Sợ dân biểu tình, Keangnam không dám cắt thêm thang máy
Sợ dân biểu tình, Keangnam không dám cắt thêm thang máy
> Trận đấu cư dân và quản lý Keangnam: Phải 'đá' thêm hiệp phụ
Keangnam định tái diễn kịch bản cũ
Trước đó, vào trưa ngày 3/12, tại tòa tháp Keangnam, Hà Nội. Do bất đồng trong việc thu phí dịch vụ, phía Ban quản lý (BQL) tòa tháp cao nhất Việt Nam này đã đơn phương cắt hệ thống thang máy của hàng trăm hộ dân, buộc họ phải leo bộ lên nhà. Phía đơn vị quản lý tòa nhà, Công ty Keangnam Vina muốn thu mức phí dịch vụ là 18.843đ/m2/tháng; tuy nhiên mức phí này bị người dân sống tại đây cho rằng quá đắt và phi lý. Viện dẫn các quy định, họ chỉ đồng ý tạm đóng ở mức 4.000đ/m2/tháng theo qui định chung của thành phố.
Tranh cãi về giá thu phí và dịch vụ tại tòa nhà Keangnam đã diễn ra trong nhiều tháng nay vẫn chưa có giải pháp hợp lý. |
Để ép cư dân phải đóng phí dịch vụ theo mức mình đưa ra, công ty Keangnam Vina đã cho dán thông báo "đe" sẽ cắt cung cấp các dịch vụ, trong đó có việc sử dụng thang máy. Đến trưa ngày 3/12, BQL toàn nhà chính thức cắt thang máy.
Ngay lập tức cả trăm người dân Keangnam đã tụ tập dưới sảnh tầng tòa tháp A, phản ứng dữ dội. Hàng trăm tờ rơi được dán lên khắp nơi với các nội dung: "Chúng tôi phải được về nhà"; "hãy trả lại thang máy cho cư dân"; "dịch vụ thấp, giá trên trời"; "công lý ở đâu? sao Keangnam có thể làm vậy"....
Sau đó, cư dân Keangnam tiếp tục kéo về văn phòng BQL, đòi đối thoại với những "ông chủ" Hàn Quốc. Tại đây sự căng thẳng giữa hai bên được đẩy lên cao, khi những người Hàn Quốc có chức trách tìm cách né mặt, bỏ ra lối đi phía sau và bị người dân đề nghị quay lại.
Theo ông Trần Xuân Trạch, Phó ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam, cuối tháng 12/2011, công ty Keangnam vừa gửi bản thông báo đến các hộ dân trong tòa nhà cho biết chỉ bố trí 5 nhân viên vệ sinh quét dọn đối với 2 tòa nhà cao 48 tầng (quét dọn 1lần/ngày); không cung cấp dịch vụ thu dọn vệ sinh tại nơi thu gom rác thải của từng tầng; không bố trí lễ tân và chỉ có duy nhất 2 chốt bảo vệ cho cả 2 tòa nhà lớn.
Đặc biệt là BQL đã cắt giảm 10 trên tổng số 20 thang máy của 2 tòa nhà. Trong khi đó, ở tòa nhà cao tầng nhất Việt Nam (70 tầng) có 920 căn hộ với hàng ngàn người sinh sống này, việc di chuyển lên xuống hoàn toàn phụ thuộc vào thang máy.
Cư dân Keangnam biểu tình hụt (!)
Trong đơn kiến nghị, cư dân tòa nhà Keangnam đề nghị UBND TP Hà Nội có biện pháp buộc Công ty Keang Nam phải cung cấp các dịch vụ cơ bản của tòa nhà như đã thực hiện trước đây và phù hợp với Quyết định số 4520 mà UBND TP Hà Nội và Thông báo số 369 của UBND TP (ngày 16/12/2011) đã ban hành trước đó đề nghị trong lúc UBND TP thẩm tra giá thu phí tại tòa nhà Keangnam, đề nghị BQL tòa nhà giữ nguyên các dịch vụ cung cấp cho cư dân tại tòa nhà.
Cụ thể là giữ nguyên số lượng thang máy như thiết kế của tòa nhà và cung cấp các dịch vụ cơ bản về vệ sinh, lễ tân, bảo vệ và vận chuyển rác thải theo thiết kế của nhà chung cư.
Tại cuộc họp ngày 11/1, do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì cùng Công ty Keangnam Vina và đại diện Ban quản lý lâm thời cư dân Keangnam, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Keangnam Landmark Tower phải mở tất cả các thang máy phục vụ cho cư dân.
Ông Tuấn cũng cho biết, việc cấp bách trước mắt là chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị chung cư để thành lập ban quản trị. Đại diện Bộ Xây dựng và Sở Tài chính cũng thẳng thắn, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư phải bảo đảm điện nước, thang máy cho cư dân. Trước chỉ thị mở thang máy của Sở Xây dựng, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty Keangnam Vina chỉ ngồi im lặng.
Theo tin cập nhật của PV báo điện tử Infonet, tới sát thời điểm 15h sẽ cắt thêm thang máy, một số lượng lớn cư dân tại tòa nhà đã chuẩn bị sẵn băng rôn, biểu ngữ và tập hợp lực lượng định tiến hành biểu tình để phản đối. Trước tình hình đó, cho đến 16h chiều nay, dường như đã hiểu được sức nóng trong dự định biểu tình của cư dân nên BQL Keangnam vẫn chưa "dám" cắt thêm thang máy, vẫn duy trì tình trạng hoạt động một nửa số thang máy như đã nêu trên.. Về phía cư dân cũng đang căng thẳng nghe ngóng tình hình và chưa tiến hành biểu tình như đã định.
Báo điện tử Infonet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Xuân Hải