Singapore cho phép giáo viên phạt học sinh bằng đòn roi
Tại Singapore, gần 40 tội danh - bên cạnh việc phạt tù - bắt buộc đi kèm phạt roi như giết người, hãm hiếp, buôn ma túy… Nam giới nhập cư trái phép vào Singapore hoặc ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày cũng bị phạt ít nhất ba roi.
Trong giáo dục, hình thức này cũng được áp dụng phổ biến tại các trường học và được cho phép trong Luật Giáo dục. Bộ Giáo dục cho phép các trường được toàn quyền xử lý kỷ luật hợp pháp đối với học sinh dựa trên bối cảnh của trường và trong một phạm vi, khuôn khổ nhất định. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra một bộ hướng dẫn cụ thể gửi tới các trường học khi áp dụng hình phạt bằng roi.
Theo đó, Bộ xác định danh sách những hành vi vi phạm nội quy cần phải phạt bằng roi và đưa ra các hướng dẫn về phương pháp để xử lý các vi phạm này. Chỉ có hiệu trưởng hay những người được giao có thẩm quyền xử lý vi phạm mới được áp dụng hình phạt này.
Một giáo viên phạt roi học sinh tại Singapore |
Theo một khảo sát của chính phủ, tính đến tháng 4/2017, 53% trường trung học và 13% trường tiểu học công khai trên website nhà trường sẽ áp dụng hình phạt này để phụ huynh có thể tham khảo.
Ngoài ra, các quy tắc này cũng sẽ được truyền đạt tới học sinh và phụ huynh thông qua sổ tay, trong các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên hoặc thông qua thư gửi cho phụ huynh.
Hình thức phạt này nhằm mục đích để học sinh cảm nhận được những đau đớn và nhận ra lỗi của mình. Khi thực hiện hình phạt sẽ cần một nhân chứng. Sau đó, toàn bộ thông tin về trường hợp bị phạt sẽ được lưu lại trong kho dữ liệu của hiệu trưởng.
Hình phạt này thường áp dụng với học sinh nam bằng một cây gậy nhẹ, phạt đánh trên lòng bàn tay hoặc trên mông (học sinh vẫn mặc quần áo). Phạt roi chỉ được sử dụng như phương án cuối cùng cho những hành vi nghiêm trọng.
Phụ huynh không có quyền khiếu nại hoặc có hành động chống đối lại nếu nhà trường áp dụng hình phạt này với con cái họ, trừ khi việc phạt roi không được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Ví dụ, hình phạt đó không được sự cho phép của hiệu trưởng hay học sinh bị đánh quá mạnh.
Tuy nhiên, nếu phụ huynh cho rằng bất kỳ hình phạt nào đó không chính đáng hoặc quá mức, họ vẫn có thể bày tỏ suy nghĩ của mình cho hiệu trưởng cũng như giáo viên thông qua thư hoặc trong các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên.
Singapore cũng đưa ra ranh giới giữa việc trừng phạt “chấp nhận được” và trừng phạt “quá mức”, là khi việc trừng phạt gây đau đớn hoặc tổn thương về thể xác không đáng có; gây tổn thương tâm lý hoặc sự phát triển của trẻ…