Sếp VPBank: "10 doanh nghiệp hỏi vay, chỉ 3 được duyệt"
Đó là chia sẻ của Tổng giám đốc NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ" do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Laisuat.vn tổ chức sáng 31/5.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định, diễn biến nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn và chắc chắn sẽ còn kéo đến năm 2015. Theo ông Kiêm, hiện nay ngân hàng (NH) có vốn, doanh nghiệp (DN) thì thiếu vốn, nhưng nguồn vốn lại không khơi thông được.
Số liệu cụ thể cho thấy, tính từ đầu năm, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm tăng 5% trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng trên 1% cho thấy ngân hàng tuy còn vốn, nhưng khả năng tiếp cận của DN còn hạn chế.
70% cơ cấu vốn của DN dựa vào tín dụng vay ngân hàng |
Trên thực tế, dù lãi suất huy động được dự báo giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm tạo điều kiện giảm lãi suất vay, nhưng số lượng DN tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ là rất ít.
Ở góc độ người đứng đầu NH, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trăn trở, đây là giai đoạn khó khăn của không chỉ DN mà cả khối NH. Thực tế, cứ 10 DN đang hoạt động thì có tới 7 DN giảm sút doanh số, hoạt động cầm chừng...
Cho rằng, lãi suất cao được coi như "tội đồ" khiến nhiều DN "có mơ cũng không tiếp cận được vốn NH" vì "nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào vốn ngân hàng", nhưng CEO của VPBank nhìn nhận, quan điểm này có phần hơi thái quá. Sự giảm sút này có nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến lãi suất, vốn tín dụng, vì nền kinh tế dựa vào tín dụng tới 70%.
Dẫn thực tế, sếp của VPBank cho hay, 5 tháng đầu năm đã tăng trưởng tín dụng được 9%, tương đương 4000 tỷ đồng đã được VPBank "bơm" ra thị trường. Chứng tỏ tín dụng đã "túc tắc" ra thị trường, nhưng cái chính vẫn là "đi đúng địa chỉ".
"Thực tế tại VPBank cứ 10 DN tới "đặt vấn đề" vay và làm thủ tục vay vốn thì chỉ khoảng 3 DN có thể đáp ứng các điều kiện của ngân hàng và được vay" – ông Vinh cho biết. Điều này cũng là dễ hiểu khi bình quân 10 DN được thành lập thì sau 1 năm đầu chỉ có 3 DN tồn tại được, số còn lại trong tình trạng chết yểu, đóng cửa hay họa động cầm chừng,...
Nguyên nhân cốt lõi, theo lãnh đạo VPBank, là do cơ cấu kinh tế không hợp lý, đặc biệt là cung – cầu nền kinh tế. Mặt khác, khó khăn còn do cấu trúc vốn của DN. Thông thường, các DN có vốn chủ sở hữu từ 10-30%, vốn vay ngân hàng chiếm 70-80%. Khi lãi suất giảm ảnh hưởng tới DN. Vốn chỉ chiếm khoảng chưa đến 20% chi phí, các chi phí chiếm lớn như nhân công, nguyên liệu.... Giá thành sản phẩm có phụ thuộc vào vốn nhưng không phải là tất cả. Tức là hiệu quả của DN chỉ phụ thuộc khoảng 15-20% vào vốn.
"Khó khăn lớn nhất của các NH hiện nay là doanh số giải ngân cũng như chất lượng tín dụng quá thấp. Không phải NH không muốn cho vay mà do rủi ro quá lớn khi chất lượng kinh doanh của các DN hiện nay chưa cao. NH cũng là DN, cũng lo ngại nhất là rủi ro nợ xấu, nên một đồng vốn bỏ ra chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng" – người đứng đầu VPBank trần tình. Chia sẻ khó khăn này với DN, VPBank đã giới thiệu gói tín dụng 2000 tỷ với mức lãi suất giảm 1,5% đến 2,5%/năm so với lãi suất hiện hành.
Đồng tình, TS. Cao Sĩ Kiêm cho rằng, khả năng giảm lạm phát còn 6% là có khả quan, tuy nhiên vấn đề bây giờ là cần phải cứu được hoạt động sản xuất, hỗ trợ phục hồi DN, nâng tổng cầu qua cải thiện sức mua.