Shopee có thể bị phạt nửa tỷ đồng nếu còn cho bán 'bánh cần sa'
Cuối năm 2018, gian hàng Quantrum2011 đã đăng bán nhiều loại bánh, socola với "giá trên trời" ở nền tảng Shopee. Trong một nhóm kín Facebook có tên "VNN***tầng 1" với hơn 6.000 thành viên, nhiều bài đăng giới thiệu đây là các sản phẩm có nguyên liệu là cần sa với tác dụng "gây phê".
Đáng chú ý, các bài đăng giới thiệu công năng, tác dụng của loại "bánh phê" này luôn được gửi kèm liên kết đến gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee.
Trả lời việc này, đại diện Shopee cho biết đã xóa gian hàng và phối hợp với cơ quan công an để điều tra.
Kênh trung gian vận chuyển cần sa sẽ bị phạt tiền 2 triệu đồng
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật Phan Law, chất Tetrahydrocannabinol (THC) - một loại chất kích thích thần kinh có trong cần sa thuộc danh mục tại Phụ lục I. Tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2014, kinh doanh cần sa là hoạt động đầu tư bị cấm tại Việt Nam.
"Bánh cần sa" được đăng bán trên nền tảng Shopee và quảng cáo ở Facebook. |
Theo đó, khi tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán trái phép cần sa thì tùy vào tính chất, mức độ mà sẽ bị xử lý hình sự từ 2 năm tù đến tử hình theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, nền tảng mua sắm Shopee được sử dụng như một kênh vận chuyển, phân phối hàng hóa nên phía công ty có thể bị phạt tiền 2 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Khi đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn tiếp tục vi phạm thì lúc này Shopee sẽ bị xử lý hình sự về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy và mức phạt tiền lúc này có thể lên đến 500.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản công ty.
Shopee có bị phạt vì quy trình đăng ký gian hàng lỏng lẻo?
Hiện Shopee duy trì cách đăng ký tài khoản bán hàng khá đơn giản. Người dùng có thể đăng nhập bằng tài khoản Facebook, đăng ký số điện thoại, số tài khoản ngân hàng và bắt đầu tham gia bán hàng.
"Với quy trình đăng ký gian hàng trên Shopee chỉ cần số điện thoại và số tài khoản dẫn đến khi gặp sự cố việc truy vấn nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó khăn thì Shopee phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.
Lời giới thiệu về công dụng"gây phê" của loại bánh "phê" kèm liên kết Shopee. |
Theo luật sư, tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BTC có quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như sau: “Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các thông tin theo quy định".
Những thông tin này gồm: tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân/tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân; số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; mã số thuế cá nhân của cá nhân; số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
Việc không yêu cầu các thông tin khác ngoài số điện thoại và tài khoản ngân hàng khiến quy trình đăng ký gian hàng trên Shopee trở nên đơn giản hơn.
Tuy vậy, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, đối với hành vi không yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 triệu đồng.
Không đủ năng lực kiểm soát hàng hóa có được xem là lý do "phủi" trách nhiệm?
“Với lượng người tham gia kinh doanh và số lượng mặt hàng lớn và Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền/chức năng/nghiệp vụ cũng như không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là hàng giả/hàng nhái hay không, rất khó để có thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khi khách hàng đăng bán”, đại diện Shopee trả lời Zing.vn trước thông tin hàng giả, nhái xuất hiện trên nền tảng.
Theo Shopee, trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 37.3 của Nghị định 52 là của chủ gian hàng.
Hình ảnh "bánh cần sa" được người mua chụp lại, đăng vào nhóm kín để "review" cho người sau. |
Tuy vậy, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đây không được xem là lý do thỏa đáng để dung túng các sản phẩm trái pháp luật trên nền tảng thương mại điện tử của Shopee.
"Việc Shopee cho rằng họ không có đủ năng lực để kiểm soát các gian hàng không phải là lý do hợp lý để thoái thác trách nhiệm.
Bởi căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BTC và khoản 9 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BTC thì thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải có trách nhiệm ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật", người đứng đầu công ty luật Phan Law cho biết.
Cũng theo luật sư Phan Vũ Tuấn, một khi Shopee đã chấp nhận cho các gian hàng thực hiện việc mua bán hàng hóa trên nền tảng của mình để thu lợi nhuận thì phải có cơ chế quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
"Việc Shopee cho rằng họ không có đủ năng lực để kiểm soát các gian hàng không phải là lý do hợp lý để thoái thác trách nhiệm",
Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law.
"Việc này cũng đồng nghĩa, năng lực bạn có bao nhiêu thì bạn nên chấp nhận số lượng gian hàng phù hợp để có thể kiểm soát và quản lý được. Không thể, vì lợi nhuận bạn chấp nhận cho tất cả các gian hàng kinh doanh trên nền tảng ứng dụng của mình và khi gặp sự cố xảy ra thì bạn lấy lý do là không đủ năng lực kiểm soát để thoái thác trách nhiệm", luật sư Tuấn nói thêm.
Tại khoản 3 Điều 83 Nghị định 183/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì doanh nghiệp có thể bị phạt đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.