Shop TIN 7/4: Dân mếu máo thắng kiện quan. Tiễn Xinxing. Bị bắt do xui (!)
1.
MẾU MÁO ĐƯỢC THẮNG KIỆN
Một vụ án rất bé, ở một huyện rất xa, kiện về một vụ việc rất dễ...xử...Và cuối cùng, người dân thắng tuyệt đối quan huyện. Quan huyện thua tuyệt đối dân. Xong, tòa nhỏ nhẹ yêu cầu quan phải đền ngay cho dân tổng chi phí đi kiện là 4,2 triệu. Xong, tòa nghiêm khắc tuyên người dân phải nộp án phí 36 triệu. Cuối cùng, xúc động thay, tòa huyện công minh đã xử dân thắng quan và mếu máo thay, dân phải nộp một đống tiền. Xử thế này như có ý ngầm bảo, hỡi con dân, nhớ chưa, kiện đi, ta cho ngươi thắng một cách vẻ vang trên tinh thần..sạt nghiệp...
Vợ chồng ông Hòa sững sờ và mếu máo khi được tuyên...thắng kiện
+Trong đơn kiện, ông Hòa đòi bồi thường thiệt hại, tổng cộng 1,183 tỉ đồng các khoản thiệt hại về kinh tế, tổn thất tinh thần, chuyển phát bưu phẩm… Sau 2 lần hoãn tòa, ngày 6-4, phiên tòa được mở lại song đại diện UBND huyện Krông Pắk vắng mặt không có lý do.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX kết luận, hành vi thu hồi sổ đỏ của ông Hòa là trái pháp luật nhưng chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn. Tòa tuyên UBND huyện Krông Pắk bồi thường 14 ngày đi lại với mức thanh toán 150.000 đồng/ngày cho 2 người với tổng số tiền 4,2 triệu đồng. Thời gian nguyên đơn đi kiện khắp các nơi, thuê luật sư, tiền xăng xe đi lại… do nguyên đơn tự làm, tòa không bắt buộc và nguyên đơn cũng không cung cấp được chứng cứ liên quan gồm: chứng từ chứng nhận thời gian đi lại bao nhiêu ngày, nên tòa không chấp nhận các khoản bồi thường này. Do vậy, HĐXX tuyên buộc nguyên đơn phải nộp 36 triệu đồng án phí còn bị đơn phải nộp 210.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Thông tin ở đây:Thắng kiện UBND huyện 4,2 triệu, nộp án phí 36 triệu2.
TIỄN XINXING?
Phó Thủ tướng đã đồng ý trên cơ sở đề nghị của Hà Nội, dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu Xinxing của Trung Quốc, và để tiễn chân Xinxing, chỉ có thể là tổ chức đấu thầu lại với những yêu cầu mà Hà Nội đã nêu:
Đường ống nước sạch sông Đà số 1 vỡ 17 lần, buộc TP Hà Nội phải chỉ đạo Viwasupco xây dựng đường ống nước sạch sông Đà số 2 - Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
+Thứ nhất, tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện. Thứ 2, nghiên cứu kỹ về ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận nhân dân liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện. Thứ 3, thuê đơn vị tư vấn quốc tế có đủ năng lực thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng toàn diện của đoạn đường ống mẫu do nhà thầu cung cấp, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ mời thầu; lập quy trình kiểm định, nghiệm thu chất lượng vật tư từ giai đoạn sản xuất, thi công, đưa vào sử dụng lâu dài kèm theo các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, đánh giá. Thứ 4, sau khi tư vấn thực hiện đánh giá đạt kết quả, chủ đầu tư phải thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, các nhà chuyên môn và các nhà khoa học biết và ủng hộ; trường hợp kết quả không đạt yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư phải thông báo huỷ ngay kết quả đấu thầu.
Đọc ở đây: Chính phủ đồng ý dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc
3.
BỊ BẮT DO... XUI
Cán bộ ở trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu mà nhận hối lộ choàm choạp suốt ngày rộng tháng dài thế này thì đừng hỏi vì sao đủ thứ hóa chất, thực phẩm bẩn...cứ thế tung tăng nhào vào thị trường trong nước. Những người được nhà nước giao gác cổng mà ngoạc mồm ăn hối lộ thế này thì không còn gì để bình với luận.
Nghe tường trình của một doanh nghiệp:
Theo bà Thụ, DN bà nhập 5.000 tấn mì từ Campuchia về Việt Nam, phải làm 10 bộ tờ khai loại 500 tấn hàng nông sản, tổng 5.460.000 đồng/ 10 bộ. "Thế nhưng, theo "thông lệ" tôi phải chi 25 triệu đồng cho 10 bộ tờ khai cho Trạm KDTV. Số tiền gần 20 triệu đồng còn lại là phí “bôi trơn”, bà nói.
Ngày 25.3, bà chỉ nộp cho ông Huy 20 triệu đồng, và khẳng định “nộp bao nhiêu họ cũng lấy”.
“Người nhận tiền (cán bộ Trạm KDTV) thay phiên nhau nhận phí "bôi trơn" của DN, gặp người nào thì nộp cho người đó, chứ không chỉ có mỗi ông Huy là người thu. Hôm đó, ông Huy gặp xui nên mới bị bắt”, bà Thụ nói.
Bà Thụ thuật lại, tại thời điểm CA tỉnh Gia Lai ập vào bắt cán bộ Huy, số tiền 20 triệu đã nằm trong hộc bàn. Ông Huy hốt hoảng: "Tôi đâu có làm gì sai mà kiểm tra". CA nói rằng: "Chúng tôi đã theo dõi từ lâu, chứ không phải ngẫu nhiên mà ập đến kiểm tra, anh không phải thanh minh".
Đọc ở đây: Gia Lai: Bị bắt vì nhận phí "bôi trơn" 20 triệu đồng
4.
ĐƯỜNG TỈ ĐÔ THÀNH... ÁO VÁ
Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỉ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Sau 5 năm triển khai, ngày 21.9.2014, tuyến đường đã chính thức được đưa vào khai thác sử dụng. Đáng nói là chỉ sau ít ngày khánh thành, tuyến đường này đã xuất hiện các vết gãy, nứt, lún sụt.
Trong suốt hơn một năm qua, tuyến đường này liên tiếp xảy ra tình trạng hằn lún mặt đường, sạt lở ta luy… Anh Dương Văn Đông, tài xế xe khách chuyên chạy tuyến Mỹ Đình – Lào Cai bức xúc: “Chúng tôi phải trả tiền phí đường bộ cho đường cao tốc nhưng chất lượng đường thì lại xuống cấp, không tương xứng với số tiền chúng tôi phải bỏ ra. Nhiều lúc chạy xe trên những đoạn đường hằn lún rất dễ bị lạc tay lái, nguy hiểm”.Anh Đông cũng cho hay, đó cũng chính là một phần nguyên nhân dẫn tới việc thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến đường này.
Đọc ở đây: "Tấm áo vá" gần 1,5 tỉ đô la: Nội Bài-Lào Cai
5.
NGHỆ AN "YÊU"..HỔ
Vì thế mới dám cấp phép nuôi hổ cho người từng có hai tiền án về... buôn bán hổ. Dư luận bức xúc, tổ chức quốc tế bức xúc, báo chí bức xúc còn Nghệ An thì nghĩ gì?
+Cụ thể, bà Nguyễn Thị Liên, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm, vợ ông Phạm Văn Tuấn, đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh, Nghệ An.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV-Cơ quan quản lý CITES Việt Nam -Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) bày tỏ sự bức xúc: “ENV cho rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án tội phạm liên quan đến động vật hoang dã là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.
Cấp phép cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trong tương lai”.
Thông tin ở đây:Vợ trùm buôn bán hổ được Nghệ An cấp phép... nuôi hổ
6.
MÊ TO
Nói mãi rồi, can gián mãi rồi, phê phán mãi rồi, rằng như thế là những kỷ lục vô bổ và hoắng, nó phản văn hóa, thậm chí phản cả sự thành kính tâm linh, nhưng đúng là bệnh mê to rất khó chữa:
+Bên cạnh những sản vật đặc trưng vùng đất phương Nam, lễ vật được công viên Đầm Sen dâng cúng Quốc tổ năm nay còn có chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn, được gói và nấu tại công viên. Theo thông tin từ Đầm Sen, để gói chiếc bánh khổng lồ này cần 1.200 kg nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt heo, 300 kg lá chuối, 50 kg lá dong. 50 nghệ nhân sẽ cùng thực hiện gói bánh vào chiều 13.4. Bánh được luộc trong 70 giờ.
Đọc ở đây: Dâng bánh chưng 2,5 tấn trong ngày giỗ Tổ
7.
MỘT TIN NHẮN ỦNG HỘ ĐƯỢC 1M3 NƯỚC CHO DÂN VÙNG HẠN NẶNG
Với tinh thần sẻ chia kịp thời với đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Tây nguyên, một số tỉnh ở miền Trung và bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Kết nối yêu thương 3 - Nước cho vùng hạn, mặn, gồm các nội dung: tổ chức đêm nhạc quyên góp, ủng hộ đồng bào bị hạn và mặn.
Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, VTC và Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức chiến dịch nhắn tin: Mỗi tin nhắn - Một hành động tiếp sức đồng bào vùng hạn, mặn. Chương trình sẽ bắt đầu từ 0g ngày 7-4 đến 24g ngày 5-6-2016 với cú pháp: NC và gửi đến 1407, ủng hộ 14.000 đồng (tương đương 1m3 nước) sẻ chia với đồng bào.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong quý bạn đọc cùng đồng hành góp thêm giọt nước nghĩa tình gửi đến đồng bào trong cơn hạn hán và nhiễm mặn. Quà tặng có thể là tiền mặt, gạo, mì gói, đường, sữa, con giống; trang thiết bị chống hạn mặn, thùng chứa nước sạch... Tất cả đều là sự sẻ chia vô cùng quý báu. Toàn bộ số tiền, hiện vật quyên góp được sẽ ủng hộ cho đồng bào vùng hạn và mặn có hoàn cảnh khó khăn.
Thông tin ở đây:Nước cho vùng hạn mặn
ĐỌC TỪ FACEBOOK:
*Lê Lâm:
- Em bao nhiêu tuổi?
" Dạ em 6 tuổi "
- Nhà em và ba mẹ em đâu sao để em đạp xe đi lụm bịch như vậy?
" Dạ nhà em ở Bến Bình Đông quận 8 mẹ em bịnh không đạp xe nổi nên em tự đạp xe đi lụm bịch về mua thuốc cho mẹ "
- Tui nghẹn ngào với câu trả lời đầy ngây thơ của bé các bạn à, kẻ dư ăn người thiếu mặt, em nhỏ xíu mà ngày nào cũng phải đạp xe đi lụm bịch như vậy, đi ngang shop tui làm lần nào em cũng đứng bên hông chờ cho thì lấy chứ cũng không dám xin, cho vài ba cái bịch mà em vui lắm, cười te toét cảm ơn mấy chị.. Nhói
Các bạn đọc và Share rộng để mong em được giúp đỡ, 8h ngày nào em cũng đứng trước địa chỉ
(547 Nguyễn Trãi P7. Q5)
Tuổi ăn tuổi học mà vì hoàn cảnh em phải như vậy.. Thương lắm các bạn à! share giúp mình nha
*Nguyễn Thị Thảo (Mượt):
Chống thực phẩm bẩn là câu chuyện cần thiết. Nhưng, có vẻ, không ai trong cuộc chiến này muốn nhận diện thứ cần chống. Chuỗi cung ứng thực phẩm gồm nhiều công đoạn, không ai nói chống thực phẩm bẩn là chống cái gì, ngăn chặn sai phạm ở công đoạn nào. Họ chọn cách dễ dàng nhất là hô hào và chĩa mũi dùi vào ruộng rau của người nông dân, những người vất vả nhất, hưởng lợi ích ít nhất, yếu thế nhất trong số những kẻ tham gia vào chuỗi cung ứng phức tạp này. Nực cười hơn nữa là các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lí an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng đăng đàn phê phán như thể chính họ là nạn nhân.
Chống thực phẩm bẩn không thể bằng cách ra rả tuyên truyền các câu chuyện về lòng tham của người nông dân, không thể ra rả tuyên truyền phê phán về “rau hai luống”, “lợn siêu nạc” “chất độc bảo quản” và đổ lỗi đó xuống đầu những người nông dân khốn khổ. Không thể chống bằng cách reo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng trong từng bữa ăn của người dân bằng những hình ảnh như phim kinh dị, mà không nói cho họ biết phải bắt đầu từ đâu.
Tiêu chuẩn "chỉ thực phẩm trong các siêu thị mới là thực phẩm sạch", còn thực phẩm chỗ khác không an toàn, mà không có các số liệu khoa học là một sự đánh tráo trơ trẽn và bất lương.
Sự nhân danh, nó biến dạng thành công cụ để trục lợi và tiêu diệt nhau trong những cuộc tranh giành lợi ích, bất chấp những luận điểm mơ hồ đầy cảm tính nhưng mang nặng tính vị lợi. Nó phá vỡ những quy luật vận động của đời sống và để lại những hậu quả cực kì tai hại với hàng triệu người nông dân trên mảnh đất này.
Muốn chống thực phẩm bẩn - không khó.
Khó chăng là dám nhận diện đúng “kẻ thù” trong cuộc chiến này. Và mồm những kẻ đang gào lên mơ ước một ngày được ăn thứ thực phẩm sạch kia, trước hết - phải không bẩn.
*Cu Làng Cát:
Vừa nhận được cái bảo hiểm y tế cho năm 2016 mà thấy như này rầu quá. Sao bảo hiểm lại cho một thằng cu như tui thành giới tính nữ thế này?. Đi khám chắc bị bắt vô phụ khoa quá.