Tác giả “Dạy con trong hoang mang” nặng lòng với quê hương, đất nước
TS Lê Nguyên Phương |
Trong giải sách hay của Quỹ Phan Châu Trinh vừa qua, có một cuốn sách đoạt giải trong hạng mục Giáo dục, là hai tập “Dạy con trong hoang mang” của tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người Việt ở Mỹ.
Dù sinh sống ở Mỹ nhưng ông luôn đau đáu hướng về quê hương. Sau khi nhận bằng cao học tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý học đường tại Đại học California State Long Beach, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là giảng viên bộ môn này tại Đại học California State Long Beach.
Từng là thành viên của Hội đồng điều hành của Hội Tâm lý học đường Long Beach và của Ủy ban Xét duyệt Nghiên cứu cho Giải thưởng Kỷ niệm Michael Goodman, thuộc Hiệp Hội Tâm lý học đường California; năm 2011, ông là người đầu tiên và cho tới nay là người duy nhất nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức lớn về ngành này là ISPA.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam vào năm 2009. Tổ chức này hiện nay là một tổ chức bất vụ lợi có đăng ký tại bang California Hoa Kỳ cho hoạt động quốc tế của mình với tên mới là Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc Tế (CASP-I). Ông vừa được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2015-2016.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trò chuyện với phóng viên về công việc mà ông đang nỗ lực hết mình theo đuổi hơn chục năm nay: phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực cho một ngành tâm lý học đường của Việt Nam, kể cả trong việc viết sách về giáo dục con em trong gia đình, như đã làm cuốn Dạy con trong hoang mang.
Nói về hành trình đóng góp cho quê hương, TS Lê Nguyên Phương khiêm tốn cho rằng chỉ đóng góp một phần cho công việc chung mà thôi. Các anh em ở trong nước vẫn đứng đầu sóng ngọn gió mà nỗ lực học tập nâng cao tay nghề, nỗ lực tích lũy kinh nghiệm để mỗi ngày có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cho phụ huynh, học sinh.
“Tôi về thấy một loạt anh em trẻ, trình độ tiếng Anh giỏi, tha thiết cầu học. Điều đó làm tôi rất mừng… Tôi qua Hoa Kỳ vừa mưu sinh mà vừa yêu nghề này nên mới theo đuổi học, chắc chắn sẽ không bằng các em toàn tâm toàn ý yêu nghề. Tôi tin tưởng vào các em.
Chỉ có điều các em đừng vướng quan niệm cây đa cây đề của Việt Nam, đừng nghĩ có cây đa cây đề nào mình không vượt qua, nhưng cũng đừng nghĩ có ngày nào đó mình sẽ trở thành cây đa cây đề. Vì khi đặt ra một mục tiêu là chính các bạn đã tự giới hạn các bạn. Chúng ta chỉ cần một định hướng để tiếp tục mà đi. Vui hưởng cảnh đẹp bên đường và đi càng xa càng tốt. Và thành công có nghĩa là mình đi trên con đường đó mà thấy hạnh phúc, vui vẻ, và ngày càng giúp được nhiều người xung quanh”, ông nhắn nhủ với thế hệ trẻ làm lĩnh vực tâm lý trong nước.
Nói về lý do hàng chục năm đi về Việt Nam làm việc, hầu hết trong số đó là do ông cũng như các chuyên gia trong tổ chức Liên hiệp tâm lý học đường thế giới tự bỏ tiền túi đi về, ông chia sẻ, làm việc ngoài tri thức ai cũng cần động lực.
“Ngày từ lần đầu về Việt Nam năm 2009 cùng các bạn tôi, tôi đã nói giỡn, là có 3 yếu tố để các bạn có thể có động lực để làm ở Việt Nam lâu dài: thứ nhất là niềm vui, thứ hai là thấy công việc của mình có ý nghĩa, thứ ba là cái lợi.
Tôi không dám nói là tất cả những người Mỹ đều có hội chứng Việt Nam, nhưng họ đều nghĩ về Việt Nam như việc có thế đóng góp được gì, và họ cảm thấy có một sự gắn bó nào đó, thay vì đi qua một nước Phi Châu thì về Việt Nam có một ý nghĩa nào đó. Trong tổ chức của tôi có hai giáo sư, cả hai nay đều đã về hưu, một là từng là cựu chiến binh Hoa Kỳ đóng ở Đà Nẵng và TP HCM, một từng phản chiến, chạy trốn qua Canada. Hai ông đều tham gia tổ chức của tôi để về Việt Nam. Có niềm vui, nhưng cũng thỏa mãn lý tưởng để phục vụ nhân quần của mình.
Nhưng cái thứ ba không thể thiếu được là cái lợi. Lợi có nhiều mặt lắm, đối với các GS đó, có thể là có việc hợp tác với một trường đại học, ở Việt Nam sẽ nghiên cứu thêm, với tính chất tâm lý quốc tế đa văn hóa. Có thể là một dịp ông ta khoe thành tích đối với các hiệu trưởng của họ. Nhưng không ai làm việc đó nếu phải móc tiền túi ra thường xuyên….Và những vị GS đó có thể giảng dạy 3 tiếng đồng hồ là 5000 USD từ những tổ chức quốc tế trả cho họ để tổ chức những khóa tập huấn, nhưng khi về Việt Namgiảng dạy hoàn toàn miễn phí, hoặc chỉ nhận 200-300 USD họ cũng vui vẻ”, TS Lê Nguyên Phương bày tỏ.
Với ông, quê hương luôn là nơi trở về. Ông bảo, “một ngày tôi cũng về hưu. Lúc đó chỉ còn là lo vấn đề sức khỏe và tài chính để còn về Việt Nam làm việc. Còn nhiệt tình tôi không nghĩ nó suy giảm chút nào”.
Bởi theo ông “không phải là mình lý tưởng hóa lòng yêu quê hương đất nước, mà tôi còn thích một đời sống năng động, gặp bạn bè cùng chí hướng… Mà về đây cái tình cảm giữa những người Việt Nam với nhau rất quý”.