Sự thật về “miếu vỉa hè linh thiêng” góc tường Văn Miếu (Kỳ 2)
Sự thật về “miếu vỉa hè linh thiêng” góc tường Văn Miếu (Kỳ 2)
> Tại sao nhiều người xì xụp khấn “miếu vỉa hè” góc tường Văn Miếu?
Những câu chuyện ly kỳ
Quyết tâm tìm hiểu đến cùng, PV đến đây vào nhiều thời điểm khác nhau và tìm hỏi nhiều người. Người thì kể lại “sự tích”, người thì cho biết chỉ nghe đồn 'miếu thiêng' thì mà không biết là thờ cái gì. Những những câu chuyện kỳ bí mà PV được nghe kể lại rất khác nhau.
Miếu thiêng ở vỉa hè nhìn khá "nhếch nhác". |
Theo lời kể của anh Quân (Ba Đình- Hà Nội) – người đã đi lễ nhiều năm ở đây, thì miếu đã có từ lâu, xưa có hai cô gái trẻ đi qua ngã tư này bị tai nạn tử vong, người dân lập bát hương thờ cúng gọi là Miếu Hai Cô. Nhiều người chơi cờ bạc tới đây cầu may đều được như ý nên miếu mỗi ngày một đông hơn.
Cũng gọi là Miếu Hai Cô nhưng chị Trang (chủ cửa hàng kinh doanh ở Đội Cấn- Hà Nội) lại kể khác: Chị đã theo lễ ở đó được 3 năm, nghe nhiều lời đồn là miếu thiêng và có từ lâu. Chị được nghe kể xưa kia ở đó là một gốc cây gạo cổ thụ, có hai cô gái trẻ chưa chồng chết ở đó. Rồi sau có người tới đây cầu tình duyên, không hiểu do trùng hợp ngẫu nhiên hay do miếu thiêng thật mà ít lâu sau cô gái chậm đường tình duyên đó lấy ngay được chồng. Tin đồn này lan đi và người ta tới đây rất đông để cầu may mắn. Sau khi nhà nước có các chính sách về việc giải phóng mặt bằng, mở rộng đường xá thì gốc đa cũ không còn nữa. Nhưng người dân vẫn quen lệ tới đây để cầu cúng.
Ông N.V.T thì có vẻ hiểu rõ hơn, ông kể lại rằng miếu này thực sự rất thiêng, cứ nhìn số lượng người tới đây lễ mỗi ngày là biết. Xưa kia có miếu thờ hẳn hoi nhưng không hiểu vì lý do gì mà bây giờ không còn nữa, chắc hai cô “giận” lắm. Ai đi cầu hai cô thì đều được việc, ai “báng bổ” thì coi chừng.
Cứ như vậy, chẳng có ai được chứng kiến tận mắt hai cô gái trẻ qua đường bị tai nạn như thế nào, chẳng ai biết hình thù gốc cây đa như thế nào nhưng người này vẫn truyền tai người kia về câu chuyện như thật ấy để tìm tới khấn vái tại 'miếu thiêng'.
Và đâu là sự thật?
Tìm tới vào ngày mùng 1 âm lịch, PV quan sát thấy số lượng người tới đây rất đông. Tiếp cận được với một người bán nước, PV đã được mời mọc mua lễ cúng, sau khi biết chúng tôi tới lần đầu, chị bắt đầu kể những câu chuyện linh thiêng về miếu như một bài học thuộc lòng. Chuyện kể rằng: "Có 2 cô gái chưa chồng đi đến đây bị tàu điện đâm chết, bình thường người ta vẫn để bát hương khu vực góc đường khi mới mất, người qua đường vẫn thường thắp hương cho cô. Sau đó có ai đó dựng tạm cái miếu tự phát ngay góc Văn Miếu cũ và khi quy hoạch Văn Miếu, bát hương đó được chuyển vào bên trong này để thờ"
"Ngồi xổm" khấn vái "miếu vỉa hè" |
Ngày 5/5 âm lịch (là ngày tết Đoan Ngọ), ngã tư này vẫn đông đúc, nhộn nhịp chẳng kém gì ngày mùng 1. Sau khi tác nghiệp được vài tấm ảnh, nhóm PV đã bị một bà chủ cửa hàng bán vàng mã “đe dọa” bằng những lời lẽ “mê tín”: “Hai Cô ở đây là thiêng lắm đấy, cứ chụp ảnh đi rồi ngày mai không biết thế nào đâu, đi ngay ra chỗ khác mà chụp. Thích chụp chỗ nào thì chụp, riêng ở chỗ thần thánh như thế này thì đừng có mà động tới...”.
Qua tìm hiểu thì ở đây chỉ có vài người bán hàng nước kèm đồ cúng lễ, và một người chuyên bán vàng mã. Vốn bỏ ra không nhiều nhưng thu nhập thì rất đáng kể bởi người mua chẳng ai đi “mặc cả” với thần thánh.
Một người chuyên đốt vàng mã (xin được giấu tên) cho biết, ngã tư này là nơi kiếm sống, anh ta ở đây để đốt vàng mã giúp những người tới lễ, mỗi chủ lễ lại cho một ít tiền và bình quân mỗi tối anh ta thu được ít nhất là 200 nghìn.
Khói đốt vàng mã, bụi trùm ngã tư vào những ngày có đông người tới lễ bái |
Thêm vào đó một lượng không nhỏ tiền lẻ từ việc cúng lễ không biết đã và đang "chảy" vào túi ai? Nhiều người sẽ đặt câu hỏi về lý do của việc "thêu dệt, tô vẽ" câu chuyện thêm phần ly kỳ, hấp dẫn.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đã gặp gỡ những bậc cao niên ở Hà Nội, rất ít người biết về câu chuyện "hai cô gái chết trẻ" ở đó. Một số người cao tuổi cho rằng, chỉ là trước đây tồn tại câu chuyện có người đàn ông ngoài 40 tuổi nhảy ra khỏi tàu điện đang chạy và chết ở khu vực đó. Người qua đường thấy thương cảm mua bát hương về đặt tại ngã tư này. Một thời gian sau không thấy bát hương nữa thì lại mọc ra một cái “miếu Hai Cô” huyền thoại... có hàng nghìn người tới lễ. Theo sử liệu cũng không hề có một sự tích nào ở Hà Nội nói về Hai Cô được thờ trong 'miếu thiêng' ở vị trí này.
Những câu chuyện ly kỳ kia không biết còn được thêm thắt những gì, nhưng có một điều chắc chắn rằng vỉa hè này sẽ ngày một đông hơn về những người tới lễ bái. Sự việc đã diễn ra từ rất lâu, đã có một số cơ quan lên tiếng và cũng đã có cơ quan chức năng dựng lan can, vận động người dân không tụ tập mê tín dị đoan nhưng vẫn không ngăn được việc cúng lễ như thế này. Nên chăng các cơ quan chức năng cần có hành động kịp thời, biện pháp giải quyết triệt để, ổn thỏa trả lại vẻ mỹ quan cho đô thị và nét đẹp cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trích Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010, Điều 18. Vi phạm các quy định về nếp sống văn hoá Tiết c, Khoản 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác. Tiết b Khoản 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã; |
Kỳ 3: Cơ quan chức năng nói gì?
Ngọc Trang- Hồng Chuyên