Shop TIN 15/3: Bộ GD&ĐT thất hứa tới lúc nào?
1.
Từ năm 2012, Bộ giáo dục đã hứa đưa nội dung lịch sử về chiến tranh biên giới phía bắc, tây nam, cuộc chiến Hoàng Sa, Gạc Ma...vào sách giáo khoa. Hơn thế, cuối năm 2013 chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu đưa sử liệu về bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa. Thế nhưng cho tới hôm nay sách giáo khoa các cấp vẫn "sạch", Bộ giáo dục tiếp tục thất hứa, lần nữa, ngày 22/2 vừa qua lãnh đạo Bộ giáo dục tiếp tục hứa sẽ... Sẽ tới khi nào?
Có một điều khó hiểu là, đáng ra, chính Bộ Giáo dục chứ không ai khác phải nôn nóng trong việc bổ sung ngay những nội dung sử còn thiếu trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc chứ không phải vòng vo quanh co giải thích hết năm này sang năm khác vì sao lại để thiếu. Đáng ra, nếu vì lý do nào đó ngăn trở, thì chính Bộ giáo dục phải đấu tranh, phải làm mình làm mẩy để làm sao cho các thế hệ học sinh, sinh viên của đất nước biết, hiểu, nắm những dấu mốc sử rất quan trọng: Chiến tranh biên giới phía bắc, tây nam, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, cuộc thảm sát của lính Trung Quốc tại đảo Gạc Ma... chứ không phải ậm ờ như ngậm hột thị tới mức khó hiểu như vậy. Và, đáng ra, trước yêu cầu cấp bách về việc bổ sung sử liệu, ngay trong năm học này, ngay lập tức, Bộ phải tổ chức ngay việc tạm thời soạn một chương, kỹ, đúng, đủ về những phần lịch sử còn thiếu, gửi bằng email cho các Sở, Trường Đại học, học viên, rồi chuyển tiếp về các trường để yêu cầu bố trí lịch dạy ngay, chứ không phải hứa, không phải sẽ...chờ cho tới khi thay sách, chờ, chờ như đã nhiều năm qua, đã làm cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên bị một khoảng trống rất quan trọng về lịch sử dân tộc.
Theo GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hiện những kiến thức lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa mới chỉ có trong một số chương trình bồi dưỡng dành cho giáo viên, nhưng chưa có tài liệu chính thức nào trong sách giáo khoa. Ông cũng cho biết thêm Bộ GD&ĐT đã làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nội dung về Biển Đông sẽ được tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý.
Cô Nguyễn Lan Phương, giáo viên Lịch sử, Địa lý, THCS Đoàn Kết, Hà Nội đặt câu hỏi: "Chúng ta muốn thế hệ sau gìn giữ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ mà không cung cấp đủ tri thức về thứ cần bảo vệ thì họ biết làm sao?".
Đọc thêm ở đây:
Dạy lịch sử thiếu biển đảo như vẽ người không đôi mắt.
Bộ GDDT thất hứa...2.
Điều gì mà làm vì hình thức, làm để "diễn" không thực tâm, thực lòng thì kết quả vậy thôi: Nhiều chiếc xe đạp chuyên dụng được trang bị cho công an khu vực ở các phường TP Vinh, Nghệ An sau khi diễu hành xong trong ngày ra mắt thì…“đắp chiếu”.
Khi đã đắp chiếu, phong trào đạp xe "chết" thì lý lẽ nói đủ thứ nguyên nhân, nếu thấy khó áp dụng như vậy, bất lợi như vậy, không khả thi như vậy thì đừng triển khai, đừng nhận, đừng để nhà nước mất tiền trang bị ngay từ đầu...
Đọc ở Tuổi Trẻ: Xe đạp tuần tra diễu hành xong..."đắp chiếu"
Còn ở Hà Nội: Thời gian đầu, hình ảnh người chiến sĩ công an tuần tra bằng xe đạp tạo nhiều thiện cảm với dân. Thế nhưng, hình ảnh này sau đó thưa dần. Ông T.Đ.T, một người dân P.Đại Mỗ (Q.Nam Từ Liêm) phản ánh: “Thời điểm những tháng cuối năm 2015, chúng tôi còn thấy công an phường sử dụng xe đạp đi tuần, nhưng được một thời gian ngắn thì rất hiếm khi thấy”. Tương tự, một người dân P.Mễ Trì thắc mắc: “Những chiếc xe đạp rất mới nhưng mấy tháng nay không thấy công an phường sử dụng”.
Đọc tin trên Thanh Niên: Xe đạp tuần tra "đắp chiếu"
3.
Một hình ảnh rất đáng khen về tinh thần trách nhiệm của bác sĩ:
Anh Bàn cho biết gần đây, các bác sĩ của khoa anh hầu như ai cũng bị ốm, lịch dày đặc nên các bác sĩ đều cố gắng đi làm không ai dám nghỉ. Gần đây, thời tiết thay đổi nên bệnh nhân đến điều trị càng đông hơn, các bác sĩ cũng phải cố gắng vì công việc nhiều hơn. Hiện nay anh đang bị ốm phải truyền dịch nhưng vẫn ngồi khám cho người bệnh. Anh Bàn cho biết, những việc này rất bình thường ở bệnh viện Xanh Pôn vì bác sĩ cũng là người, có lúc nọ lúc kia, lúc khỏe lúc yếu. Khi bị ốm, anh tự điều trị cho mình là chính. Anh không nghĩ hình ảnh này lại được bạn bè chia sẻ nhiều như thế.
Đọc thêm ở đây: Bác sĩ vừa truyền nước vừa khám bệnh.
4.
“Chính quyền làm sao giúp sớm có nước ngọt để còn xạ lúa và có nước để sinh hoạt, chứ dân ở đây “túng” nước lắm rồi đó. Khổ lắm rồi mấy chú ơi. Ngoài đồng thì lúa chết cháy đen, trong nhà kiếm cốc nước ngọt uống cũng không ra”.
Lão nông xót xa hàng triệu đồng bỏ vào mua lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, nhưng giờ không thu hoạch được bất cứ thứ gì.
“Lúa đang trổ bông thì bị nhiễm mặn khiến hạt lép hoàn toàn. Giờ cắt đem vô cho mấy con vịt nó ăn”.
Tình cảnh của ông Nhữ cũng giống như nhiều hộ khác trồng lúa ở Bến Tre. Không khí buồn tẻ, ảm đạm như vây bủa khắp các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Nhiều nhà cửa đóng then cài, ngoài đồng lúa, cây ăn trái chết khô vì hạn, mặn.
Đọc ở đây: Đói khát trên vựa lúa
5.
Sáng 13-3, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết 2 nghi can giết người ở quán karaoke Việt Nam (xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) gây xôn xao dư luận đã được thả ra. Đó là Nguyễn Hoàng Anh Phụng (23 tuổi, ngụ ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) và Huỳnh Ngọc Định (19 tuổi, ngụ ấp 3, xã Trung An, TP Mỹ Tho).
Đọc ở đây: Khai nhận giết người vẫn được thả?
Giải thích của luật sư: Luật sư Nguyễn Thành Tài, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, cho rằng việc VKSND tỉnh Tiền Giang chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Phụng và Định là không sai vì cơ quan điều tra chưa xác định được người nào là hung thủ chính. Tuy nhiên, sẽ có những rắc rồi liên quan đến việc thả người này. Cụ thể, với việc cơ quan điều tra xác định Phụng và Định là đồng phạm cùng tấn công gây chết người, nếu sau này VKSND tỉnh Tiền Giang không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; còn nếu phê chuẩn thì việc bắt giữ, truy tố sau đó gặp khó khăn bởi nghi can có thể bỏ trốn.
6.
Ở xã Yên Hòa, Yên Mỹ, Hưng Yên, nơi cung cấp rau cho rất nhiều chợ đầu mối lớn cũng như thủ đô Hà Nội, nơi được xem là vực rau lớn nhất miền Bắc đang từng ngày dùng nguồn nước bẩn có rác, phân lợn, nước sinh hoạt thải ra để rửa rau hàng ngày mang đi bán.
Đọc ở đây: Bịt khẩu trang rửa rau ở rảnh nước bẩn
7.
Sáng 9.3, Sở Xây dựng Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với giới kiến trúc sư, các hội nghề nghiệp, các sở ngành liên quan để nghe góp ý về việc điều chỉnh quy hoạch phía đông đường Trần Phú. Các ý kiến đều nhất trí với việc cần phá dỡ tất cả các công trình kiến trúc có tính quy mô như khách sạn, nhà nghỉ, các nhà hàng kiên cố, phá bỏ các hàng rào đã che chắn tầm nhìn ra biển của du khách. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khi những công trình này, hoặc đã tồn tại từ lâu, hoặc đã được tỉnh cấp phép.
Đọc ở đây: Nha Trang quyết dọn biển8.
Bí thư Thăng bất ngờ thông tin về việc ông đã yêu cầu các cơ quan chức năng tìm gặp và xin lỗi nữ du khách bị cướp trên đường Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vừa qua.Tuy nhiên, Bí thư Đinh La Thăng đề cập đến cái khó hiện nay là ai sẽ xin lỗi, ngành công an hay ngành du lịch? “Tôi yêu cầu phải đến gặp du khách để xin lỗi nhưng hiện nay chưa tìm được ai để chịu trách nhiệm chính. Cơ chế hiện nay nó thế”, Bí thư Thăng nói.
Đọc ở đây: Bí thư Thăng yêu cầu xin lỗi...
ĐỌC TỪ FACEBOOK:
*Dương Nguyễn:
Nhớ ngày này cách đây 28 năm (14/3/1988) - Chiến dịch CQ-88 bắt đầu !
NGƯỜI GIỮ CỜ TỔ QUỐC TRÊN ĐẢO GẠC MA-KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ !
Nguyễn Văn Lanh, quê xã Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình (đồng hương), nhập ngũ năm 1985 vào Trung đoàn 83 công binh Hải quân.
Trong trận hải chiến đó, hình ảnh trung sỹ Nguyễn Văn Lanh, một tay anh giương cao ngọn cờ, một tay anh cầm xà beng chống đỡ đối phương. Thấy không thể chiến đấu trực diện với người lính kiên cường Việt Nam, lính Trung Quốc đã đâm lén từ phía sau và nã đạn vào anh Lanh. Anh bị thương nặng nhưng nhờ đồng đội anh đã được cứu sống.
Máu của 64 liệt sĩ Trường Sa nhuộm đỏ nước biển Đông, nhưng những người anh hùng đó đã làm nên "Vòng tròn bất tử" cho chủ quyền biển đảo Tổ quốc trường tồn.
Hình ảnh tay không chiến đấu để bảo vệ cờ, đã trở thành biểu tượng anh dũng trong công cuộc giữ gìn chủ quyền đất nước.
Ngày 13.12.1989, sau trận chiến Gạc Ma 1 năm, anh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tự hào thay những người lính Hải Quân Việt Nam !
P/s: Hình ảnh giao lưu gặp nhau lần đầu của 2 anh hùng cùng quê huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: Đại tá, hoạ sĩ Lê Duy Ứng và Thiếu tá Nguyễn Văn Lanh do Hội đồng hương Quảng Bình tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
*Trần Đăng Tuấn:Tôi đã quyết định tự ứng cử Đại biểu Quốc hội vào những ngày cuối trước khi thời hạn đăng ký kết thúc. Đã kịp làm và nộp hồ sơ.
Lý do duy nhất cho quyết định này là tôi thấy:
Đúng là không cần vị trí nào vẫn có thể làm điều hữu ích. Nhưng nếu là đại biểu Quốc hội, sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn.
Tôi không quá thiếu thực tế. Kể cả nếu sau hiệp thương, tên tôi có trong danh sách để bầu, thì cơ hội trúng cử của tôi, một người tự ứng cử, khách quan mà nhìn nhận, là không nhiều. Dù vậy, tôi quyết định tự ứng cử, vì giờ đây tôi nghĩ rằng: Lấy lý do xác suất thành công quá nhỏ mà không làm điều gì đó cần làm, thường chỉ là cách biện hộ cho sự yếu đuối.
Hướng đến mục tiêu trúng cử, nhưng tôi không để chuyện trúng hay không trúng cử thành áp lực. Tôi quyết định không bỏ qua cơ hội nhỏ làm những việc hữu ích lớn. Nếu cơ hội nhỏ đó không thành hiên thực, thì tôi sẽ vẫn luôn có những cơ hội lớn để làm các việc hữu ích nhỏ. Thiết nghĩ: Cơ hội bao giờ cũng có, quan trọng là thái độ của chúng ta với các cơ hội mà thôi.
*Nhà báo Văn Công Hùng:
Đi họp cử tri. Giấy mời 7h tối, 7h kém 15 mình lon ton đi. Đi bộ, quần jean áo thun, giày Adidas, cho nó... chẻ. Đến đã thấy chừng vài chục người, chủ yếu là phụ nữ và... người già. Ai đến cũng nộp giấy cho ông chủ trì y như học sinh mẫu giáo nộp giấy cho cô. Mình không mang giấy và cũng không bao giờ có ý thức nộp giấy, chỉ với lập luận: Tớ không phải... học sinh mẫu giáo, giờ dân mạng hay gọi là Sửu nhi...
Người già thì rất già rồi, già đến mức mình sắp về hưu mà xưng cháu. Các chị phụ nữ một số bác mình cũng xưng cháu, thì ngồi tám chuyện rất rôm rả, chân co lên ghế dù là cái ghế nhựa rất nhỏ, mông ai to là bành ra ngoài cả thớt. Còn các chị sồn sồn thì mỗi chị một... điện thoại. Từ ngày có điện thoại smartphone, các cuộc hội họp hoặc ngay cả tụ tập cà phê, không khí trật tự hẳn, chả ai nói chuyện với ai, mà có cần nói thì sẵn điện thoại đấy, một phát nhắn inbox FB hoặc Zalo, Viber miễn phí, lại sang nữa...
Mình giục, đề nghị chúng ta phải... văn minh, cứ đúng giờ mà làm. Vài người nữa vào muộn, mỗi người nộp... 1 nắm giấy. Té ra việc nộp giấy báo có mặt giúp khối anh không đi họp mà vẫn có mặt bằng... giấy...Bác chủ trì nguyên là sĩ quan quân đội, sau khi thổi phù phù mấy cái rất to vào Micro thì bắt đầu... alo, hôm nay thực hiện chỉ đạo của chi bộ, chúng ta họp có 3 vấn đề, 1 là đề cử ứng cử người vào HĐND phường...Trên bổ cho chúng ta 2 người, một đảng viên một ngoài đảng, có ai có ý kiến gì không. Một lúc im lặng rồi một bác hỏi, 2 người là đề cử hay là được bầu. Giải thích là đề cử thôi, còn bầu thì... chưa biết. Hỏi tiếp có ai ứng cử đề cử gì không? Dền dứ một chặp thì bác bảo, chi bộ đã nghị quyết cử 2 người ra ứng cử, giờ ở đây có ai đề cử ứng cử không. Mình xúi ông bên cạnh nhất trí to lên khi nghe ông ấy thì thào: Nhất trí.
Không ai đề cử ứng cử thì chủ tọa đọc danh sách 2 bác được chi bộ đề cử. Mọi người vẫn cắm mặt vào điện thoại, một nhóm vẫn co chân lên mặt ghế nhựa đỏ, nhóm khác hút thuốc mịt mù, ho khục khục...Hỏi 3 lần không ai ý kiến gì, thì biểu quyết. 100%. Biểu quyết 2 lần, lần một là nhất trí đề cử 2 người. 100%. Lần 2 là 2 cái tên cụ thể. Lại 100%. Mình hỏi ông bên cạnh: ông có biết 2 người đấy không. Gật. Biết một người, vì ông ấy là hàng xóm, còn ông kia không biết. Chả ai có ý kiến gì nữa, rất nhanh, chưa bao giờ mà thấy họp tổ dân phố mà nhanh thế, chừng 30 phút. Ai cũng thở phào. Người dự họp thì thoát họp là sướng (đa phần số công chức đi họp là vì là... ĐV, cuối năm có việc nhận xét ở khu dân cư nữa). Người chủ trì thì thấy hanh thông vượt dự kiến cũng sướng. Gã ngồi cạnh gạ: về nhà tôi làm chút đã, đằng nào cũng... đi họp. Ra cửa hội trường bắt tay, một gã bô bô: Hạn ứng cử đề cử hết từ hôm qua mà hôm nay mới họp rồi hỏi có ai ứng cử đề cử không? Chả ai để ý câu nói chừng như vu vơ của lão, và cùng không biết chi tiết ấy có đúng không? vì lúc ấy có một tốp các chị các cô đi đến, váy áo lòe xòe, vừa đi vừa cắn hạt dưa. Khi nói họp xong rồi, họ vẫn xông vào tìm bằng được tổ trưởng, mình quay lại quan sát, té ra họ... nộp giấy (mời)...
*Mạc Mạc:
THẾ HỆ TRẺ CHÚNG TÔI CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG
(trích cảm nhận)
Tôi là một người trẻ của thế hệ 8x. Lịch sử cần phải được tôn trọng. Thế hệ trẻ chúng tôi cần được biết một cách khách quan về những cuộc chiến với Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Cam Pu Chia trong sách giáo khoa. Tại sao người thuộc thế hệ 8x như tôi đây lại không được được học một tí gì về cuộc chiến biên giới phía Bắc, ở Vị Xuyên, cuộc chiến biển đảo ở Gạc Ma...do Trung Quốc gây ra? Vậy các em 9x, 10x sẽ biết gì, hiểu gì? Mù mờ về lịch sử, vô cảm với sự hy sinh của thế hệ đi trước, đừng trách tại sao chúng tôi ngày càng trở nên chỉ thích hưởng thụ, tàn nhẫn trước nỗi đau của đồng loại. Lỗi có phải chỉ ở nhà trường, Bộ Giáo dục, gia đình hay còn lỗi ở đâu?
Cái mốc 1979 về chiến tranh biên giới chỉ là một cột mốc tượng trưng. Cuộc chiến bắt đầu từ khi nào và kéo dài tới năm bao nhiêu, ai sẽ có trách nhiệm trả lời cho chúng tôi? Một đứa trẻ chưa đến tuổi đi học như tôi ngày ấy bị ám ảnh đến tận giờ bởi hình ảnh bà ngoại nửa đêm vùng dậy, mở toang cửa sổ, phanh áo cào ngực vì nhớ con trai lại tiếp tục gọi bổ sung phục vụ cuộc chiến phía Bắc. Bà tôi đã mất bao nhiêu đứa con, nỗi đau loạn lạc, ly tán gia đình vì chiến tranh có lẽ cũng chỉ có các bà mẹ cùng cảnh ngộ mất mát khác mới thấu hiểu được.
Rồi đến cái mốc 1988 ở đảo Gạc Ma? Kỷ vật còn lại chỉ vẻn vẹn trong một thùng gỗ?
*Phạm Phú Thép:
Người hùng Gạc Ma Lê Hữu Thảo với mẹ Hồ Thị Đức mẹ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương tại chiều 13.3 trước ngày giỗ lần thứ 28 của anh Phương và 63 liệt sỹ Gạc Ma 14.3.