Shop TIN 18/1: Chúng ta đáng hổ thẹn nếu không hành động
Mùa đông này, mỗi ngày trên Facebook, trên các phương tiện truyền thông chúng ta lại nhói lòng bắt gặp những hoàn cảnh rất đáng thương xót của các cháu vùng núi cao, vùng nghèo khó, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, đôi chần trần cày trên đất bùn buốt giá, cánh tay gầy ôm thít lấy lồng ngực trước trùng trùng gió rét thổi về.
Đôi khi chỉ cần mấy trăm ngàn, các cháu đã có thể ngủ ngon trong chiếc chăn bông, trong bộ áo quần ấm, mà số tiền đó chỉ là khoản tiền người lớn chúng ta vương vãi ở quán xá, ép nhau thêm cữ rượu, một lọ nước hoa, một thỏi son...rồi chúng ta thở dài, than vãn, kêu khổ vì chưa thay được ô tô, chưa sắm được cái túi xách sành điệu, chưa vào được nhà hàng tên tuổi.
Chúng ta đáng hổ thẹn khi phung phí những khoản chi tiêu mà đáng ra có thể kéo về được giấc ngủ ấm áp cho con trẻ vùng quê nghèo khó. Chúng ta nói với nhau sang sảng ôi cuộc sống sao bây giờ vô cảm thế mà chính chúng ta là thủ phạm. Chúng ta phùng má trợn mắt chê trách cuộc sống thiếu thốn trong khi so với các cháu nghèo, chính chúng ta đang thừa thãi, thừa thãi chăn, áo, khăn, ủng, tất...những thứ "vớ vẩn" bị quên trong góc tủ, đáy valy nhưng nếu đưa tới được tay các cháu nghèo, đó là những vật dụng "vũ khí" chống lại lạnh giá.
Mùa đông này, mỗi ngày như thế có rất nhiều đoàn thiện nguyện lên đường, bé nhỏ thì vài ba bạn, lớn hơn thì theo nhóm, hội, có xe cộ, lớn nữa thì có hẳn một thương hiệu lớn về Quỹ hỗ trợ học trò nghèo vùng cao như chương trình CƠM CÓ THỊT do nhà báo Trần Đăng Tuấn làm thủ lĩnh.
Đoàn thiện nguyện không thiếu nhiệt tình, không quản khó khăn nhọc nhằn để tới nơi xa xôi hẻo lánh, bản làng vùng cao, thiếu là mãi thiếu kinh phí, quần áo ấm, thực phẩm, đồ đạc giúp các cháu.
Giúp các cháu vượt qua mùa đông có sự ấm áp và no cơm là chúng ta đang tự giúp mình, tự chữa chạy nỗi hổ thẹn vẫn đôi khi nhen nhóm trong lòng, tự cứu rỗi mình, để nhẹ lòng sống trên tư thế của một người tử tế.
Hãy tìm tới các địa chỉ thiện nguyện để trải lòng, để chia sẻ, để thể hiện trách nhiệm của mỗi chúng ta với người nghèo.
Nếu chúng ta có điều kiện sống, có điều kiện hỗ trợ, có điều kiện chia sẻ mà quay lưng, chúng ta rất đáng hổ thẹn.
Hãy mở lòng. Hãy tới với những địa chỉ từ thiện cho các cháu nghèo: Quỹ học trò nghèo vùng cao, Vì ta cần nhau,Thiện Từ Tâm, Kết Nối Yêu Thương TLV008, Nhân Ái Hồng La, Áo Tơi...và nhiều địa chỉ khác nữa.
Bạn Phương Le viết trên Facebook của mình:
Đọc bài phát biểu của GS Tương Lai tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không dám tin vào mắt của chính mình khi thấy câu chuyện thật mà ngay cả vua hề Sác Lô cũng nghĩ không ra:
Doanh nghiệp nhập về 4 bộ túi xách nhãn hiệu Hermes, giá mỗi bộ gồm 4 chiếc là 300.000 USD, chỉ có mấy ngày là các quý bà, tiểu thư mua hết (không bán lẻ), sau đó, cửa hàng còn bị trách móc là vì sao lại nhập ít thế để đến nỗi có nhiều người không kịp mua!?
Tính ra, mỗi cái túi xách trị giá 1.600.000.000 VNĐ, tương đương với lương trung bình của công chức (3 triệu đồng/tháng) trong khoảng gần… nửa thế kỷ(!)
Có biết bao câu hỏi, biết mấy nỗi đau từ cái sự thật hầu như ai cũng biết mà không ai nói – nhất là các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ cán bộ, chống tham nhũng - không thể kết luận vì “không đủ chứng lý”.
Chứng lý ở đâu khi cái sờ thấy, biết rõ (tìm hiểu chẳng khó gì vì không lẽ người ta mua túi xách về để cất?) là không ai có thể đem đồng tiền đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mua thứ có thì không làm cho béo hơn, thiếu chẳng gầy đi.
Số tiền khủng trên đây trong một đất nước có hàng triệu người nghèo, hàng triệu người thất nghiệp không thể nói khác hơn, đó là sự thách thức của tội ác, sự trơ tráo về mặt văn hóa, sự vô lương của đạo đức và là sự tàn nhẫn của lương tâm – nếu như lương tâm là cái có thật trong thời đại nhố nhăng này.
Những cái túi xách đó “sinh ra” cho các thứ trưởng giả của các nước nghèo chơi trội, với cái vỏ hợm hĩnh, không rẻ tiền về giá trị của… đồng tiền nhưng lại rẻ hều về nhân cách, lối sống; chỉ nhằm vào cái đích duy nhất là chứng tỏ cái gọi là đẳng cấp, xứng mặt tay chơi. Nó là sự minh định cay đắng rằng cơ quan chống tham nhũng dường như đang nói nhiều, làm biếng và, chắc chắn, đang làm lãng phí thêm không ít tiền dân, của nước khi họ nhận lương rồi ngồi viết thành câu chữ cho các báo cáo thăng hoa, cho sự bao che liếc xéo những nụ cười mỉa mai, chua chát.
Một đất nước không có cái gì để chứng tỏ, để “khoe” với thế giới, để đóng góp cho văn minh nhân loại ngoài những thói hư, tật xấu như tham lam, ích kỷ, vô cảm, lười nhác, dối lừa… thì còn gì để biện minh?
Những ngày đầu năm mới 2016, lòng người dân cả nước lại đau đáu hướng về Biển Đông. Nơi đó, Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Những hành động khiêu khích, cường bạo đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của đất nước xảy ra khiến hàng triệu con tim Việt căm phẫn.
Ngày 17.1 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), để tưởng niệm những người con đất Việt đã hy sinh để bảo vệ vùng biển, đảo Hoàng Sa từ ngày Việt Nam xác lập chủ quyền cho đến nay.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng ghi nhận, “Người mẹ thắp lửa” đã thể hiện được ý nghĩa hướng về các bậc tiền nhân, bởi tổ tiên chúng ta đã phát hiện và xác lập chủ quyền Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, đến thời thực dân Pháp, người dân Việt Nam đã ra xây dựng ngọn hải đăng, nhiều người làm việc và nằm lại ở Hoàng Sa, hình ảnh về đội hùng binh năm xưa…
Đáng chú ý, ngày 19.1.1974, 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu và ngã xuống vùng biển Hoàng Sa trong trận hải chiến với quân Trung Quốc xâm lược. Ngoài ra nhiều ngư dân khi đi đánh bắt gặp bão gió cũng đã nằm lại Hoàng Sa...
Ở bất kỳ thời điểm nào, Hoàng Sa cũng luôn nằm trong trái tim của người dân Việt Nam. Đến nay, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam luôn đau đáu về Hoàng Sa - một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam.
Hãy soạn tin HS gửi tới 1407, đó là bạn đã góp một viên đá vào khu tượng niệm những anh hùng đã ngã xuống vì Hoàng Sa, vì những người phụ nữ từ hàng trăm năm nay đã không vị chút tình riêng! Và vì cả sự bất tử của một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Hồn Hoàng Sa!
Ngóng vọng Hoàng Sa
Chẳng lẽ Hà Nội không thể làm tốt hơn cái điều thực ra chả cần cố vẫn làm tốt, làm gương với cả nước khi trang trí đường phố?
Vì dòng tiền xã hội hoá ư, không lẽ cứ xã hội hoá thì nhắm mắt buông tay cho nó hoá gì hưởng đó? Và bây giờ, hãy nghe ý kiến của các chuyên gia kiến trúc: KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, không phải đến bây giờ mà đã nhiều năm qua, việc trang trí ở Thủ đô không được chú ý.
"Các cuộc lễ trước đây, việc trang trí của Hà Nội cũng như vậy, nó thiếu đi một chất nghệ thuật và không xứng tầm với một thành phố Thủ đô. Ngay cách đây 5 năm, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thì việc trang trí cũng đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng. Trong đó có thể kể đến bảng đếm ngược ở đền bà Kiệu..."..."Đã thế, sau lễ còn dây dưa, kéo dài mấy tháng sau có sự kiện mới gỡ các trang trí, thành ra, làm cho người dân cảm thấy không còn thú vị với bộ mặt của thành phố trước những ngày lễ. Trân trọng những ngày lễ là phải qua ngày rồi dỡ ngay...
Tôi không nghĩ ai có tiền bỏ ra thì muốn làm cái gì cũng được. Tôi đứng về phía là thà không có gì tốt còn hơn là có nhiều nhưng lại không tốt. Tôi không phải ở tầm điều hành để quản lý điều đó. Nhưng tôi cho rằng, dù cho xã hội hóa cũng không phải muốn làm gì thì làm mà cần một bàn tay chỉ huy tổng thể, không thể theo ý của người bỏ tiền. Thà không làm thì ít nguy hiểm còn có tiền làm mà hỏng thì sẽ càng nguy hiểm hơn nhiều. Nếu ngành nào cũng lấy xã hội hóa để rồi làm như thế thì sẽ ra sao đây...?".
HN bị chê trang trí lòe loẹt: "Không thể theo ý người bỏ tiền"
Xấu phê bình, tốt phải khen, đó là cách ứng xử văn minh. Và bây giờ lại thêm một hành động rất đáng khen của chiến sĩ cảnh sát giao thông Đà Nẵng. Nhưng tại sao liên tục những hình ảnh đẹp đều dồn về Đà Nẵng, đây cũng là một câu hỏi cho CSGT toàn quốc, trong khi đó, để làm được việc tốt mà xã hội cơ ngợi, có lớn lao gì đâu.
Như trường hợp này, không hề lớn lao, nhưng cảm động: Khi thấy người phụ nữ nghèo không đủ tiền đóng phạt cho đứa con vi phạm giao thông, thiếu úy Thịnh Hưng (phòng CSGT Đà Nẵng) đã tự bỏ tiền túi ra để góp vô, cùng cô đóng phạt.
Đó là một câu chuyện thường ngày mà chúng tôi có dịp được nghe anh Phan Thịnh Hưng – Thiếu úy cảnh sát hiện đang công tác tại Phòng CSGT Đà Nẵng kể lại. Thiếu úy Thịnh Hưng vốn đã quen thuộc với nhiều người khi xuất hiện thường xuyên trên các bài báo kể về “Một ngày làm CSGT” của cậu bé ung thư ở Đà Nẵng. Anh Hưng chính là nguời chở bé Tuấn Dũng trên chiếc xe đặc chủng của CSGT để làm “nhiệm vụ”.
Nơi có những CSGT sẵn sàng bỏ tiền túi nộp phạt cho dân nghèo
Không biết tôi có quá đa cảm không nhưng đọc những bài báo về những cuộc chia ly gặp gỡ này sao thấy xúc động đến thế, trong khi nhân vật trong bài báo lại là một chàng lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam với cô gái Việt, và cái gì để 45 năm sau, họ vẫn tìm đến với nhau?: Ngồi trong căn phòng khách sạn trong một thị trấn nhỏ ở Việt Nam, Jim Reischl chờ đợi kiên nhẫn và thốt lên: “Tôi hơi hồi hộp. Tôi đã không gặp cô ấy 45 năm nay rồi”. Một tiếng gõ cửa vang lên. Đằng sau cánh cửa chính là người phụ nữ ông đã bỏ lại 45 năm trước khi ông rời khỏi Sài Gòn vào tháng 7-1970.
Cựu binh Mỹ tìm lại mối tình đầu ở Việt Nam sau 45 năm
Trên facebook của bạn:
*Nhà báo Trần Đăng Tuấn:
+Ít ngày nữa, tại một số trường học tại Hà Nội, học sinh Thủ Đô sẽ gửi bánh chưng lên cho bạn vùng cao.
Có trường, học sinh sẽ cài vào bánh chưng một thư nhỏ. Mỗi em học sinh Thủ Đô gửi cho một bạn ở Lai Châu những dòng thư chúc Tết gửi cá nhân bạn đó.
Đây là sáng kiến của Cơm Có Thịt, được các thày cô và các em nhiệt tình hưởng ứng. Tuyến đi trao bánh chưng lần này là tuyến nậm Nhùn - Lai Châu (Khu vực thượng nguồn Đà Giang).
Nếu tập thể nào muốn tham gia, hãy liên lạc nhé. Chúng tôi có thể giới thiệu địa điểm tặng bánh, danh sách học sinh, và có thể chuyển bánh giúp nếu bạn không trực tiếp đi trao được.
+ Không muốn cái gì cũng nói, mà càng không muốn tốn thời gian tâm sức để bực. Nhưng mà đi ra gặp những phố trang trí hoa sắt hay nhựa giả thế này, cảm giác quả là chán ngán. Bầy hoa ra mà khiến người ta thấy bức bối thì có vấn đề văn hóa thật sự. Và chán cả cái lối giải thích: Đây là tiền "xã hội hóa".
*Quoc Luong:
Lưu ý nhé:
- Hàng Trung Quốc đã được đổi chiêu, không ghi "Made In China" nữa, mà ghi thành
"Product Of PRC"
- Là viết tắt của "People's Republic Of China" (cộng hòa nhân dân Trung Hoa) Hoặc "Made In PRC" cũng có nghĩa tương tự.
- Khi mua đồ thấy cụm này thì bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng nha. Share thông tin này để mọi người cùng biết nhé mọi người.
*Nguyễn Thiện: Hãy nghe anh hùng Nguyễn Thành Trung nói về cuộc chiến Hoàng Sa . Bài này từng được đăng trên báo Saigon Tiếp thị và rất thu hút sự quan tâm của bạn đọc, trong đó có đoạn : "150 phi công thuộc sáu phi đoàn F5 của không lực Việt Nam Cộng hoà khi đó đều ký tên chung vào một lá đơn tình nguyện “Xin được chết vì Hoàng Sa”....Một mảnh đất dù nhỏ cũng là tổ quốc mình, cha ông ta đã đắp xây nên bờ cõi, là con dân của đất nước ai cũng có nghĩa vụ thiêng liêng gìn giữ lấy. Tụi tôi háo hức sẵn sàng tất cả nhưng cuối cùng không được chết cho Hoàng Sa. Tới bây giờ tôi vẫn ân hận. Sau này bạn bè tôi gặp lại nhau cũng cùng một tâm trạng: đáng lẽ tụi mình chết cho Hoàng Sa thì vinh dự hơn! "
*Nguyễn Lệ Chi: ƯƠM MẦM XANH Năm 2016, Chibooks sẽ tổ chức một lớp bồi dưỡng sáng tác văn thiếu nhi miễn phí với mục đích khơi gợi và tiếp tục duy trì niềm đam mê sáng tác văn cho trẻ lứa tuổi từ 7-15.
Lớp học này mở cửa miễn phí cho các trẻ tham dự, địa điểm học dự tính: tại 1 nhà văn hoá thiếu nhi trong trung tâm thành phố HCM . Khoá học sẽ diễn ra vào các sáng cuối tuần (thứ 7, chủ nhật), mỗi buổi 2-3 tiếng.
Giáo viên đứng lớp: các nhà văn, nhà thơ, nhà báo yêu thích trẻ và thực sự quan tâm tới vấn đề cảm thụ văn học của trẻ. Khoá học sẽ kéo dài 3-6 tháng/đợt để chọn lọc và phân chia lại lớp theo trình độ cho phù hợp. Khóa học ƯƠM MẦM XANH dự kiến triển khai trước tại TP.HCM và sẽ nhân rộng ra các tỉnh thành khác.
Ai ủng hộ và muốn cùng em tham gia chương trình này inbox dùm em. Chibooks chi trả mọi chi phí liên quan tới việc mở khoá học này. Rất mong bạn bè anh chị em đồng nghiệp ủng hộ.
* Lan Phương: Chỉ còn mấy giờ nữa thôi là mẻ bánh chưng đầu tiên sẽ...ra lò. Và ngày Tất niên sớm cho trẻ em vùng cao cũng càng tới gần hơn bởi sự sẻ chia của tất cả những tấm lòng thiện nguyện!
...
Ngày 18/01/2016, chúng tôi vẫn tiếp tục gói bánh để mong sớm hoàn thành hơn 3000 chiếc bánh...
Tuy nhiên, vì là ngày đầu tuần, mọi người còn đang công tác họ phải đến cơ quan. Các bạn sinh viên thì phải đi học.
Vì vậy, chúng tôi thiếu nhân lực rửa lá dong, gói bánh trầm trọng.
Nên xin có lời kêu gọi mọi người hãy chung tay góp sức để kế hoạch mỗi ngày phải cho ra lò đủ 800 chiếc, để kịp thứ 6 tới này đoàn sẽ xuất phát tới địa điểm cùng chung vui với các cháu.
...
P/s: Vô cùng cảm động, có mấy bạn trẻ là công nhân làm tận trên Thái Nguyên, khi nghe tin có việc làm đầy ý nghĩa này đã lặn lội về, ngồi cần mẫn rửa từng chiếc lá dong và gửi vào đó tấm lòng yêu trẻ của mình.