Sự cố Sông Tranh 2 và mối nguy trách nhiệm
Sự cố Sông Tranh 2 và mối nguy trách nhiệm
EVN đã "phớt lờ" thiện chí nhà khoa học
- Thưa ông, tới thời điểm này chủ đầu tư dự án Thủy điện Sông Tranh 2 – Tập đoàn Điện lực (EVN) khẳng định là công trình đã an toàn. Có thực là như vậy?
Đến nay nguyên nhân cuối cùng xác định vì sao thân đập lại nứt lớn như vậy vẫn chưa rõ ràng thì không thể nói đã an toàn. Đáng nói, chủ đầu tư công trình – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi công bố phương pháp sửa chữa đập Sông Tranh 2 không hề đề cập tới việc tìm nguyên nhân mà chỉ lặp lại điệp khúc cũ: đập đã an toàn, chỉ có nước thấm qua khe nhiệt... EVN đã "phớt lờ" những lời đề nghị, thiện chí hợp tác tìm ra nguyên nhân của các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu khoa học độc lập thẩm định một cách kỹ lưỡng.
Còn cơ quan chủ quản là Bộ Công thương lại chỉ dựa vào kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nên kết luận đưa ra có phần chưa xác đáng.
Từ sự cố của thủy điện Sông Tranh 2 các chuyên gia cho rằng, đây là bài học lớn về quản lý đầu tư các công trình thủy điện tại Việt Nam |
- Nước vẫn chảy xối xả tại các vết nứt, nếu quá trình này kéo dài thêm sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới vùng hạ du? Cần phải làm gì để hạn chế nguy cơ vỡ đập, thưa ông?
Tại Việt Nam việc vỡ đập xuất phát từ nguyên nhân do các vết nứt trên thân đập đất đã từng xảy ra. Đối với đập xây dựng bằng phương pháp bê tông đầm lăn thì việc xuất hiện các vết nứt sau một thời gian thi công là chuyện bình thường. Thông thường các vết nứt này rất nhỏ, chỉ vài mm đổ lại nên việc khắc phục không có gì khó khăn.
Như trường hợp vết nứt tại Thủy điện Sơn La hiện nay chỉ 1-2 mm nên khắc phục dễ dàng. Còn sự cố vết nứt ở Thủy điện Sông Tranh 2 khá lớn, độ "nứt toác" rộng nên khắc phục sẽ khó khăn hơn nhiều.
Về nguyên tắc trách nhiệm kỹ thuật của đập khi để nước thấm chảy qua là không được phép. Đã là đập là phải ngăn được nước từ thượng lưu xuống hạ du và ngăn dòng thấm xuyên qua vật liệu dù đó là bê tông đầm lăn hay bê tông thường hoặc bằng đất, đá cũng vậy thôi. Nếu đập nứt, nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập.
Với độ rộng của vết nứt như hiện nay nếu để lâu sẽ ngày càng thấm lan rộng và lở dần các mảng bê tông, gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập. Cần xử lý khẩn trương và nghiêm túc, nếu không nguy cơ gây vỡ đập có thể sẽ xảy ra.
Bài học lớn về quản lý đầu tư
- Từ sự cố Thủy điện Sông Tranh 2, rồi thủy điện Sơn La đều đang gặp sự cố không mong muốn, sâu xa là sự phát triển quá tràn lan các công trình thủy điện dẫn tới hệ lụy như bây giờ, thưa ông?
Không thể phủ nhận ở đây có một phần nguyên nhân do quy hoạch và phát triển "nóng" các công trình thủy điện thời gian qua. Hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề quy hoạch. Quy hoạch không đúng, không chuẩn dẫn tới sai sót hay không thì cũng đã "an bài " rồi, các nhà máy thủy điện từ to đến nhỏ đều đã "có nơi có chốn" và đầu tư xây dựng hết cả. Do đó, lật lại bài toán quy hoạch không thôi, theo tôi chưa thỏa đáng.
Vừa rồi tôi có theo dõi cuộc hội thảo Phát triển thủy điện bền vững: Những bài học và khuyến nghị do Mạng lưới sông Việt Nam và đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức, một trong những nguyên nhân được đưa ra là do sự phát triển và quy hoạch thủy điện tràn lan dẫn tới những hệ lụy như bây giờ tại Sông Tranh 2. Nếu cuộc họp này tổ chức và đưa ra được nguyên nhân này cách đây 10-15 năm thì hoàn toàn chính xác vì lúc đó các nhà máy thủy điện chưa "mọc lên như nấm" . Nhưng tình trạng hiện nay đã xây dựng xong và vận hành, nguyên nhân cũng đúng nhưng không phải là tất cả.
- Ông cho rằng, quy hoạch thủy điện tràn lan không phải là nguyên nhân gây ra những hệ lụy như hiện tại. Vậy, cốt lõi vấn đề ở đây là gì, thưa ông?
Như tôi đã nói, quy hoạch là sự phân bổ chung của một công trình tổng thể, còn chất lượng công trình ra sao lại phụ thuộc vào chính những người tham gia xây dựng công trình đó.
Cái chính ở đây là bài học về quản lý đầu tư công trình xây dựng; trách nhiệm của những người tham gia xây dựng công trình đó: từ thiết kế, thi công, giám sát... Nếu không thẳng thắn nhìn nhận và nghiêm túc khắc phục cái "sai" này, thì sẽ còn nhiều công trình như Sông Tranh 2.
Với sự cố này, tôi khẳng định, không chỉ mất tiền của, thời gian và công sức để khắc phục, sửa chữa. Nó còn là bài học lớn trong quản lý, trách nhiệm đầu tư.
Trường Giang
thực hiện