Tại sao người dân sống cạnh những "dòng sông chết" phải chịu mùi hôi thối?
Sông Tô Lịch là một dòng sông chảy qua nhiều quận nội thành của Thủ đô Hà Nội. Ngày nay, sự phát triển công nghiệp, đô thị và sự bùng nổ dân số đang làm cho con sông này ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Nước thải của gần 7 triệu người dân, các bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp… ở Hà Nội thải ra 5 con sông chính là sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ và Nhuệ.
Theo Dữ liệu tổng hợp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về nước thải của Hà Nội, mỗi ngày các con sông như Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu, Nhuệ phải nhận tới 600.000 m3 nước thải và trở thành nguồn ô nhiễm lộ thiên nguy hiểm.
Đặc biệt, mới chỉ có 22% lượng nước thải được xử lý, còn lại vẫn chưa qua xử lý và xả trực tiếp ra các sông, hồ trên địa bàn thành phố. Lượng bùn tích tụ, lắng đọng lâu ngày gây ra mùi hôi thối nồng nặc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vứt, xả rác xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Sông Tô Lịch đang phải hứng chịu nước thải của gần 7 triệu người dân. |
Ô nhiễm nguồn nước ở sông Tô Lịch ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở khu vực dọc 2 bên sông trong nhiều năm qua và tác động xấu tới hệ sinh thái thủy sinh. Hàng chục năm qua người dân sinh sống dọc hai bên bờ của những dòng sông trên vẫn tìm cách sống chung với cảnh ô nhiễm.
Đoạn thí điểm làm sạch sông tô lịch bằngcông nghệ Nano Nhật Bản. |
Từ khi được thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Nhật Bản, nước sông Tô Lịch đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Cô An (55 tuổi, đường Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy) cho biết: “Lâu lắm rồi với thấy sông Tô Lịch sạch sẽ như vậy. Buổi sáng đi tập thể dục qua đây, thấy nước sông chuyển màu rõ rệt, không đen xì như ngày trước nước, mùi hôi thối cũng không còn nữa”.
Cùng với quan điểm của cô An, anh Trần Thanh Toàn (công nhân Công ty môi trường Hà Nội, người phụ trách vớt rác, vệ sinh đang làm việc trên sông Tô Lịch) cho biết : “Sau khi đặt thiết bị công nghệ để xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch thì hiệu quả thấy rõ là mùi hôi thối giảm rất nhiều so với trước”.
Sau khiđược thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Nhật Bản, nước sông Tô Lịch đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể, ông Nguyễn Bá Thành thường xuyên ra đây hóng mát. |
Ông Nguyễn Bá Thành ( Đường Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội): “Mọi khi mùi hôi xông lên là đi qua đây bịt khẩu trang vẫn còn có mùi, nhưng bây giờ đi qua không còn mùi nữa. Tất cả người dân sinh sống ven sông này được cảm thấy hít thở không khí trong lành không bị ô nhiễm nữa. Nếu hệ thống này bị dỡ đi thì cuộc sống chúng tôi lại khổ sở vì mùi hôi thối mất”.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. |
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Theo tôi đây là công nghệ rất là tiến bộ. Các vi khuẩn có hại thì bị giảm đi, còn vi sinh vật có lợi tiếp tục phát huy chức năng của nó trong hệ sinh thái nước. Nó làm cho không còn mùi hôi nữa và nó giải quyết được các chất hôi, thối ở trong bùn mà từ lâu nay các công nghệ khác chưa giải quyết được triệt để”.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thả cá Koi sông Tô Lịch. |
Người dân sống hai bên bờ các dòng sông ô nhiễm bốc mùi hôi thối, có ước muốn nhỏ là mong sao xử lý được dòng sông không còn mùi hôi đang bốc lên. Do vậy, vấn đề cấp bách lớn nhất cần nhất điều gì thì ta làm trước, nếu vẫn tiếp tục tư duy kiểu "phải chờ đến khi nào có tiền xây dựng toàn bộ hệ thống tách nước thải từ nguồn, thu gom đưa về các Nhà máy XLNT tập trung thì mới là giải pháp căn cơ" và để mặc người dân sống cạnh các dòng sông ô nhiễm hàng ngày phải chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, phải hít thở mùi ôi thối bốc lên.
Và tiếng kêu cứu của người dân sống trong những ngôi nhà cạnh các dòng sông ô nhiễm biết đến khi nào mới hết?