Sử dụng từ “hotgirl” là dung tục và chà đạp nhân phẩm người được đặc xá
Mấy hôm nay, báo chí tràn ngập những thông tin đặc xá. Tuy nhiên, nhiều báo "quá đà" khi ca ngợi một người phạm tội “chống người thi hành công vụ” trở về như sự trở về của một anh hùng, dày đặc và chi chít…
Có báo đặc tả cô gái xinh xắn với tiêu đề là "hotgirl" phạm tội hiếp dâm và nhắc lại quá khứ lỗi lầm của cô như một chuyện bình thường. Có báo đăng ảnh các phạm nhân nữ được đặc xá gọi họ là “những bóng hồng” y như một... ngày hội.
Đáng chú ý, có tờ báo còn đưa lên title dòng chữ “nữ sinh sát hại người tình” để nói về một nữ bị án được đặc xá. Hình ảnh và quá khứ lầm lỗi của nữ sinh năm ấy được nhiều báo khai thác đăng lên trang báo… như khoét sâu, đánh dấu cô gái ấy, để cô gái ấy không dễ hòa nhập với cuộc sống ngày trở về.
Tràn ngập thông tin khoét sâu quá khứ người được đặc xá |
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhắn nhủ: “Tôi thấy người ta đã cải tạo tốt, được Nhà nước đặc xá trở về với cộng đồng, báo chí đừng quay lại những chuyện cũ mà vì nó họ phải vào vòng lao lý. Hãy bao dung để họ được hoàn lương”.
Vẫn những dòng suy nghĩ đó, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp HCM). Là người từng ngồi ở vị trí xét xử và hiện nay chuyển sang làm luật sư, Luật sư Phạm Công Út có nhiều chia sẻ về vấn đề này.
Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TPHCM) |
Khoét sâu quá khứ chính là chặn bước hoàn lương…
PV: Thưa luật sư, nhân ngày Quốc khánh 2/9, Nhà nước đã thực hiện chính sách nhân đạo tha tù trước thời hạn với nhiều bị án. Tuy nhiên, báo chí lại đưa tin quá sâu, quá kỹ và nhắc lại quá khứ lỗi lầm của một số bị án. Theo quan điểm của luật sư, việc này có nên không?
Luật sư Phạm Công Út: Những người mắc phải lỗi lầm đến mức phải đi tù là một giai đoạn u tối của đời người, có khi những ngày đi tù đó là dĩ vãng không thể quên đối với người vướng phải vòng lao lý. Nếu báo chí khoét sâu thêm vào quá khứ đời tư không hay của họ thì có khác nào khơi gợi lại nỗi khổ tâm của họ, trừ khi được sự đồng ý đưa tin đời tư cá nhân hoặc hình ảnh cá nhân của họ công khai trên báo chí. Do đó, theo tôi, nhà báo nên cân nhắc cẩn trọng trước những sự kiện, hoặc thông tin có yếu tố đời tư, hình ảnh cá nhân, nhất là hình ảnh khoác chiếc áo tù của một người nào đó.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc khoét sâu quá khứ lỗi lầm của người được đặc xá là đi ngược lại tinh thần của hoạt động đặc xá, ý kiến của luật sư như thế nào?
Tôi cho rằng, những người tù từng mong đếm từng ngày để được đến ngày đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời và cố quên đi dĩ vãng tù tội. Việc đặc xá là chính sách nhân đạo, vị tha của Nhà nước. Nhưng nếu báo chí mô tả lại hành vi lỗi lầm của quá khứ họ thì không chỉ riêng những người được đặc xá, mà còn thân nhân, gia đình, họ tộc của người được đặc xá cũng khó có thể chấp nhận việc dùng chủ đề ca ngợi chính sách đặc xá bằng những ví dụ minh họa là hành vi của người từng bị đi tù, là thân nhân của họ.
PV: Theo luật sư, việc kể lại quá khứ lỗi lầm của những người được đặc xá có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình hòa nhập, hoàn lương của những người đã từng lầm lỗi?
Sức mạnh truyền thông trên mạng rất ghê gớm và lâu dài, có khi người bị đi tù nhiều năm không ai hay biết, nhưng khi được tha tù trước thời hạn thì hàng triệu cặp mắt nhìn vào người ấy thông qua báo chí trên mạng Internet. Người được đặc xá cố giấu đi quá khứ lỗi lầm để tái hòa nhập cuộc sống thì bây giờ, khi họ đã bị đưa lên mặt báo với thông tin, hình ảnh thì có khác nào báo chí cảnh báo cho những người sống quanh người được đặc xá cần phải cô lập anh ấy, cô ấy lại. Không khác nào chặn bước hoàn lương của họ.
Sử dụng cum từ “hotgirl” là chà đạp nhân phẩm những người được đặc xá
PV: Có những tờ báo chụp ảnh câu vew hình ảnh hotgirl rồi mô tả sự hoan hỉ của những người đã từng bị xã hội lên án như ngày hội, theo luật sư có nên không?
Sử dụng cụm từ “hotgirl”, bóng hồng có vẻ như ca ngợi sắc đẹp những nữ phạm nhân để đăng những hình ảnh cá nhân của họ một cách vô tư thì điều đó hàm chứa sự dung tục, suy cho cùng, đó là sự chà đạp về nhân phẩm người khác chứ có khen ngợi gì về những nữ phạm nhân ấy. Nhưng hiệu ứng của những cụm từ, những hình ảnh được khai thác ấy lại thu hút được lượng người xem đáng kể. Như vậy, có khi nhà báo đã bất chấp phận đời của những người khác để mình có được bài viết thu hút lượng người đọc đông đảo là một điều mà tôi cho rằng nhà báo không nên làm.
PV: Việc đăng nhiều hình ảnh như thế có vi phạm pháp luật không, thưa luật sư?
Bộ luật Dân sự bảo hộ quyền về hình ảnh cá nhân và bí mật đời tư của cá nhân, được quy định tại điều 31 và điều 38. Trong đó đã quy định rõ: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý” “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh” và “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”.
Như vậy, nếu những người được đặc xá bị đưa thông tin và hình ảnh ngoài ý muốn mà khởi kiện thì nhiều án tranh chấp dân sự có khả năng bùng nổ. Luật pháp sẽ phải bảo vệ quyền bí mật đời tư và quyền về hình ảnh của họ.
Nhà nước đặc xá, xóa án tích, báo chí cũng nên “xóa tiếng xấu” cho người lầm lỡ
PV: Một khía cạnh khác, trong luật ngoài đặc xá còn có xóa án tích (coi người phạm tội chưa từng phạm tội), nhưng với công nghệ hiện nay, khi những bài báo được đăng lên có tốc độ lan truyền khủng khiếp, lưu lại rất lâu, do đó việc hoàn lương của người đã từng lầm lỗi lại càng khó hơn vì những bài báo này. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước đặc xá, báo chí cũng nên chia sẻ, cảm thông và nên quy định thời gian xóa hình ảnh xấu về những người đã lầm lỡ. Ý kiến của luật sư thế nào?
Đúng vậy! Việc đặc xá chỉ là việc tha tù trước thời hạn, còn việc xóa án tích là người đang có tiền án khi được xóa án tích thì được pháp luật xem là không có tiền án nữa. Nếu một người không có tiền án thì họ cũng được luật pháp đối xử bình đẳng như các công dân khác. Nhưng khi bí mật đời tư, hình ảnh cá nhân của họ lan truyền trên mặt báo, nhất là báo mạng thì đời con, đời cháu họ sau này vẫn nhìn thấy “tiểu sử” không hay của cha, mẹ, ông, bà của mình trên mạng. Nhà báo nên tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, đừng lập "chiến tích" bằng thân phận của những người khác, hãy để họ giã từ dĩ vãng và làm lại cuộc đời. Nên xóa ngay những bài viết có yếu tố bí mật đời tư hoặc hình ảnh cá nhân những phạm nhân trong ngày đặc xá.
Xin cảm ơn luật sư!