Tác giả qua đời, đơn vị làm sách “khó” trả nhuận bút
Trong phẩn thảo luận, nhiều đơn vị làm sách như: Nhà sách Thị Nghè, Công ty CP văn hóa Văn Lang, Nhà phát hành Alpha Books, công ty CP văn hóa Đông A…đều có chung quan điểm rằng “Rất khó để tìm đến chi trả nhuận bút, quyền tác giả trong trường hợp tác giả đã qua đời”.
Cụ thể như trường hợp của nhà sách Thị Nghè, nhà sách này đang gặp khó trong việc chi trả tác quyền. Đại diện đơn vị này cho biết: “Nhà sách đang muốn phát hành loại sách bán chạy của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và một số tác phẩm mang tên: Số đỏ, Đời thừa… của nhà văn Nam Cao”.
Trước khó khăn của các đơn vị, ông Nguyễn Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT và DL khuyến cáo, các đơn vị nên tìm đến người thừa kế hoặc người thừa kế thế hệ tiếp theo của tác giả để liên hệ mua bản quyền tác phẩm.
“Sẽ tìm được người thừa kế quyền tác giả nếu tác giả qua đời trong vòng 50 năm”, ông Hoan nói.
Không khí buổi tọa đàm càng trở nên sôi nổi với các tranh luận của các đơn vị, do vẫn không dễ tìm được người thừa kế tác quyền để mua lại bản quyền tác phẩm. Các đơn vị kiến nghị thành lập Trung tâm tác quyền.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm. |
Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc công ty Ybook của NXB Trẻ cho biết: “Khó khăn này có ở thực tế đi giao dịch tác quyền của chúng tôi. Trước khi Luật Xuất bản quy định các đơn vị liên kết được xuất hiện trên trang bìa thì cầm cuốn sách lên chúng ta không biết sách của ai. NXB thì nói sách liên kết. Hồ sơ lưu trữ cũng không có. Văn bản, hợp đồng các thứ… mất hết. Tức là cầm cuốn sách để biết được ai thực sự là chủ sở hữu bản quyền cuốn sách thì không tìm được hoặc là tìm rất khó khăn.
Bây giờ CNTT rất mạnh, đầy đủ chức năng để xây dựng một hệ thống tốt để tạo một nơi mà tất cả những chủ sở hữu của tác quyền, ví dụ như: Tác giả, người thừa kế, đồng thừa kế, mua tác quyền… đều có thể công bố những cái sở hữu tác quyền của mình lên đây.
Ý tưởng thành lập trung tâm chính là để khi cần, chúng ta có tìm kiếm thông tin về những cuốn sách nào thì đều có những cơ sở dữ liệu để tra cứu là cuốn sách này thật sự tác quyền của ai. Còn NXB thì chỉ là đơn vị cấp phép thôi. Mà có những NXB như NXB Cửu Long chẳng hạn, bây giờ những cuốn nào liên quan đến NXB Cửu Long thì liên hệ như thế nào, liên hệ với ai là một vấn đề, NXB giải thể rồi.
Làm sao trung tâm này có thể công bố tác quyền, có thể đứng ra giao dịch tác quyền, tư vấn tác quyền có lợi nhất cho tác giả”.
Ông Lê Hoàng, đại diện phía Nam Cục Xuất bản cũng đồng ý: “Với vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam thì trung tâm này Hội Xuất bản Việt Nam hình thành được về luật. Sớm ra đời được thì rất là tốt”.
Về phía quản lý Nhà nước, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT và DL nhận xét: “Ý tưởng của các đơn vị về trung tâm tác quyền cực kỳ hay! Phải chống xâm phạm tác quyền khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do. Trung tâm còn giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội khi tìm về bản quyền. Nhưng để đạt được thì rất mệt!”