Sốc phản vệ: Nỗi ám ảnh của bác sĩ, bệnh nhân
Ảnh minh họa. |
Bà Đào Thị L. (58 tuổi, trú tại thôn Nam Bình, xã An Hưng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) bị tai nạn xe máy dẫn đến trật khớp hông, và được đưa vào Bệnh viện Việt Tiệp để cấp cứu.
Đến 10h ngày 21/5, bà L. được đi gây mê để nắn lại khớp hông. Tuy nhiên sau đó bà L. bị sốc thuốc, tim có biểu hiện ngừng đập, hôn mê. Đến sáng ngày 24/5, bà L. tử vong. Người nhà của bà L. cho rằng lỗi của các y bác sĩ trong khâu gây mê dẫn đến bệnh nhân tử vong nên đã tập trung ở bệnh viện gây sức ép tới bệnh viện.
Sốc phản vệ không chỉ là ám ảnh của người bệnh mà còn là ám ảnh của cả các bác sĩ. Trường hợp của bà Nguyễn Thị L. trú tại An Bài, Quỳnh Phụ, Thái Bình là điển hình. Người thân của bà L. cho biết mấy năm trước bà mổ bướu cổ ở bệnh viện K, Hà Nội.
Khi chuẩn bị ra viện, y tá tiêm cho bà một mũi tiêm, sau đó nửa tiếng bà L. có biểu hiện mệt mỏi và hôn mê. Lúc này, gia đình phải đưa bà sang khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau hơn 1 tháng nằm viện bà L. mới tỉnh táo ra viện. Tuy nhiên, hậu quả của mũi tiêm do sốc phản vệ thì để lại cho bà L. rất nhiều. Từ khi ra viện, bà L. bị ảnh hưởng nghiêm trọng về trí nhớ và thần kinh.
Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai - admin diễn đàn bác sĩ nội trú cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong đột ngột trong vòng một vài phút, sau khi tiếp xúc với dị nguyên.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sốc phản vệ (thuốc, thức ăn, hóa chất, nọc côn trùng …), thuốc là nguyên nhân rất thường gặp. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê…
Triệu chứng của sốc phản vệ thường xuất hiện trong vòng vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Tuy nhiên, đôi khi phản vệ có thể xảy ra 30 phút hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc. Triệu chứng của phản vệ bao gồm: Phản ứng da: da nổi mề đay ngứa, và da đỏ rực hoặc tái nhợt (gần như luôn luôn biểu hiện với phản vệ).
Người bệnh có cảm giác ấm/bốc hỏa, nghẹn cổ họng, co thắt đường thở và lưỡi hoặc họng sưng nề có thể gây thở khò khè và khó thở, mạch nhanh và yếu, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Để giảm các yếu tố nguy cơ sốc phản vệ, các bác sĩ cho rằng trước khi quyết định sử dụng một loại thuốc, thực phẩm cần xem lại lịch sử cá nhân có sốc phản vệ. Nếu đã phản ứng phản vệ trải nghiệm một lần, nguy cơ có phản ứng nghiêm trọng này tăng lên. Phản ứng trong tương lai có thể nghiêm trọng hơn so với phản ứng đầu tiên.
Ngoài ra, cần xem xét trong gia đình có người đã bị sốc phản vệ, nguy cơ sốc phản vệ là cao hơn dành cho một người nào đó không lịch sử gia đình có người bị sốc phản vệ. Với người bị hen suyễn, cơ địa dị ứng cũng cần thông báo với bác sĩ.