Sở Y tế TPHCM kiểm tra đột xuất trường mầm non có trẻ mắc tay chân miệng
BS Nguyễn Hữu Hưng kiểm tra lớp Mầm 3, nơi có 2 trẻ mắc tay chân miệng |
Theo báo cáo của nhà trường, tại lớp Mầm 3 có 2 bé mắc tay chân miệng. Một bé được phụ huynh phát hiện sốt và dấu hiệu của bệnh khi bé còn ở nhà vào ngày 21/9 và sau đó đã báo ngay cho trường, đồng thời không cho bé đến lớp.
Cô giáo lớp Mầm 3 cho biết, sáng 24/9, cô phát hiện thêm một bé mắc bệnh. Khi đến trường, mẹ bé đã nhắc cô để ý vì bé hơi mệt. Do đã có 1 trường hợp tay chân miệng trước đó nên cô giáo theo dõi sức khỏe của bé rất sát. Đến khoảng 9h, bé bắt đầu sốt và kêu đau miệng, giáo viên đã gọi điện cho phụ huynh đến đón con đưa đi khám tại bệnh viện nhi đồng.
Ngay sau đó, nhà trường đã tiến hành vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B với liều lượng gấp 10 lần theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế tại lớp Mầm 3, đồng thời nhắc nhở các phụ huynh chú ý theo dõi sức khỏe của con, không gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho các phụ huynh khác.
Trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng |
Kiểm tra các lớp học, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhắc nhở các cô giáo đặc biệt lưu ý việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Phải khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng cho trẻ, nhất là giường cá nhân cho bé ngủ trưa, bởi đây cũng là một trong những vật dụng dễ lây bệnh cho trẻ.
Cũng trong sáng 28/9, Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra một điểm trông giữ trẻ gia đình trên địa bàn phường 1 (quận 10). Điểm giữ trẻ này hiện đang trông giữ 6 trẻ từ 24 – 26 tháng tuổi. Chủ nhóm trẻ cho biết, hàng tháng, phường đều xuống kiểm tra, nhắc nhở cơ sở thực hiện đúng các yêu cầu về vệ sinh, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Sở Y tế kiểm tra nhóm trẻ gia đình trên địa bàn phường 1, quận 10 |
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện TPHCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Đồng thời số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước đó. Trong số những ca bệnh nhập viện vào các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tại TPHCM, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, trong tuần 38 có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca).
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 – chủng vi rút đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước vào năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có TPHCM, trong những tuần gần đây.
Từ nhiều năm nay, phòng chống bệnh tay chân miệng là nội dung bắt buộc phải có trong kế hoạch phòng chống dịch chủ động hàng năm của thành phố và quận huyện, phường xã. Bên cạnh các hoạt động chăm sóc điều trị tại bệnh viện, việc truyền thông, điều tra dịch tễ và kiểm soát lây nhiễm tại cộng đồng luôn được triển khai.
Đặc biệt, Sở Y tế TPHCM luôn phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó kiểm soát bệnh tay chân miệng được đặt lên hàng đầu tại các trường mầm non, nhóm trẻ. Việc thực hiện hoạt động kiểm soát bệnh của các trường học cũng thường xuyên được Trung tâm Y tế quận huyện giám sát và định kỳ kiểm tra bởi các đoàn liên ngành của ủy ban nhân dân quận huyện tổ chức.