Sống trong "ổ chuột" giữa Sài Gòn hoa lệ
Sống trong "ổ chuột" giữa Sài Gòn hoa lệ
Tập trung nhiều nhất là tại khu vực ven các con kênh, rạch thuộc quận 4, quận 6, quận 7 và quận Bình Thạnh. Những khu “ổ chuột” này đang là nơi sinh sống của hàng chục ngàn con người với điều điều kiện vệ sinh cực kỳ tồi tệ.
Người dân ở đây đa phần là người lao động nhập cư từ các tỉnh trên nhiều miền đất nước. Ban đầu chỉ là những túp lều tạm bợ để che mưa nắng qua ngày, lâu dần để có đủ chỗ cho sinh hoạt, các hộ dân nơi đây đã tiến hành cơi nới bằng cách lấn dần ra mép các con kênh bởi những căn nhà dựng cheo leo trên những cột cừ, tràm, từ đó hình thành các “xóm nhà lá”.
Nhiều người hẳn sẽ không thể chịu được, dù chỉ một ngày tại các khu vực này, bởi quanh năm suốt tháng nơi đây luôn ngập ngụa trong rác rưởi, mùi hôi. Mùa khô, dưới cái nóng 37, 38 độ mọi thứ mùi như quyện lại, theo hơi nóng luồn lách khắp các ngóc ngách khiến cho không khí tại đây đặc lại đến ngạt thở.
Đến mùa mưa, mọi việc còn “kinh hãi” hơn khi sau mỗi trận mưa là hằng hà sa số rác rưởi, xác động vật chết… từ khắp các hang cùng ngõ hẻm lại theo dòng nước đổ dồn về, biến những nơi này thành thung lũng chứa chất thải. Tất cả chỉ chờ những tia nắng chiếu vào sẽ bắt đầu trương phình, sủi bọt, từ đó bốc lên một thứ mùi xộc vào khắp các hốc xoang khiến con người choáng váng.
Trong mùa mưa những nơi này còn đối diện với nguy cơ sạt lở khi những dòng nước liên tục thúc vào chân cột “như có người đang ôm vào đó mà lắc mạnh”. Thêm vào đó, hàng đàn ruồi, muỗi vẫn ngày đêm sinh sôi, nảy nở theo cấp số nhân rồi “hiệp đồng” cùng nhau tỏa rộng ra khắp các khu vực xunh quanh gieo rắc bệnh tật như trêu ngươi các đợt phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn.
Anh Lê Văn Thành cho biết: “Coi thấy nguy hiểm, ô nhiễm, nhưng rời ra thì biết bám vô đâu, nên ở riết rồi cũng quen”. Hiện tại gia đình 4 người của anh bao gồm vợ chồng và hai con đang ở trong một “căn hộ” được ghép bằng các tấm tôn, ván ép nhoi ra ven kênh Đôi (quận 6). Công việc hàng ngày của anh là chạy xe ba gác, còn chị Thu – vợ anh, thì bắc chiếc máy khâu sửa quần áo trước nhà, tuy vậy hai anh chị đều “nhất định lo cho các con ăn học”.
Chị Tú, sống tại khu vực Văn Thánh ngậm ngùi: “Mình thì sao cũng được, chỉ tội mấy đứa nhỏ, nhiều khi đi học mà quần áo cứ có mùi, dù đã dùng nước xả vải”. Nhìn vào đồ đạc trong nhà chị cũng đủ để thấy rằng lo được cho các con đi học đã là cả một cố gắng lớn của gia đình. Một chiếc giường kiêm luôn bàn học dành cho đứa con học lớp 4, vợ chồng chị sẽ nằm ngủ dưới sàn, một chiếc tivi, tủ quần áo “siêu gọn”, phía làm thêm ra bờ sông là nhà bếp, “kiêm” luôn nhà vệ sinh.
Tuy vậy chuyện cho con cái đi học đến nơi đến chốn tại những nơi này gần như là việc “hy hữu”, đa số học sinh tại đây đều chỉ học cho đến hết cấp 1, một số học tiếp lên cấp hai, và cứ thế rơi rụng cho đến đại học thì gần như không có. Dù rất muốn con đi học nhưng “lực bất tòng tâm”, họ đành cho con nghỉ học để phụ vào việc kiếm tiền.
Cũng chính vì sống trong môi trường bị ô nhiễm trầm trọng nên rất nhiều người dân tại những khu vực này liên tục bị mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết, trẻ em thì suy dinh dưỡng, tiêu chảy triền miên. Dù vậy, với mức thu nhập của những lao động sống tại đây thì việc nâng cao điều kiện sinh hoạt trong thời gian ngắn là điều không thể.
Cũng vì cái ngèo, cái khổ mà nhiều người nơi đây đã lao vào tệ nạn để rồi hủy hoại đi cả tương lai, cuộc sống của mình. Đây thật sự là một “nút thắt” khó gỡ, nhưng các cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết dứt điểm nếu muốn xây dựng một Thành phố hiện đại, văn minh.
Nguyễn Cường