực hiện, hãy nhắc con nhìn vào biểu đồ cho đến khi có thể tự mình thực hiện từng nhiệm vụ. Dần dần trẻ sẽ cần ít lời nhắc hơn.
5. Khen ngợi
Khi con tự giác thực hiện nhiệm vụ, hãy dành lời khen ngợi tích cực cho bé và nhấn mạnh bạn muốn thấy những hành động này thường xuyên hơn. Khi hành vi tốt được khen ngợi, trẻ sẽ thường xuyên lặp lại.
6. Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc làm việc cùng nhau có liên quan đến việc xây dựng tính tự giác. Trước khi con bạn thực hiện một công việc, hãy cùng trẻ thảo luận về công tác chuẩn bị.
Các vấn đề phức tạp hơn có thể cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn hoặc thử nghiệm thất bại để tìm được cách giải quyết hợp lý. Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ khiến trẻ luôn động não nghĩ cách cách thức tổ chức hoạt động, từ đó nâng cao khả năng tự giác.
7. Làm gương cho trẻ
Trẻ em thường có xu hướng bắt chước hành động của người lớn. Nếu con thấy bạn chần chừ làm việc, chúng có thể học tính trì hoãn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý thực hiện tính kỷ luật để trẻ học theo. Khi bạn không thể làm được, hãy nhận lỗi về mình và cùng thảo luận với trẻ về hành động nên làm.
8. Thưởng cho hành vi tốt
Khi con không chịu ngủ sớm, hãy chơi trò thu thập tem ngủ sớm để nhận quà. Từ đó, xây dựng hành vi tốt cho trẻ thông qua việc chơi trò chơi và khen thưởng. Việc khen thưởng có thể thúc đẩy trẻ thực hiện những hành vi tốt.
Nếu trẻ học được tính tự giác, hãy dừng việc khen thưởng. Phụ huynh cũng không nhất thiết phải thưởng tiền mà có thể lựa chọn những món quà nhỏ hoặc cho phép trẻ chơi trò chơi nhiều hơn.