Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất: Phải đặt ra nghi vấn phá hoại
Trước sự cố mất điện tại Đài kiểm soát không lưu ngày 20/11, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trong cuộc nói chuyện TS Tống đã nhiều lần thắc mắc về sự vô lý đến khó hiểu của việc “mất điện” này.
TS Nguyễn Thiện Tống. |
Tiến sĩ đánh giá sự cố này như thế nào?
Theo nguyên tắc, những gì cần điện liên tục thì luôn có một hệ thống tự động, nếu mất điện thì bật dự phòng trong thời gian ngắn. Đối với kiểm soát không lưu thời gian đó chỉ vài giây.
Như trường hợp vừa xảy ra tại đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất tôi thấy lạ quá, rất vô lý, không thể để chuyện đó xảy ra được, vì nguyên tắc phải dự phòng thì làm sao có thể mất điện được. Tại sao lại để điều đó xảy ra?
Tôi nghe nói khu vực này có hai nguồn điện dự phòng, tuy nhiên tất cả đều mất. Điều đáng lưu ý ở đây là tại sao thời gian mất điện lại lâu như vậy, trong khoảng thời gian hơn 1h đó là biết bao nhiêu trở ngại. Cục hàng không cần làm rõ lý do tại sao lại khắc phục chậm như vậy, từ đây sẽ hiện ra nguyên nhân liền.
Tôi cho rằng đây là lỗi của quản lý, cụ thể là quản lý kỹ thuật, nếu quản lý tốt thì không thể xảy ra chuyện này.
Ngành hàng không có một nguyên tắc an toàn là “fail-safe” (chế độ an toàn khi xảy ra sự cố), nghĩa là không thể nào hư được. Ví dụ như về động cơ máy bay thì phải có hai động cơ để phòng trường hợp một động cơ hỏng thì động cơ còn lại có đủ sức làm việc. Tương tự, ở đây chúng ta có ba nguồn điện.
Bây giờ họ nói đang điều tra, nhưng rõ ràng là thời gian qua họ đã thiếu sự kiểm tra. Nếu quy trình kiểm tra được tuân thủ thì khi có trục trặc phải có dự phòng, tại sao ở đây cả hai nguồn điện dự phòng đều không có?
Không chừng có gì đó mà họ không nói hết.
Liệu sự cố có thể xuất phát từ các nguyên nhân nào?
Hôm qua khi tôi nói về trách nhiệm quản lý, đã có người hỏi tôi “anh chắc không, biết đâu bị phá hoại?”. Theo tôi kẻ phá hoại có chủ ý nên rất khó phòng ngừa, nhưng chúng ta luôn luôn phải đề phòng. Trong tình huống này họ phải đặt ra nghi vấn phá hoại.
Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh điều này, phải nhanh chóng xác định ra lý do gì và xem đó là lý do khách quan hay chủ quan, trách nhiệm thuộc về ai, ở đâu và tương lai có thể xảy ra được không, biện pháp gì để tránh xảy ra. Nếu không nêu rõ sẽ khiến người dân suy diễn, gây hoang mang.
Một máy bay đang hạ cánh tại sân bay TSN. |
Liên quan đến hàng không, cuối tháng 10 vừa qua tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã xảy ra trường hợp hai máy bay dân sự và quân sự suýt đụng nhau, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Vấn đề ở đây là kiểm soát không lưu của dân sự và quân sự, khi tách biệt như vậy thì bên này không hiểu bên kia. Tôi cho rằng chỉ nên có đài kiểm soát không lưu cho cả vùng trời chung. Nếu cho rằng việc đó quan trọng thì để bên quân đội nắm quyền kiểm soát đó, như vậy sẽ thống nhất một đầu mối kiểm soát bầu trời, tránh trường hợp hai bên lệnh cho máy bay bay gần nhau như vậy.
Theo tôi nên gộp chung thành cụm cảng Tân Sơn Nhất – Biên Hòa, ở đây quân sự và dân sự sẽ phối hợp với nhau để khai thác cho hiệu quả bầu trời, vừa mang lại lợi ích kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Về nguyên tắc những sân bay lớn ở Việt Nam đều phải phối hợp quân sự và dân sự, do đó phải đặt ra vấn đề là những nơi này cũng phải thống nhất để điều hành.
Trước đó, vào lúc 11h05’ ngày 20/11, sự cố mất điện đã xảy ra tại Trung tâm quản lý đường bay dài (ACC) HCM khiến Công ty Quản lý bay miền Nam phải áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu. Hệ thống kỹ thuật tại ACC/HCM cũng được khắc phục từng phần. Đến 12h25’ về cơ bản đã khắc phục được sự cố. 12h40’ cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định, công tác điều hành bay đã trở lại bình thường.
Đánh giá về sự cố này ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục hàng không cho rằng: “Đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng”.