Tại sao người dân thờ ơ với mô hình bác sĩ gia đình?
Tham gia mô hình bác sĩ gia đình, người bệnh được chăm sóc liên tục 24/24h mỗi ngày. |
Hoạt động cầm chừng
Bộ Y tế bắt đầu triển khai thí điểm mô hình này từ giữa tháng 7 năm 2014 tại 8 tỉnh, thành Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Theo đó, người tham gia sẽ được chăm sóc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục không chỉ cho cá nhân mà tất cả các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, người bệnh còn được chăm sóc liên tục 24 giờ mỗi ngày trong tuần và chăm sóc suốt đời.Tuy nhiên, cho đến nay, qua đánh giá của từ các địa phương, vẫn không nhiều người dân mặn mà với mô hình này.
Phòng khám Đa khoa Yên Hòa (Cầu Giấy) sau một năm đi vào hoạt động theo mô hình Bác sĩ gia đình cũng chỉ dừng lại khám, quản lý cho gần 100 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu.
BSCKI Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cầu Giấy cho biết, khó khăn hiện nay trong hoạt động của Phòng khám bác sĩ gia đình là người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình bác sĩ gia đình, nên tham gia đăng ký quản lý sức khỏe còn hạn chế. Bệnh nhân khám chữa bệnh không được thanh toán BHYT trái tuyến gây khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân phải chuyển tuyến hầu như Phòng khám không nhận được phản hồi chuyển tuyến của tuyến trên để tăng thêm hiệu quả quản lý và điều trị bệnh nhân…
Với địa hình là một huyện ngoại thành xa trung tâm thành phố, TTYT huyện Sóc Sơn hiện có 4 phòng khám bác sĩ gia đình nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại địa bàn. Tuy nhiên, BS Phạm Quang Hải, Giám đốc TTYT huyện cho biết mô hình này vẫn không được nhiều người dân tham gia.
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình cũng gặp không ít khó khăn. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp HCM cho biết, hiện Tp Hồ Chí Minh phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở tại 3 loại hình là: Phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế xã, phường; Phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc Phòng khám Đa khoa Tư nhân.
Trong đó, có 20/23 bệnh viện quận huyện đã thành lập Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ 1-4 bàn khám do bác sỹ được đào tạo riêng về y học gia đình phụ trách; 136/319 Trạm y tế Phường- xã thành lập 1 phòng khám bác sĩ gia đình với cơ cấu từ 1 bàn khám; 01 phòng khám bác sĩ gia đình thuộc phòng khám đa khoa tư nhân Thành công.
Mặc dù vậy, theo BS Hưng, bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe còn mới tại Việt Nam, số lượng phòng khám bác sĩ gia đình ở Tp HCM nhiều nhưng chất lượng chưa đạt theo yêu cầu, đa số phòng khám trạm y tế hoạt động cầm chừng, có phòng khám có ngày không có bệnh nhân. Duy nhất có phòng khám bác sĩ gia đình thuộc phòng khám Đa khoa tư nhân Thành Công hoạt động đạt yêu cầu.
Cách nào hút người dân tham gia?
Trên thực tế nhiều phòng khám chưa thu hút được bệnh nhân do người dân chưa hiểu và chưa tin vào bác sĩ gia đình; Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu; Chưa xây dựng được cơ sở thực hành cho chuyên ngành Y học gia đình nên việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý sức khỏe cho người dân chưa nhuần nhuyễn. Trong khi đó, chưa có mẫu hồ sơ bệnh án phù hợp với mô hình và phần mềm quản lý thông tin bệnh nhân của phòng khám bác sĩ gia đình…
ThS Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 76 Phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó có 67 Phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm y tế, phòng khám đa khoa Khu vực của các TTYT; 6 phòng khám tại một số bệnh viện và chỉ có 3 phòng khám bác sĩ gia đình ngoài công lập.
Tuy nhiên, thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình về việc thu hút người dân tham gia vào mô hình này, đặc biệt phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ngoài công lập, ThS Nguyễn Văn Dung cho rằng Bộ Y tế cần phải có cơ chế thanh toán BHYT thuận tiện, giá dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ (như chi phí tư vấn, chi phí đến trực tiếp gia đình người bệnh, chi phí thông tin liên lạc… ), việc chuyển tuyến phải thuận lợi và hiệu quả…Có như thế hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình mới thu hút được người dân tham gia.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị, Bộ Y tế sớm hoàn thiện Bệnh án giấy, phần mềm quản lý thông tin bệnh nhân; có cơ chế chuyển tuyến với hệ thống phòng khám bác sĩ gia đình, cơ chế thanh toán BHYT cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bác sĩ gia đình như tư vấn, khám sàng lọc, khám tại nhà,…
Đánh giá về mô hình bác sĩ gia đình này,TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, đây là mô hình đang ở giai đoạn thí điểm thực hiện nên không thể tránh khỏi những khó khăn khi thực hiện. Bộ Y tế đang tổng hợp những ý kiến của 8 địa phương thực hiện thí điểm phòng khám bác sĩ gia đình để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đưa mô hình bác sĩ gia đình đến gần với người dân hơn.