"Siêu" núi lửa sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử toàn cầu
Tờ IBT của Mỹ cuối tuần qua đưa tin cho biết, Quỹ Khoa học châu Âu (ESF) vừa đưa ra bản báo cáo có tên gọi “Những hiểm họa địa chất cực kỳ nguy hiểm: Giảm rủi ro thiên tai và tăng cường năng lực chống đỡ”, trong đó cảnh báo, thế giới hiện nay hầu như chưa có sự chuẩn bị cho khả năng xảy ra phun trào của các siêu núi lửa.
Núi lửa Tungurahua ở Ecuador phun trào ngày 29/5/2010. Các chuyên gia nói rằng đây là vụ phun trào núi lửa ở mức cao nhất trong 300 năm trở lại đây. (Ảnh: Getty Images) |
Chỉ cần bất kỳ một trong số các siêu núi lửa phun trào, hàng triệu người sẽ chết, và bầu khí quyển Trái đất sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng, thiệt hại sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng của con người, báo cáo cho biết.
Cũng theo báo cáo này, xác suất phun trào của siêu núi lửa Yellowstone ở Wyoming của Mỹ, có miệng rộng khoảng 55-72km, là 5% - 10% trong vòng 70- 80 năm, tức là có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn là Trái đất của chúng ta đang ở trong “mùa núi lửa” hoạt động. Nếu sự việc xảy ra, nó sẽ xóa sổ toàn bộ phía Tây của Mỹ và ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử toàn cầu.
Báo cáo khẳng định, dù hiện nay con số người chết do thiên tai, như động đất, gây ra trong vài thập kỷ qua vẫn cao hơn số thương vong do núi lửa. Nhưng thực tế, gây thảm họa cho toàn cầu chính là sự phun trào núi lửa. Tuy không thường xuyên, song tác động của nó sẽ lớn hơn nhiều, so với các trận động đất có cường độ mạnh nhất.
Các chuyên gia cảnh báo, chi phí khắc phục thảm họa, cũng như khả năng ứng phó với những sự kiện phun trào của siêu núi lửa sẽ vượt quá khả năng tài chính và chính trị của bất cứ quốc gia riêng lẻ nào. Nó là mối đe dọa đến cả Trái đất và sự sống còn của con người, nguy hiểm hơn nhiều so với động đất, chiến tranh hạt nhân, và đi kèm theo nó là sự nóng lên toàn cầu.
Trong lịch sử, đã có rất nhiều vụ núi lửa phun trào để lại những hậu quả khủng khiếp, như núi lửa Tambora ở Sumbawa, Indonesia khi hoạt động trở lại đã giết chết khoảng 100.000 người và tạo ra những đám tro bụi khiến nước này không có mùa Hè vào năm sau.
Hay vụ phun trào núi lửa tại Iceland đã ngay lập tức tước đi 10.000 sinh mạng. Sau đó, ảnh hưởng của nó đã xóa sổ 25% dân số nước này. 25.000 người chết ở Anh do khó thở và khiến thời tiết trên toàn thế giới trở nên khắc nghiệt hơn.
Theo TGVN