Sinh con sau nửa năm sau chưa thể 'yêu' lại vì chứng bệnh bà bầu hay gặp
Khi mang thai không chỉ mệt mỏi, đau nhức xương khớp, thì căn bệnh ám ảnh với các mẹ bầu đó là trĩ.
Tự ti vì trĩ
Chị Nguyễn Thị Hương – Trương Định, Hà Nội than thở chị sinh được gần 6 tháng và đến nay chị vẫn không thể gần gũi chồng vì bị sa búi trĩ từ khi mang thai tới sau sinh.
Chị Hương kể chị bị trĩ ở giai đoạn mang thai, khi sinh con, trong quá trình sinh thường phải rặn nên búi trĩ bị sa. Mỗi lần đi vệ sinh là cực hình đối với chị. Chị Hương phải mua các loại thực phẩm chức năng để nhuận tràng, nhưng sau sinh gần nửa năm, nỗi ám ảnh của chị vẫn chưa dứt.
Tự ti vì vùng kín xấu xí, chị không thể gần gũi chồng do không có cảm xúc, 'khô hạn'.
Chị Bùi Thị Ninh- 29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội mang thai tuần 35 cũng mệt mỏi vì bị trĩ. Hàng ngày chị Ninh lấy nước lá trầu, rau muống đun lên rồi ngồi xông cả tiếng để mong búi trĩ co lên.
Bác sĩ cho biết bệnh trĩ nặng quá và khi sinh chắc chắn phải sinh mổ, khó sinh thường được. Bản thân chị lại sợ dao kéo, nên những tháng cuối của thai kỳ ngoài lo lắng dịch bệnh bà mẹ này còn mệt mỏi, stress vì trĩ.
BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Phó trưởng khoa khám chuyên sâu Sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết bệnh trĩ gây nên do tình trạng giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn trực tràng.
Ảnh minh hoạ. |
Khi mang thai, tử cung lớn dần lên sẽ gây áp lực ngày càng nhiều lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến chúng giãn ra hoặc sưng lên. Nồng độ nội tiết tố progesterone gia tăng trong thai kỳ làm các cơ giãn ra, khiến các thành tĩnh mạch dễ bị phình lên. Đây cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng táo bón, bởi progesterone làm chậm nhu động ruột.
Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, làm tăng thêm gánh nặng lên tĩnh mạch. Bệnh trĩ ở bà bầu chiếm tỷ lệ rất cao và gây nên nhiều khó chịu, ảnh hưởng cho bà bầu.
Theo bác sĩ Thanh những vấn đề bà bầu hay gặp đó là gây ngứa và khó chịu nhẹ, đau đớn. Thậm chí có trường hợp mẹ bầu bị chảy máu trực tràng, đặc biệt là khi đi đại tiện. Trĩ lúc mang thai còn gây sinh khó do búi trĩ chèn ép, làm hẹp đường sinh thường. Nhiều trường hợp còn bị sa búi trĩ, gây ra các cơn đau khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phòng trĩ như thế nào?
Để phòng bệnh trĩ khi mang thai, mẹ bầu cần cố gắng nhớ quy tắc không để táo bón. Trong chế độ ăn tăng cường rau, củ, quả, các loại rau cải, súp lơ, dùng nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt để tăng cường nhu động ruột.
Người mang thai cần uống nhiều nước, trung bình khoảng 4 lít mỗi ngày. Hạn chế việc nhịn đi đại tiện khi có nhu cầu bởi có thể gây ra tình trạng táo bón, là nguyên nhân gây bệnh trĩ ở bà bầu.
Trong giai đoạn mang thai cố gắng vận động nhẹ nhàng, đi bộ, có thể tập các bài tập cho bà bầu. Những bà bầu phải ngồi máy tính nhiều cố gắng 1 tiếng đứng lên đi bộ 5 phút.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thanh mẹ bầu cần tăng cường thêm sữa chua trong chế độ ăn hàng ngày vì sữa chua rất giàu vi khuẩn probiotic giúp trị chứng táo bón, kích thích đường tiêu hóa và giúp mọi thứ di chuyển dễ dàng. Những vi khuẩn trong sữa chua giúp cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt quan trọng trong thai kỳ.
Nếu tình trạng táo bón kéo dài có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để tránh hiện tượng sa trĩ nặng và nhiễm trùng khu vực hậu môn. Không nên tự đắp lá khi bị trĩ, không sử dụng các bài thuốc dân gian có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Khánh Chi