Smartphone: Vật thiết thân của nhà báo
Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả khai thác, sử dụng các tính năng của smartphone còn tùy thuộc vào từng phóng viên, nhà báo và tòa soạn.
Trợ thủ đắc lực của người làm báo
Ở mọi sự kiện lớn, họp báo hay các buổi phỏng vấn, không khó bắt gặp cảnh phóng viên, nhà báo dùng smartphone để tác nghiệp. Đơn giản thì dừng ở mức chụp ảnh, ghi âm, hoặc dùng để ghi chép, sửa chữa nội dung tin bài. Ở mức độ cao hơn là dùng các phần mềm chuyên dụng để xử lý tin, bài, ảnh, video và truyền thẳng về tòa soạn duyệt đăng.
“Xu hướng làm báo bằng điện thoại di động, smartphone đã xuất hiện trên thế giới nhiều năm rồi. Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu có. Đây là xu thế không thể cưỡng lại được, nó phù hợp với quy luật phát triển của các thiết bị công nghệ thông tin dành cho người sử dụng đặc biệt là nhà báo. Có thể khẳng định smartphone đã và đang trở thành vật thiết thân của những người làm báo”, ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam.
Nhiều chuyên gia, nhà báo khác cũng đồng tình với quan điểm nêu trên. Chẳng hạn, tại một khóa bồi dưỡng về “Kỹ năng sử dụng các công nghệ di động sản xuất video clip trong báo mạng điện tử” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Sử dụng các công nghệ di động để sản xuất tin bài cho báo chí là hướng hiện đại của báo chí ngày nay. Các công nghệ mới giúp các nhà báo đưa tin kịp thời và chính xác đến các độc giả một cách nhanh nhất”.
Phân tích một số lý do cơ bản để các nhà báo, phóng viên đều “lận lưng” smartphone trong quá trình tác nghiệp, ông Trần Bá Dung cho rằng “điểm cộng” đầu tiên là tính nhỏ gọn, độ chuẩn xác về hình ảnh, âm thanh cũng tốt, dù không thể tốt bằng máy ảnh, camera chuyên dụng nhưng thao tác ghi hình, ghi âm rất nhanh, thuận tiện, ai cũng có thể làm được (khi có một vụ việc xảy ra, nếu dùng máy quay truyền hình sẽ phải điều cả ekip gồm tài xế, máy quay, người đi quay..., nhưng nếu dùng smartphone thì chỉ cần 1 người và 1 chiếc xe máy luồn lách thật nhanh đến hiện trường).
Mặt khác, smartphone mang tính phổ thông, phổ biến nên khi phóng viên, nhà báo tiếp cận đối tượng phỏng vấn, quá trình làm việc cũng dễ dàng vì đối tượng được phỏng vấn có cảm giác nhẹ nhõm hơn.
Ngoài ra, phóng viên, nhà báo có thể dùng ngay smartphone để xử lý các thao tác nghiệp vụ, hoàn thành tác phẩm và chuyển về ngay tòa soạn được. Đặc biệt, còn một lý do khác nữa là việc dùng smartphone có thể đảm bảo an toàn hơn cho phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp điều tra (chẳng hạn, không bị lộ bởi ánh đèn flash của máy chụp ảnh).
Không khó bắt gặp cảnh phóng viên, nhà báo dùng smartphone để tác nghiệp. |
Công cụ làm báo thời công nghệ
Với sự tiến bộ nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, càng ngày điện thoại càng có nhiều tính năng ưu việt, hỗ trợ phóng viên, nhà báo tốt hơn trong việc sản xuất thông tin, với khả năng làm việc da dạng từ tin văn bản, hình ảnh đến video. Hơn nữa, gần đây, việc phổ biến 4G tại Việt Nam càng gia tăng khả năng kết nối và truyền tải dữ liệu mọi lúc, mọi nơi cho phóng viên, nhà báo dùng smartphone để tác nghiệp.
Nhiều công ty công nghệ cũng đã chú trọng nghiên cứu để đưa vào thiết bị smartphone những chức năng thuận tiện nhất cho việc tác nghiệp tại chỗ của người làm báo. Chẳng hạn, với phương thức kết nối Wi-Fi Direct, các thiết bị di động của Samsung có khả năng chia sẻ dữ liệu dung lượng lớn với tốc độ rất cao mà không cần môi trường liên kết trung gian (không cần Internet hoặc Wi-Fi). Dòng thiết bị Note cho phép phóng viên, biên tập viên ghi chú, sửa chữa những ghi chép khi cần duyệt những tin, bài trước khi gửi về toà soạn với sự trợ giúp của bút S-Pen.
Trên thị trường phần mềm, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ cho việc tác nghiệp bằng smartphone, bao gồm soạn thảo văn bản, chụp và xử lý ảnh, quay và dựng video, cũng trở nên phổ biến và rất dễ sử dụng.
Nói về vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến “Làm báo mobile” cách đây ít lâu, ông Hoàng Đức Long, Trưởng Phòng Chính trị - xã hội Đài truyền hình Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Hiện nay ở Việt Nam, chỉ cần một chiếc điện thoại mức giá 3 triệu đồng là có thể làm báo mobile với một chất lượng tạm chấp nhận được. Về những phần mềm sử dụng để làm báo, cơ bản thì có rất nhiều, chẳng hạn như phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản để tiết kiệm thời gian gõ văn bản. Riêng về phần mềm để dựng sản phẩm video thì tôi thấy 2 phần mềm phổ biến nhất là Imovie (chỉ cài được trên IOS) và Vivavideo (có thể cài đặt trên cả iOS và Androi)”.
Vẫn có nhiều nhà báo “gà mờ” về smartphone
Xác định rõ smartphone là vật bất ly thân của người làm báo, trong khoảng 2 – 3 năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các đơn vị phối hợp đã tổ chức một số hội thảo, tập huấn về làm báo bằng điện thoại di động. Trong đó có những lớp do Ban Nghiệp vụ tổ chức, có lớp do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội triển khai.
Nội dung tập huấn chủ yếu là cách khai thác các tiện ích trên smartphone; cách sử dụng phần mềm nào để có tác phẩm phù hợp với thiết bị di động; một số kỹ năng để khai thác thông tin cho phù hợp với thiết bị di động...
Trực tiếp tham gia tổ chức những lớp tập huấn như vậy, ông Trần Bá Dung thẳng thắn chia sẻ: “Trên điện thoại di động có rất nhiều phần mềm có thể hỗ trợ người làm báo, có phần mềm miễn phí hoặc mất tiền, như phần mềm xử lý ảnh tĩnh, ảnh động, chữ, video clip, hỗ trợ nhà báo, phóng viên sáng tạo tác phẩm theo ý của mình. Phần mềm ứng dụng được tải về điện thoại rồi nhưng việc sử dụng thế nào còn tùy thuộc vào sự nhanh trí, linh hoạt sáng tạo, năng khiếu và thói quen sinh hoạt của từng người. Cũng một bài tập, tình huống, nhưng có người làm rất nhanh, có người không biết làm. Vẫn còn tình trạng nhà báo, phóng viên chưa biết cách sử dụng tối đa các tiện ích của điện thoại di động”.
“Một điều quan trọng mang tính quyết định là kỹ năng khai thác thông tin cho phù hợp với việc làm tin, làm video clip trên thiết bị di động. Nhiều phóng viên, nhà báo vẫn cứ theo một thói quen lấy tài liệu để viết cho báo in, hoặc cố quan sát hình ảnh để ghi cho được hình ảnh như một máy truyền hình, như vậy thì không bao giờ làm được báo trên điện thoại di động.
Không thể dùng dao giết gà để đi mổ trâu. Kỹ năng phân tích tình huống, kỹ năng lấy thông tin, xử lý thông tin cho smartphone không phải ai cũng giống nhau. Mặt khác, hiệu quả làm báo bằng smartphone còn phụ thuộc vào thiết bị, người có iPhone đời đầu, người có iPhone đời mới, có người chỉ dùng Android...”, ông Trần Bá Dung phân tích thêm.
Theo quan sát của Báo Bưu điện Việt Nam, thực tế, trình độ tác nghiệp smartphone ở mức độ đơn giản hay phức tạp của phóng viên, nhà báo còn phụ thuộc vào sự đầu tư và triển khai ứng dụng mobile, smartphone của tòa soạn. Những tòa soạn xây dựng được hạ tầng, phát triển được các ứng dụng để việc sản xuất, biên tập và xuất bản thông tin bằng smartphone được áp dụng rộng rãi trong một mô hình tòa soạn điện tử hội tụ sẽ đáp ứng tốt yêu cầu tác nghiệp của các phóng viên, biên tập viên. Không ít tòa soạn ở Việt Nam vẫn chưa làm được điều này.