Tái cơ cấu VNPT: Công ty mẹ đóng vai trò đầu tư tài chính
Tái cơ cấu VNPT: Công ty mẹ đóng vai trò đầu tư tài chính
Chuyển đổi theo từng giai đoạn cụ thể
Trong báo cáo chuyên đề về tái cấu trúc tập đoàn của mình, VNPT đưa ra những giai đoạn chuyển đổi tương đối khác nhau về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Công ty mẹ VNPT. Cụ thể, từ 2012 - 2015, Công ty mẹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, trực tiếp quản lý hạ tầng mạng trục, điều hành SX-KD những dịch vụ chủ lực, dịch vụ có lợi nhuận cao như di động, băng rộng, cố định và các dịch vụ giá trị gia tăng và đầu tư tài chính, gồm các công ty con do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Đồng thời, chuyển đổi VNPT các tỉnh, TP thành các công ty TNHH một thành viên có chức năng kinh doanh những dịch vụ cố định, di động, băng rộng và các dịch vụ giá trị gia tăng trên 63 tỉnh, TP…
Đến giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn này cho biết sẽ cơ bản hoàn thành việc "công ty hóa" hầu hết các đơn vị trực thuộc Công ty mẹ và chuyển đổi Công ty mẹ thành công ty chuyên thực hiện đầu tư tài chính. Trong mô hình tái cơ cấu, giai đoạn từ 2016, các công ty con 100% vốn Nhà nước của VNPT sẽ trực tiếp thực hiện tổ chức kinh doanh theo 3 lớp gồm: công ty hạ tầng mạng, công ty phát triển dịch vụ và các công ty kinh doanh. Như vậy, Công ty mẹ sẽ đảm nhận quản lý và đầu tư tài chính.
Trong giai đoạn này, VNPT cũng triển khai phương án cổ phần hóa Công ty mẹ VNPT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. VNPT cho biết, quá trình tái cơ cấu Tập đoàn với sự hình thành của các đơn vị SX-KD độc lập hoạt động theo mô hình các công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần, quan hệ với nhau trên cơ sở các hợp đồng kinh tế theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn thi hành…
Theo đề án tái cấu trúc, VNPT hình thành Tổng Công ty Hạ tầng mạng viễn thông VNPT - Net trực thuộc Công ty mẹ với chức năng, nhiệm vụ là phát triển, quản lý thống nhất, đồng bộ hạ tầng viễn thông, CNTT bao gồm đường trục trong nước và quốc tế, mạng băng rộng, mạng truyền số liệu, hệ thống qua vệ tinh VINASAT-1, VINASAT-2; thực hiện nhiệm vụ tối ưu hóa mạng lưới, đầu tư, xây dụng, khai thác, kinh doanh hạ tầng.
Ngoài ra, đề án cũng xác định lộ trình thoái vốn đến năm 2015 tại những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc không nằm trong lĩnh vực ưu tiên phát triển của VNPT. Với số vốn điều lệ là 72.237 tỷ đồng, tính đến 31/12/2011, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của VNPT chiếm 3,8% vốn điều lệ, trong đó, 2,5% là đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh chính, 1,3% là ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Tuy nhiên, mô hình này của VNPT sẽ phải trải qua quá trình thẩm định của các bộ ngành liên quan và trình Chính phủ phê duyệt.
Tái cơ cấu để phát triển
Trước đó, ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, mấy năm trước VNPT đã đề cập đến việc tái cơ cấu nhưng ngay bản thân Tập đoàn cũng chưa thấy điều này là cần thiết. "Năm 2011, VNPT đã phân chia, hạch toán thu chi từng đơn vị, đây là đòn bẩy để kích thích các đơn vị phát triển. Kết quả cho thấy, đa số các đơn vị đều có lợi nhuận tăng đáng kể và vượt chỉ tiêu đặt ra, trừ một vài đơn vị do chủ quan và có sức ì lớn nên lợi nhuận giảm đáng kể so với kế hoạch đầu năm. Với tình hình như hiện nay, nếu không tái cơ cấu thì VNPT sẽ không tồn tại", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Vũ Tuấn Hùng, các Viễn thông tỉnh, TP phải lần lượt hạch toán độc lập và chuyển sang mô hình Công ty TNHH một thành viên (đa số các Viễn thông tỉnh, thành có lợi nhuận sẽ được chuyển đổi vào năm 2012, số còn lại triển khai vào năm 2013). Hết năm 2014, tất cả Viễn thông tỉnh, TP sẽ hạch toán độc lập với tư cách công ty TNHH một thành viên. Khi ở mô hình Công ty TNHH một thành viên thì các đơn vị này được quyền chủ động cao hơn nhưng phải theo đúng định hướng của Công ty mẹ. VNPT sẽ tiến hành thoái vốn ở những lĩnh vực ngoài ngành, lộ trình này sẽ thực hiện xong vào năm 2014 ở tất cả lĩnh vực ngoài ngành.
TK/ICTnews