Sinh năm 1993, 'phượt' qua 25 nước
Đi để biết thêm những “góc tối”
Với Việt Trường, mỗi chuyến đi đều là một sự trải nghiệm vô cùng quý báu. Là đại sứ thiện chí cho tổ chức UNICEF, Trường được đến các nơi khó khăn của từng đất nước và gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh. Chính vì thế, cậu thấy được những hình ảnh thật nhất của đời sống người dân các nước này. Và Trường nhận ra, một miền đất tươi đẹp nào đó có thể không chỉ chứa đựng toàn những điều hấp dẫn dành cho khách du lịch mà còn có cả “góc tối” để khám phá.
Đi nhiều, Trường cũng học được rất nhiều điều từ người dân các nước từng đi qua, những con người hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với khó khăn, phải chật vật như thế nào để có cái ăn, cái mặc. Trường bảo, điều đó giúp cậu hiểu hơn ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị của tình cảm giữa con người với con người…
Phong cách “3 cùng”
Muốn cảm nhận những màu sắc khác nhau của cuộc sống, Trường đã lên kế hoạch “phượt” ở nhiều vùng đất xa lạ. Cậu không thích đi theo tour du lịch vì “không cảm nhận được cái đặc biệt của nơi mình tới” mà quan niệm: “Mình phải thật sự hòa vào cuộc sống của người bản địa, cùng làm những gì họ làm, cùng ăn uống những gì họ ăn, uống thì mới cảm nhận được hết sắc thái riêng và tinh túy của mỗi nước. Nếu không, dù có đi đâu cũng sẽ chỉ thấy nước này, nước kia đều có nhà cao tầng, hiện đại, công viên, quán ăn, xe cộ na ná như nhau”.
Trước mỗi chuyến đi, Trường chuẩn bị rất kỹ về nơi mình lựa chọn, những điểm đến, tình hình chính trị, mức độ an toàn, visa, chi phí, vé máy bay và khách sạn...
Trường không ngại đến những nước không nói tiếng Anh vì theo cậu như thế cũng có “cái thú riêng”. Tuy nhiên, mỗi lần như thế Trường đều phải tìm hiểu cuốn từ điển của ngôn ngữ để biết sơ qua những từ mình cần và tìm trên mạng những câu giao tiếp cơ bản cần thiết, tập nói để sử dụng. “Sẽ có người nói được tiếng Anh nhưng nếu không thì mình sẽ dùng chiêu thức cuối cùng mà vô cùng hiệu quả, đó là ngôn ngữ hình thể”, Trường dí dỏm.
Hành trình tìm lại bản thân
Trường bày tỏ: “Mỗi lần đến một nơi nào đó, mình đều cố gắng có một cái nhìn khách quan, mới mẻ và đa diện về văn hóa, con người và cuộc sống. Đó cũng chính là học cách tư duy, chắt lọc được cái hay từ nước bạn, hòa quyện với những gì mình đã có để làm mới và hoàn thiện bản thân”.
Ngoài ra, Trường cho rằng khám phá được thêm những khả năng mà mình sẽ không bao giờ thấy khi ở nhà và sống cuộc sống bình dị tại một nơi nào đó mỗi ngày cũng là những thu hoạch giá trị. “Nó giúp mình trưởng thành, tự tin và dạn dĩ hơn, đồng thời cảm nhận được cái thú không tên mà chỉ khi bạn đi du lịch mới hiểu được. Bên cạnh đó, du lịch khám phá cũng là một cách thư giãn sau những thời gian học tập căng thẳng”, Trường tổng kết.
Đến bây giờ, đã được đi rất nhiều nước nhưng cảm nhận của Trường vẫn như ngày đầu, rất hồi hộp và hào hứng được khám phá những vùng đất mới. Hai nơi Trường cảm thấy ấn tượng nhất là đảo Bali (Indonesia) và Hàn Quốc. Nền văn hóa Bali và đặc biệt là đạo Hindu rồi khu vực núi lửa Bali với sương mù và cảnh vật thay đổi liên tục đến choáng ngợp; con người đơn giản, thật thà và thân thiện đã gây ấn tượng mạnh đối với chàng trai trẻ.
Cho dù “phượt” nước ngoài hay trong nước, Trường cho rằng nó đều mang lại cho các bạn trẻ tư tưởng tiến bộ, mới mẻ và bổ ích. Ngoài ra, Trường đánh giá cao việc nhiều bạn trẻ biết kết hợp “phượt” với hoạt động thiện nguyện, bởi những chuyến đi ấy không chỉ là du hí đơn thuần mà nó còn là cơ hội để những người trẻ giúp đỡ và mang lại niềm vui cho người khác.
Tuy rất bận rộn với lịch học tập và làm việc dầy đặc nhưng trong năm 2013, Trường dự định sẽ làm một chuyến đi kiểu Mỹ: tự mình “lái xe” qua các thành phố và tiểu bang. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cố gắng khám phá thêm khu vực Nam Mỹ và đi sâu hơn các vùng châu Âu.
Trường quan niệm: “Hành trình của những chuyến đi không chỉ giúp ta khám phá những nền văn hóa mới và còn là hành trình tìm lại bản thân. Để khi trở về, chúng ta sẽ sống tốt hơn và biết rằng thế giới này thật đẹp biết bao nhiêu”.
Theo Sinh Viên Việt Nam