Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới

Đến với dân nhưng quan thực lòng tới dân hay chỉ diễn lấy màu mè, dân biết cả, màu mè thì nghe lời xu nịnh của cấp dưới ton hót, thực lòng thì nghe tận tai, rung tận tim những lời của dân...

Tôi có chút tò mò và thích thú theo dõi chuyến đạp xe dọc đường quốc lộ 1  trong chặng từ Hà Nội và Huế của ôngTed Osius Đại sứ Hoa Kỳ.

Người Mỹ rất giỏi truyền thông, quản lý rất tốt hình ảnh, dù là chuyến đạp xe nhưng có vẻ như nhiếp ảnh đoàn lại bám theo bằng ô tô và ghi lại được nhiều hình ảnh rất chân thực, hồn nhiên và mang tới nhiều thiện cảm.

Xem cái cách ông Ted Osius và đoàn đạp xe, dừng, ghé, gặp gỡ dân chúng, sinh viên,  chính quyền, doanh nghiệp, tham quan nhà máy, di tích lịch sử, tặng quà...và cái cách ông ấy viết cảm nhận trên facebook của mình, những dòng viết nhanh, cảm xúc, chân thành, đọc là biết ông ấy viết, tự viết...

Tất cả những điều đó nhiều quan chức nước nhà còn khướt mới đuổi kịp.

Tôi nhìn thấy ông Đại sứ không chỉ đã đến những nơi ông đến, hơn thế ông đã tới... Tới- hiểu thêm nghĩa sâu  hơn, là chạm vào được, hiểu được, chia sẻ được, cảm thông được những gì mà mình chứng kiến, mình nghe thấy.

Hãy đọc một câu cảm nhận của ông khi đi qua cầu Hiền Lương: "Hôm nay, trên cây cầu lịch sử Hiền Lương ở tỉnh Quảng Trị, tôi đã đứng tại đúng nơi tôi đứng năm 1996 sau khi Tổng thống Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ và khởi đầu "một thời kỳ để hàn gắn, một thời kỳ để xây dựng". 

Vào thời điểm đó, tôi thậm chí còn đang trong hành trình đạp xe dài hơn từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó, tôi gặp một phụ nữ đứng tuổi, người đã giải thích cho tôi bằng tiếng Việt rằng những gì trông giống những ao nước điểm khắp khung cảnh nơi đây là những nơi bị bom dội xuống, trong đó có cả ngôi làng của bà. Sau đó bà đã nói thêm một vài cụm từ thân quen nữa khiến tiếng Việt trở nên vô cùng gần gũi: "Hôm nay, chúng ta là anh chị em". Khi chúng ta thành thật với quá khứ, chúng ta có thể biến cây cầu mang tính biểu tượng này thành con đường dẫn chúng ta tới một tương lai tốt đẹp hơn cùng nhau...."

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 1
Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 2
Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 3
Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 4
Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 5

Ảnh lấy từ facebook của Ambassador Ted Osius

Quan chức nước mình cũng dày đặc những chuyến đi về cơ sở, đi đến nhiều nơi, nhưng bảo tới chưa, chắc chưa, không mấy người thực sự tới. Ngạc nhiên là, với hơn 30 năm làm báo, tôi lại thấy quan chức cấp cao, rất cao, từ lãnh đạo Chính phủ trở lên, nhiều chuyến về cơ sở lại có vẻ tới hơn, thực hơn, tận hơn, ngồi nghe chuyện dân kể, lội bùn vào tới khu vực dân bị bão lũ...xin dân luộc khoai sắn cho ăn... 

Xin đúng nghĩa đen- như vừa rồi tôi chứng kiến chuyến về Quảng Bình của anh Đinh Thế Huynh, lên xã Cự Nẫm, anh kêu đi đường xa đói, chín giờ tối vẫn chưa có hạt cơm vào bụng, xin bà con ai ở gần về luộc cho mấy củ sắn, hoặc khoai, chấm muối vừng...Và anh cùng anh em trong đoàn sau đó ăn khoai sắn cùng bà con ngon lành, rất chân tình...

Nhưng hiếm những chuyến như thế.

Hình ảnh các quan chức về với dân sẽ thế nào khi bên những cụ già, em nhỏ áo quần rách rưới, lạnh tím tái, ngôi nhà xiêu vẹo trong lũ cuốn... ngơ ngác nhìn cả đoàn các ông quan chức comple cavat, giày bóng mượt, tóc bóng mượt, lại còn có người che ô, lại còn có người mang theo ghế sạch cho sếp ngồi...

Nhưng đâu phải cứ chụp cái ảnh quan chức ngửi mùi nước bẩn, đi diệt con loăng quăng...mà gọi là tới dân, vì nó giả, không cần thiết, và diễn.

Hình ảnh quan chức nó còn hiện lên ở ánh mắt của các vị, ánh mắt nhìn người dân chia sẻ hay diễn, nó hiện ra cả.

Hình ảnh quan chức đến với dân chỉ có thực sự tới khi mà sau cuộc thị sát ấy, hoặc đồng thời với cuộc thị sát ấy là kết quả của sự chỉ đạo, là những quyết định tức thời, đôi khi những quyết định bé nhỏ thôi nhưng người dân cảm được sự chia sẻ thực sự, cảm được các vị quan tâm dân thực sự, vì dân thực sự, chứ không chỉ là cái bắt tay, cái gật đầu, dăm ba câu phát biểu rồi đi mất hút, đề xuất, nguyện vọng của dân lại như gió bụi vương lên cành cây, mất tăm tích.

Đến với dân thì cần tới, để nghe, để soát, để đối chiếu, để cân nhắc những gì đang diễn ra trong cuộc sống với những con chữ viết nhoay nhoáy trên giấy, để điều chỉnh, để ứng phó hiệu quả...

Đến với dân thì cần tới, vì dân chính là nơi để nghe, nghe cho chân thành thì mới có lời chân thành, thực lòng nghe thì dân mới nói, dân biết cả, dân đón quan cười cười, hồ hởi thế thôi, nhưng quan thực lòng tới dân hay chỉ diễn lấy màu mè, dân biết cả, màu mè thì nghe lời xu nịnh của cấp dưới ton hót, thực lòng thì nghe tận tai, rung tận tim những lời của dân, có chát đắng, có ngọt ngào, nhưng nếu lời dân không lọt trực tiếp vào tai các vị thì đừng có hy vọng thay đổi với lại đổi mới, chỉ là khẩu hiệu thôi.

Người dân thấy ông Bí thư Hội An Nguyễn Sự la cà ở cà phê hay "dòng dòng đạp xe" trên phố thì người dân mới níu tay, níu chân kể, than, mách, gửi lời chia sẻ. Chứ như cái ông chủ tịch huyện ở Thanh Hoá, ngồi xe đã đành, còn lắp cả còi hụ, thì cha mẹ sinh thành của ông này còn chết khiếp, nhảy tránh xa cho xe chạy, huống chi dân.

Bí thư thành Phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tới với dân, rồi còn hát hò với bà con- dù giọng ông hát rất dở...nhưng hoá ra chính vì ông hát dở mà vẫn hát nghêu cao với bà con thì đúng là ông đang tới, dân yêu mến cũng phải thôi:

“Ca sĩ” Nguyễn Bá Thanh hát cho dân nghe

Một trong những lý do anh Nguyễn Bá Thanh được dân yêu mến chính là anh biết cách, tìm cách, cố gắng mọi cách để...tới dân, tới bên dân, trong dân... 

SAU BÌNH CHỮA CHÁY Ô TÔ ĐẾN "QUYỀN TRƯNG DỤNG"...TẤT TẦN TẬT 

Nếu báo chí, chuyên gia, đại biểu quốc hội,  người dân, mạng xã hội không lên tiếng mạnh về cái quy định vô lối bắt buộc trang bị bình chữa cháy "củ khoai" trên ô tô thì giờ chắc CSGT đã xử phạt tùm lum rồi, nay thì coi như khuyến cáo, nhắc nhở chưa phạt...im ỉm thế này rồi cũng bỏ, đơn giản vì khi anh đưa ra một điều luật mà cuộc sống chối bỏ thì có ba đầu sáu tay anh cũng chả thực thi được. Đó cũng là một bài học.

Vì thực tế là sao, là chưa có chế tài kiểm soát bình cứu hoả, chất lượng bình cứu hoả, cũng chưa ai cam kết sẽ đền cho chủ xe nếu bình cứu hoả phát nổ...

Thì đây, ngay cả khi xe cháy, bình cứu hoả cũng chả làm nên trò trống gì: 

Ô tô cháy ngùn ngụt giữa cao tốc dù xịt 5 bình cứu hỏa

Nay thì thêm cái này, quyền cảnh sát giao thông được trưng dụng tất tần tật từ phương tiện xe cộ vi phạm đến giấy tờ, điện thoại.... Lãnh đạo Cục CSGT tuyên bố rất chi là ...trái luật: 

Cục CSGT: 'Cảnh sát được trưng dụng bất cứ phương tiện nào'

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 6

Vì sao nói trái luật, vì để trưng dụng tài sản công dân nó phải theo luật, chỉ có cấp chủ tịch tỉnh, bộ trưởng mới ra quyết định trưng dụng, và họ không được phép uỷ quyền. 

Với phương tiện vi phạm... lâu nay CSGT vẫn thu giữ rồi, quy định thế rồi, nhưng đó là vi phạm thực sự, còn theo tuyên bố này rất dễ mở đường cho CSGT tha hồ viện dẫn để trưng dụng, đặc biệt, tôi tin rằng, cái mà CSGT mong muốn trưng dụng nhất là máy điện thoại, vì nó mà nhiều chú mặt sưng mày sỉa, thậm chí bị kỷ luật, bị truy tố, bị đuổi... chỉ vì dân ghi âm, dân ghi hình...

Nhưng không dễ trưng dụng lung tung lang tang vậy đâu.

Hãy đọc thêm bài báo này để  hiểu cho rõ hai chữ trưng dụng tài sản của dân:

CSGT trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức: Luật quy định thế nào?

Cho nên cái gì cũng phải thận trọng khi soạn thảo thông tư, cảm thấy làm thế là đi đến được sự nghiêm minh của luật, nhưng hoá ra vẫn chưa tới...

NẾU KHEN LÀ NHỜ CHÚNG TÔI, BỊ CHÊ LÀ ĐỔ CHO DÂN... ĐỒNG THUẬN

Hôm qua, Shop TIN có làu bàu việc huyện nghèo Hiệp Đức (Quảng Nam) vừa chi 1,1 tỷ đồng để xây cổng chào nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. 

Làu bàu là vì dân còn nghèo, còn thiếu đói, còn quá nhiều nhu cầu kinh phí để lo hoạt động, nghèo thì đừng đua theo hình thức, nó chối, nó vô duyên, nó phản cảm. Chỉ làm cho dân ngứa mắt, dân chửi cho thôi.

Nhưng ngay lập tức, khiếp, nhanh ghê, giá như trả lời khiếu nại dân cũng được các quan trả lời nhanh thế này thì tốt quá, nhưng trời ạ, lại trả lời thế này cơ: Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, cho biết huyện Hiệp Đức đã thành lập 30 năm nhưng chưa có cái cổng chào nào trong khi các huyện khác trong tỉnh đều đã có nên người dân “rất có nguyện vọng”. 

Biết tính các quan vẫn hay xoen xoét khi gặp sự cố, tôi bày cho các nhà báo, lần sau viết phản ánh, bài đầu khen phát đã, kỳ 1: Huyện Hiệp Đức rực rỡ một cổng chào...ví dụ thế, rồi phỏng vấn lãnh đạo, phỏng vấn theo ý khen, ôi  tuyệt quá, cổng thế mới gọi là chào chứ, nhất huyện anh, phải hoành thế thì huyện mới nở mặt nở mày lên  được, thấy cổng chào huyện thế này bà con cô bác tha hồ phấn khởi  anh nhỉ, anh nhỉ, anh nhỉ? Hôm sau kỳ 2: Cổng chào hoành tráng, lãng phí và hình thức. Bắt đầu là dân than thở, dân mắng, dân dẩu mồm chê....

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 7

Tôi chấp nhận chịu phạt mấy gánh khoai lang cho vụ toàn dân "rất có nguyện vọng" này.

Dân có nguyện vọng… xây cổng chào tiền tỷ?

MỘT BÀI VIẾT HAY TRÊN BÁO ĐẤT VIỆT

Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết cảm nhận trên facebook: Làng báo hai năm trở lại đây nổi lên cây bút Mi An của báo Đất Việt, hình như là cây bút nữ? Một cây bút luôn chọn đúng vấn đề cần lên tiếng, kể cả vấn đề bị coi là nhạy cảm. Cây bút Mi An sắc sảo thông minh nhưng lại nhẹ nhàng tinh tế. Rất đáng quí.

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 8

Sau khi mô tả cảnh rất đau về một lớp học của các cháu mầm non bên chuồng trâu, tác giả Mi An kết bài:" Giá như có một phép màu, tôi ước sao tất cả những số tiền, quà mà người ta đi biếu tặng cấp trên dịp Tết biến thành kinh phí xây dựng trường cho trẻ vùng cao thì tốt biết mấy. Ở dưới xuôi người ta vẫn tìm ra tiền, rất nhiều tiền để mua quà đem biếu cấp trên, còn ở miền núi cao, bọn trẻ sao mà khổ thế. Biết bao nhiêu công trình to rộng hoành tráng ngàn tỷ trăm tỷ được xây dựng với lý do: “làm đẹp bộ mặt địa phương”, “khẳng định vị thế địa phương” rồi có thể sau đó, chúng chỉ là những viên gạch trốc lở, những công trình bị bỏ hoang, xuống cấp. Còn một ngôi trường ở vùng cao cho bọn trẻ mẫu giáo thì sao mà khó khăn, 5 năm rồi vẫn không có..."

Lớp học bên chuồng trâu, Hà Nội cấm tặng quà

HOA TƯƠI Ở TRƯỜNG SA

Với riêng tôi, thông tin này rất phấn khích và cảm xúc. Nó không chỉ đơn giản là hoa.. tươi, điều mà ở đất liền hay trong ý nghĩ chúng ta, chả ai còn quan tâm. Ở cái nơi khắc nghiệt thời tiết và chắt chiu từng giọt nước, còn cả giàn phong lan thế này thì đúng là rất đặc biệt. Nó cũng không đơn giản chỉ là một nét sinh hoạt vào đời sống...cao hơn thế, nó còn là chỉ dấu của một sự bền vững, dài lâu, chắc chắn cho cuộc sống, cho ý chí bảo vệ sự trường tồn chủ quyền của Tổ Quốc ở Trường Sa.

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 9

Lan Đen-rô trồng trong nhà lưới ở Trường Sa Lớn

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 10

Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây chăm sóc hoa

Muốn thêm lời khen tặng cho nhà báo viết phản ánh thông tin này có sự nhạy bén của nghề.

 +Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, thời gian gần đây, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng được nâng lên rõ rệt qua nhiều dự án đã và đang được triển khai. Những giàn hoa lan, hoa giấy, những luống hoa thạch thảo, mười giờ… đang khoe sắc ở Trường Sa Tết này là kết quả một dự án do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai 3 năm qua. 

Năm 2012, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam triển khai dự án sản xuất thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa, gồm 2 giai đoạn. Hiện dự án đang tiến hành giai đoạn 2, từ  năm 2015 đến 2016. 

Tết này, Trường Sa có hoa tươi 

TÔI THÍCH BÀI PHỎNG VẤN NÀY CỦA VIETNAMNET 

Cuộc trò chuyện giữa nữ nhà báo Hoàng Hường ( cô này xinh) với KTS Lý Trực Dũng:

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 11

+ Có một vấn đề sống còn của đô thị Việt Nam là xe máy. Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân và có tới  40 - 45 triệu xe máy. Có lẽ không một nước nào trên thế giới có số lượng xe máy nhiều như ở ta. Trung bình 2 người dân Việt có một xe máy.

Một thực tế không thể phủ nhận, xe máy đã làm thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế xã hội của Việt Nam và trở thành phương tiện giao thông quan trọng nhất của người dân. Cho tới nay, xe máy gần như nhân tố sống còn của người dân và nền kinh tế Việt Nam. Hàng ngày cả chục triệu người sử dụng xe máy lưu thông trên các tuyến phố. Tôi dám khẳng định, nếu không có xe máy, chỉ trong một tuần toàn bộ nền kinh tế VN sẽ sụp đổ. Ý kiến bỏ/cấm xe máy hiện nay là bất khả thi, nếu không nói là đề xuất vớ vẩn.

Giao thông không theo trật tự, nghẽn tắc là hệ quả của lỗi hệ thống kéo dài từ hàng chục năm nay, chứ không phải lỗi của người dân.

“Kinh tế VN sập nếu không có xe máy 1 tuần”

"CÂU TRẢ LỜI NÀO CÓ DỄ DÀNG CHI..." 

Như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời nào có dễ dàng chi....

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 12

Thông tin rất ấn tượng:

+Năm ngày sau lễ khởi công xây dựng dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, chính phủ Indonesia quyết định tạm ngưng hợp đồng do phía Công ty phát triển đường sắt của Trung Quốc không nộp đủ các giấy tờ cần thiết. Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Ignasius Jonan hôm 26-1 xác nhận ông đã từ chối cấp phép xây dựng cho nhà thầu Công ty phát triển đường sắt PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) vì không nộp đủ giấy tờ liên quan đến dự án nói trên. Hai bên đang tiếp tục thảo luận về một số vấn đề vướng mắc để đảm bảo dự án không trở thành gánh nặng đối với Jakarta.

Indonesia ngưng dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 13

Trung Quốc hỗ trợ hàng loạt các dự án đường sắt của Việt Nam

Cũng thời gian này, nhân dân tỏ thái độ lo lắng khi có vẻ như nhà nước đang rất mặn mà với một số dự án xây dựng đường sắt do Trung Quốc khởi xướng, cho vay và...thầu xây.

Chả hiểu sao, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT nước ta lại hết sức hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng một cách tinh tướng thế này:

+Về vấn đề nếu Trung Quốc đầu tư nhiều Việt Nam sẽ bị phụ thuộc, theo ông Đông, thời điểm này chưa nên nói đến việc phụ thuộc.

Nếu Trung Quốc hỗ trợ dự án nào thì chúng ta vẫn tiếp nhận, sau đó nghiên cứu, hiệu quả thì chúng ta làm, còn không thì cũng không ai có thể ép buộc. Đừng nên đặt quá nhiều giả thiết khi chưa làm bất kỳ dự án nào, cứ tận dụng nguồn vốn hỗ trợ và thực hiện từng bước một, chậm nhưng phải chắc.

Trước đó, TS Nguyễn Xuân Thủy từng nhấn mạnh: "Việc xây dựng phải được tính toán kỹ, nếu chưa hiệu quả thì phải xem xét lại, đến năm nào sẽ làm, chứ không thể được hỗ trợ nghiên cứu đề án là phải làm ngay.

Việc xây dựng hàng loạt các tuyến đường sắt tốc độ cao là viển vông, không thực tế, không hiệu quả, không khả thi.

Tôi nghĩ, chúng ta nên lui lại đến năm 2025 – 2030 thì hãy nghiên cứu các đề xuất này. Cho nên, đây cũng không phải cơ hội tốt để Việt Nam phát triển đường sắt, nó chỉ là bản dạo đầu, một bài toán rất dài mà chúng ta phải đưa lên bàn cân".

Trung Quốc giúp xây đường sắt: Người dân đừng lo nhiều

 Hôm nay trên facebook:

*Hoạ sĩ Nhím: 

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 14

TẤM LÒNG NHÂN ÁI CỦA NGƯỜI SÀI GÒN...

Ảnh: Họa sĩ Nhím

(chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 ngày 29/01/2016)

*Phong Nha Kẻ Bàng:

Chiều ngày 28/01/2016, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ, cùng 20 thành viên đoàn đã có chuyến tham quan động Phong Nha.

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 15

Tham gia đón tiếp đoàn có đại diện lãnh đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình.

Chuyến ghé thăm động Phong Nha nằm trong chuỗi hoạt động: “Hoa Kỳ – Việt Nam: Hành trình mới” với hơn 600km đi xe đạp từ Hà Nội vào Tp.Huế.

Đây là chuyến đi mang ý nghĩa thúc đẩy mối quan hệ, thắt chặt tình đoàn kết và tăng cường hợp tác giữa 02 quốc gia.

* Ambassador Ted Osius

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 16

Ở Đại học Quảng Bình sáng nay, tiếng Anh là mối quan tâm của mọi người. Sinh viên, giảng viên các khoa và một đại diện của Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã chào đón chúng tôi đến nói chuyện về hành trình đạp xe và sự chú trọng vào giáo dục trong hành trình này. Nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi bằng tiếng Anh rất tốt về những kỹ năng mà họ cần phát triển để thành công. Tôi đã hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh và việc tận dụng những nguồn thông tin trực tuyến là rất dễ dàng, ví dụ như thư viện điện tử eLibrary (hãy ghé trang http://elibraryusa.state.gov  để tạo tài khoản), MOOCs (các khoá học đại trà trực tuyến mở), mạng Internet, nắm lấy cơ hội học hỏi giao lưu cùng các chuyên gia tiếng Anh của chương trình English Language Fellows và các Trợ giảng tiếng Anh. Cảm ơn Đại học Quảng Bình vì sự đón tiếp nồng hậu của các bạn! 

*Phan Toàn: 

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 17

NÓI VỚI EM 
Em ơi em, đừng giận Mẹ làm gì
Bởi người gìa tính như là con trẻ
Bằng tuổi Mẹ rồi chúng mình cũng thế
Sáng nắng chiều mưa, nóng lạnh thất thường

Có nhiều người không còn Mẹ để thương
Miếng trầu quả cau thắp hương rồi bỏ héo
Mẹ cũng đã qua một thời khôn khéo
Mới nuôi ta khôn lớn đến bây giờ

Tuổi già đến rồi là sự sống hững hờ
Nên trái tính là điều dễ hiểu
Mẹ có làm sao, em ơi đừng khó chịu
Khi Mẹ ta còn hiện diện ở trên đời

Để một mai khi khuất bóng Mẹ rồi
Mỗi chúng ta không có gì ân hận
Tính Mẹ thất thường, em ơi đừng giận
Bởi Mẹ là Ta của những tháng năm sau...

*Nguyễn Trường Uy:

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 18

Hình ảnh đẹp cuối năm: Đại sứ Canada tại Việt Nam Devine cùng các cộng sự trên đường phố của chúng ta.
Hình ảnh này làm chúng ta nhớ lại bốn thành viên Beatles trên phố Abbey ở London 47 năm trước.
Họ là Tây mà yêu Việt quá đỗi. 

*Thach Nguyen: 

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 19

FIRST TIME IN 15 YEARS
Sau 15 năm, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp mới lại được bầu vào Bộ Chính trị. Câu hỏi tại sao dành cho các nhà sử học. Nhưng chỉ thế thôi cũng đã là một sự kiện lịch sử.
Ảnh tặng hoa uỷ viên BCT Phạm Bình Minh tại trụ sở Bộ Ngoại giao, 1 Tôn Thất Đàm.

*Nhà thơ Đỗ Trung Quân:

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 20

Ta sẽ chờ nàng nơi cổng chợ
Như ba mươi năm nay
Chỗ cô bán lá dong , lá chuối
“ mèn ơi ! một năm mới gặp lại thầy Hai !“
Ta chọn quán cà phê cóc
ngồi với nắng vàng hanh
mùi chợ , mùi người, mùi Tết...
nàng cứ mua lâu
không cần về nhanh
ta không quen xếp hàng siêu thị
xe đẩy ,xe nôi nhạc disco oang oang ầm ỹ
ta thích nghe trả giá tỏi hành
ta thích chút bùn chợ búa
lem nhem ống quần ừ thì ! bùn tanh !
ta sẽ chờ nàng đầu cổng chợ
cô bán hàng bông năm nay có chồng 
“ thằng chả làm tài xế cho con cũng phẻ 
thầy Hai , cô Hai vẫn phẻ phải hông ?...”
ta thích mùi chợ Tết
như ngày xưa nắm áo mẹ vừa đi vừa thò tay thuổng vài quả chà là
nhớ cái nheo mắt ông Tàu bụng phệ 
“ hầy ! thằng nhỏ ! ngộ thấy dzồi nha ! “
Này cái cổng chợ mày chờ ta nhé 
Cứ ngày tháng Chạp – hăm ba…

*Nhà  thơ Lương Ngọc An:

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 21

Trong tập thơ TRỞ MÌNH (1995) có hẳn một phần tên là LỤC BÁT LỰA LỜI. Vì sao hồi ấy phải "lựa lời" thì không nhớ nữa, nhưng giờ xem lại, ngẫm lại, thấy đúng là còn có gì đó chưa thành khẩn thật...
Chưa thành khẩn nên mới phải lựa lời...
Thì đây, lựa lời...
***

LỐI NHỎ
Rẽ sang lối nhỏ đi em,
Đường quen vẫn lắm nếp quen rập rình.
Lỡ ra... ai cãi cho mình,
Lý gian thì đã, mà tình... cũng gian...
Trót sinh làm phận đa mang,
Thôi đành ngõ tắt, đường ngang, đi, về
May mà thuở trước bùa mê
Vẫn chừa ra một câu thề với trăng...
Ngày nào đi giữa phố đông
Ngờ đâu lối nhỏ bao dung thế này.
Tay mềm tay ấm với tay,
Mắt nâu kia, mắt nâu này... cùng nâu...
Rẽ vào lối nhỏ với nhau
Nhỏ nhoi như thế, đã nhàu môi chưa?...
Đừng tin đường hẹp trăng hờ, 
Đêm qua trăng thẹn, trăng mờ đấy thôi... 
... ./.

*Trưởng thôn Khoai Lang:  

Shop TIN 30/1: Đến chưa chắc đã tới - ảnh 22

BÉ GÁI:
Có thể là trong căn phòng hạnh phúc, có thể là trên bãi cỏ, có thể là trong khách sạn, có thể là trên con thuyền mảnh trôi sông, có thể là giữa lưng chừng đồi hoa, có thể là bên một gốc cây dại, có thể, có thể, có thể…Sau vòng tay ôm, sau nụ hôn yêu, sau tiếng thì thào êm ái, sau sự loã thể, một giọt tình rót vào nhau, cho nhau, hút chặt vào nhau, gieo trong nhau mầm sống. Người đàn bà mang mầm sống ấy đi qua ngày, qua tháng, qua niềm vui, nỗi lo, cả sự sợ hãi. Mầm sống ấy lớn dần, có thể là bé trai, có thể là bé gái. Bé trai đã tượng hình, đã gây dấu tính cách mạnh, ngay cả cái đạp chân trong bụng mẹ cũng mạnh mẽ, cũng vội vã, đôi khi làm mẹ đau gập cả lưng xuống. Bé gái dịu dàng hơn, đôi lúc nhắc mẹ chút thôi bằng cái cựa chân, đôi khi dỗi mẹ chút thôi bằng động tác cựa mình, cái đau êm, đau yêu, đau hạnh phúc. Cái đạp chân trong bụng là biết mầm sống trai hay gái. Mầm sống trai làm bụng mẹ nhô cao ra phía trước. Mầm sống gái vo tròn bụng mẹ, thon thon, xinh xinh. Đến tháng đến ngày bé gái sinh ra, khuôn hình con gái đã thấy rõ. Bắt đầu cuộc đời một con người là sự loã thể. Bắt đầu cuộc đời con người là tiếng khóc. Bắt đầu cuộc đời con người là nước mắt. Nước mắt và sự loã thể còn có thể theo người con gái đi suốt cuộc đời mình. Sự loã thể là sự cho. Khi cho là cho sự loã thể để nhận lại những giọt tình, có thể là giọt tình ngọt ngào, có thể đắng cay, có thể là những giọt tình dự báo sự phản trắc. Nhưng dù thế nào thì bé gái cũng đã ra đời, dù phải khóc, dù loã thể, dù không biết phía trước là những gì đang đón đợi, nhưng hình hài, dáng vẻ của bé gái đã xuất hiện. Khóc khóc khóc. Có thể là nước mắt vui, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những ngày buồn. Khóc khóc khóc.

Nguyễn Quang Vinh

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)”. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trao giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 và phát động cuộc thi năm 2020

Ngày 10/1/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), các đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019” và phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2020”.

Hà Nội quy hoạch báo chí, giảm 10 tòa soạn báo, tạp chí

Sau sắp xếp, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 báo in, 1 đài truyền hình Hà Nội và 2 tạp chí.

Sách Quốc gia 2019: Bộ sách đồ sộ của cố GS Phan Huy Lê được vinh danh

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cùng "Động vật chí và Thực vật chí VN" đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Giải thưởng sách Quốc gia: Mục tiêu cao nhất là lan tỏa tới độc giả

"Giải thưởng Sách Quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Hà Tĩnh: Dịch vụ bưu chính công ích phát huy tốt vai trò và lợi thế

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào ổn định và đang phát huy được vai trò lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân khi thực hiện các thủ hành chính.

Hỏi ông Putin câu hỏi "chưa được duyệt", nữ phóng viên bị nghỉ việc bí ẩn?

Truyền thông Nga đang có suy đoán khác nhau về việc 1 nữ phóng viên đã bị buộc xin thôi việc sau khi đặt câu hỏi bất ngờ cho ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12.

Cục Tần số: Sắp đấu giá băng tần 2.6Ghz để nâng cao chất lượng mạng 4G

ICTnews - Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đang khẩn trương chuẩn bị đấu giá băng tần 2.6 Ghz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Cục trưởng Cục Viễn thông: "Thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao di động"

ICTnews - Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các ngôi sao công nghệ thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 9/2020

Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện quan trọng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 06-09/09/2020 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !