Sốc phản vệ: Liều thuốc hay kẻ sát nhân?
Bệnh lý khiến bác sĩ "tái mặt"
Mới đây, trường hợp bệnh nhân đã bị tử vong tại một bệnh viện ở TP.HCM do sốc phản vệ trong quá trình gây mê. Theo các chuyên gia thì đây là một trong những tác dụng phụ của thuốc mà bất cứ ai cũng có thể bị.
Bác sĩ Trần Thanh Nho – Nguyên bác sĩ công tác Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô tâm sự, có một lần bệnh nhân đến khám ở chân. Vì bệnh nhân này bị một bệnh lý nhỏ ở chân cần làm tiểu phẫu. Lúc bác sĩ vừa tiêm một mũi thuốc gây tê tại chỗ để làm thủ thuật cho bệnh nhân thì bất ngờ bệnh nhân này bị ngất.
Lúc này, cả bác sĩ và người nhà đều lo lắng. Người nhà mới hoảng loạn nói rằng “bác sĩ giết con tôi rồi”. Mặc dù trước đó bệnh nhân nói cô không có dị ứng với bất cứ thuốc gì và bác sĩ đã thử phản ứng thuốc.
Nửa giờ sau, cô gái tỉnh lại cho biết mình sợ quá nên ngất chứ chẳng phải do tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ. Lúc ấy, các bác sĩ mới thở phào, tuy nhiên, trường hợp này cũng trở thành bài học để các bác sĩ cẩn trọng hơn mỗi khi sử dụng thuốc cho người bệnh.
Hàng ngày, tại các bệnh viện hầu như các bác sĩ đều gặp bệnh nhân bị sốc phản vệ, thậm chí cả sốc phản vệ từ truyền dịch. Sốc phản vệ nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong cho người bệnh.
Trường hợp của bệnh nhân Cao Văn D. ở Thanh Hoá, vào điều trị tại một bệnh viện tư trong tình. Không may mắn anh bị hôn mê sau khi được bác sĩ gây tê. Tình trạng khẩn cấp, các bác sĩ đã cố gắng hết sức để cấp cứu cho người bệnh. Mất cả giờ sau, bệnh nhân mới qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chuyên khoa gây mê hồi sức cho biết, sốc phản vệ có thể xảy ra với bất cứ ai. Với những bác sĩ làm gây mê hồi sức khi kết thúc một ngày làm việc, không có bệnh nhân nào bị sốc phản vệ thì ngày hôm đó các bác sĩ mới yên tâm được.
Bất cứ ai cũng bị
Bất cứ loại thuốc nào đều có tác dụng phụ, nhẹ thì phù nề, ngứa ngáy, nặng thì có thể bị sốc phản vệ ảnh hưởng tới tính mạng. Nhất là trong lúc gây mê các thầy thuốc phải kết hợp nhiều loại thuốc và hoá chất cũng như dụng cụ y tế thì nguy cơ càng cao.
Bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ, sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai mà trước đó không có tiền sử dị ứng thuốc hay với hoá chất, thức ăn. Một trường hợp nổi tiếng về sốc gây mê xảy ra năm 1998 với ông Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp đương nhiệm lúc đó. Ông này vào Bệnh Viện Val de Grace (là bệnh viện quân đội nổi tiếng ở Paris) để cắt túi mật. Ngay sau khi tiêm thuốc mê ông có biểu hiện suy tuần hoàn và hô hấp phải cấp cứu hơn 1h thì tim mới đập trở lại bình thường. Ông cũng phải trải qua gần một ngày điều trị với hô hấp và chạy thận nhân tạo mới thoát khỏi tình trạng hôn mê và cứu được mạng sống. Nguyên nhân gây nên sốc phản vệ sau đó được cho là do phản ứng phản vệ với thuốc làm mềm cơ.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc sốc phản vệ nguy hiểm vậy thì tại sao trước khi gây mê không thử test. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc làm test trước khi sử dụng thuốc cũng không có giá trị phòng ngừa được sốc phản vệ vì hiện nay không có một chuẩn mực nào về thử test. Các kết quả thử test thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả.
Hơn nữa,các trường hợp sốc phản vệ thông qua cơ chế miễn dịch lại không phụ thuộc vào liều lượng, chỉ cần một liều rất nhỏ thuốc đưa vào cơ thể cũng có thể làm bùng phát phản ứng miễn dịch dây chuyền và gây ra sốc phản vệ. Trên thế giới cũng như Việt Nam người gây mê hồi sức không làm thử test vì lý do trên mà việc quan trọng nhất là luôn sẵn sàng phát hiện, điều trị đúng và kịp thời.
Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế ban hành năm 1999 không còn phù hợp với phác đồ điều trị sốc của thế giới.
Bởi theo Bác sĩ Tuấn thì với cách tiêm thuốc đầu tay để điều trị sốc phản vệ là Adrenaline theo đường dưới da như trong phác đồ của Bộ Y tế đưa ra khiến cho thuốc khó ngấm nhanh vào mạch máu để phát huy hiệu quả chống sốc.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, với cách tiêm thuốc đầu tay để điều trị sốc phản vệ là Adrenaline theo đường dưới da như trong phác đồ của Bộ Y tế đưa ra thì thuốc khó ngấm nhanh vào mạch máu để phát huy hiệu quả chống sốc, làm mất thời gian vàng khi cấp cứu sốc phản vệ.
Với người làm gây mê hồi sức thì tiêm thẳng Adrenaline với liều nhỏ ngắt quãng vào hệ thống mạch máu khi có sốc phản vệ xảy ra đã thành quy định. Trường hợp chưa thiết lập được đường truyền tĩnh mạch thì có thể dùng tiêm bắp hay đưa thuốc vào khí phế quản qua ống thở (ống nội khí quản) hay qua khe sụn vùng cổ (màng giáp nhẫn). Phác đồ này đã được thống nhất trong điều trị sốc phản vệ trên toàn thế giới.
"Gần đây, Bệnh Viện Bạch Mai cũng đã áp dụng rộng rãi phác đồ này và thu được kết quả rất khả quan. Với các trường hợp xảy ra sốc phản vệ thì cơ sở y tế cần thông báo và ghi chép rõ ràng những loại thuốc, hoá chất, dụng cụ y tế nghi ngờ là nguyên nhân để cho các đồng nghiệp cũng như cho người bệnh, thân nhân để phòng ngừa sốc phản vệ xảy ra trong lần điều trị tiếp theo. Khai thác tiền sử dị ứng với các thuốc, hoá chất hay hỏi kỹ những biến cố nghi ngờ có sốc phản vệ trước đó là một việc làm bắt buộc trong quy trình khám trước khi gây mê của người làm gây mê hồi sức", bác sĩ Tuấn cho biết thêm.